Khoa học và công nghệ tạo đột phá cho phát triển kinh tế

Thời gian qua, kết quả phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương đã có sự đóng góp rõ nét của khoa học và công nghệ (KH và CN). Các Sở KH và CN đã chủ động, sáng tạo trong việc tham gia vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch ở địa phương, xác định được nhu cầu về KH và CN của người dân và doanh nghiệp.

Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm ban hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về phát triển KH và CN trong các lĩnh vực, như công nghệ sinh học, doanh nghiệp KH và CN, tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo... Ðến nay, KH và CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, đóng góp từ 30% đến 40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Nhiều sản phẩm đặc sản như cam, bưởi, nhung hươu... được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý đã tăng giá trị sản phẩm từ 30% đến 40% so với trước đây. Tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trung bình 15%/năm. Tương tự, tỉnh Thanh Hóa đã xác định KH và CN là một trong bốn khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, bố trí mức kinh phí cho ngành KH và CN cao hơn so với mức phân bổ kinh phí ngân sách. Hiệu quả đem lại là đã hỗ trợ được 28 dự án nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KH và CN, với kinh phí hỗ trợ 29 tỷ đồng. Các dự án nghiên cứu cam kết phải tạo ra được sản phẩm có giá trị kinh tế - xã hội.

Ðể trở thành một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng KH và CN vào nông nghiệp, với số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chiếm tới 30% tổng số của cả nước, thời gian qua, ngành KH và CN Lâm Ðồng cũng đã có những bước đi phù hợp. Bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở KH và CN Lâm Ðồng cho biết, trước năm 2005, khi xác định được một số loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, ngành KH và CN tỉnh đã tập trung triển khai một số đề tài điều tra cơ bản, tạo cơ sở hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như xây dựng bản đồ đất nông nghiệp, điều tra mức độ đa dạng sinh học, xây dựng bản đồ quản lý nước ngầm... Ðồng thời, tìm các công nghệ, kỹ thuật có khả năng ứng dụng triển khai tại địa phương. Trên cơ sở những căn cứ khoa học đó, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ban hành một Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Tỉnh ủy cũng ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ðến nay, khi tình hình sản xuất và nhu cầu của thị trường về sản phẩm nông nghiệp đang có chiều hướng thay đổi, Tỉnh ủy đặt đề bài cho ngành KH và CN phải đặt hàng các nhà khoa học đánh giá lại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững chứ không chỉ chú trọng tăng trưởng.

Ðể KH và CN thật sự là động lực phát triển kinh tế, xã hội, ông Ðỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH và CN Hà Tĩnh cho rằng, ngành KH và CN phải đổi mới, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để đáp ứng được yêu cầu và từng bước khẳng định vai trò không thể thay thế của KH và CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác tham mưu, các Sở KH và CN phải đưa được những vấn đề, nội dung KH và CN đã lựa chọn vào chương trình, kế hoạch, trở thành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định... của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh. Từ đó, vấn đề KH và CN trở thành mối quan tâm, nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Khi chính sách KH và CN đi vào cuộc sống sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho vai trò của KH và CN. Bên cạnh đó, một số sở KH và CN cho rằng Bộ KH và CN cần sớm tháo gỡ các vướng mắc để hoạt động KH và CN địa phương thuận lợi. Chẳng hạn, thiếu kinh phí thẩm định công nghệ cho các dự án trên địa bàn, nhất là trường hợp mời chuyên gia thẩm định, khiến dự án đầu tư bị chậm được thẩm định. Nếu lấy trong kinh phí sự nghiệp khoa học được phân bổ hằng năm cho KH và CN, sẽ làm giảm kinh phí triển khai các đề tài dự án. Một số địa phương đã thành lập Quỹ Phát triển KH và CN nhưng chưa hoạt động hiệu quả do thiếu hướng dẫn, trong khi đó, nhu cầu vay vốn để phát triển KH và CN của các doanh nghiệp rất lớn. Quỹ Phát triển KH và CN được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tài trợ các nhiệm vụ KH và CN, cho vay với lãi suất thấp và bảo lãnh vốn vay. Nhưng hiện nay, các quỹ chủ yếu thực hiện hai nhiệm vụ là cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH và CN và cho vay ưu đãi, còn nhiệm vụ tài trợ, bảo lãnh vốn vay chưa thực hiện được do vướng nguyên tắc bảo toàn vốn của Nhà nước, chưa có hướng dẫn về tài trợ.

Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho rằng, KH và CN và đổi mới sáng tạo đã được xác định là trụ cột cho phát triển của đất nước. Ở địa phương, ngành KH và CN cần tham mưu cho các cấp ủy về vai trò của KH và CN đối với phát triển kinh tế - xã hội, KH và CN không chỉ gắn với kinh tế - xã hội, mà chuyển sang phục vụ kinh tế - xã hội. Bộ sẽ chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH và CN còn bất cập, đồng thời sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH và CN.