Khoa học ngày nay

Bột gạo mầm hỗ trợ điều trị ung thư

PGS, TS Nguyễn Công Hà (Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ) và cộng sự đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm thực phẩm chức năng bột gạo mầm có tác dụng ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư gan và tiểu đường.

Sản phẩm này đã được thử nghiệm trên chuột với tính chất kháng tế bào ung thư gan và khả năng dung nạp glu-cô ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Kết quả, các chỉ số về bệnh ung thư gan và tiểu đường ở chuột thí nghiệm sau tám tuần đều về ngưỡng an toàn. Nhóm nghiên cứu sẽ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm.

Sản phẩm thay thế băng dán vết thương

I-xra-en và châu Âu bắt đầu đưa vào sử dụng thiết bị mới do I-xra-en nghiên cứu phát triển, giúp các vết thương, vết bỏng nhanh chóng lành nhờ một loại vật liệu thay thế da. Thiết bị có hình dạng một khẩu súng y tế, phun ra một loại vật chất sợi na-nô tương tự mạng nhện bảo đảm thoáng khí lên khu vực bị tổn thương. Sản phẩm giúp giảm số lần thay băng gạc và tăng cường khả năng di chuyển của người bệnh.

Rô-bốt mềm dẻo và linh hoạt

Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã phát triển loại rô-bốt từ vật liệu dẻo, cho phép bắt chước những cử động của con người, như đi bộ, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, leo lên đồi... Với kích cỡ nhỏ gọn và gần 90% trọng lượng là nước, rô-bốt này có thể di chuyển mà không cần hệ thống điện, thủy lực hay các cơ cấu chuyển động phức tạp. Nhóm nghiên cứu cho biết, vật liệu chế tạo rô-bốt này là tiềm năng để tạo ra các vật thể ứng dụng trong sản xuất hóa chất hoặc làm vật liệu sinh học thông minh ứng dụng trong y học.