Giải mã hàng triệu xác ướp chim thiêng của người Ai Cập cổ đại

NDO -

NDĐT - Những con chim thiêng đã bị giết ở quy mô công nghiệp tới hàng triệu con thời Ai Cấp cổ đại, và nghiên cứu mới có thể giúp chúng ta hiểu điều gì dẫn đến sự biến mất của loài chim khỏi đầm lầy sông Nile.

Một chiếc vỏ bằng vải lanh và thạch cao, tái tạo cái mỏ và đầu dài của con chim, với các hạt thủy tinh được thêm vào mắt.
Một chiếc vỏ bằng vải lanh và thạch cao, tái tạo cái mỏ và đầu dài của con chim, với các hạt thủy tinh được thêm vào mắt.

Trong khoảng năm 650 đến 250 trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã giết một số lượng đáng kinh ngạc loài chim thiêng để ướp xác tế thần Thoth, một vị thần ma thuật và trí tuệ, được miêu tả có cơ thể người và cái đầu có mỏ dài của loài chim. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng triệu lễ vật vàng mã này trong các nghĩa trang của người Ai Cập cổ đại, nơi các xác ướp chim bị giam giữ.

Giải mã hàng triệu xác ướp chim thiêng của người Ai Cập cổ đại ảnh 1

Vị thần Thoth của Ai Cập cổ đại là biểu tượng của sức khỏe và sức mạnh.

Do quy mô rộng lớn của ngành công nghiệp xác ướp, nhiều nhà Ai Cập học cho rằng người Ai Cập cổ đại đã nhân giống loài chim T. aethiopicus, loài đặc biệt linh thiêng ở châu Phi trong các trang trại tập trung lớn. Giả định này đã được củng cố bằng các bằng chứng khảo cổ và văn bản cho các hoạt động nuôi chim quy mô lớn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố ngày 13-11 trên tạp chí Plos One gợi ý rằng hầu hết các chim thiêng châu Phi đã bị bắt trong tự nhiên và có thể được giữ trong các trang trại chỉ một thời gian ngắn trước khi bị giết và ướp xác. Cái nhìn mới này về cách người Ai Cập cổ đại tạo ra xác ướp những con chim ở quy mô lớn có thể tác động đến cách các nhà nghiên cứu nghĩ về ngành công nghiệp xác ướp động vật cổ đại, và cũng giúp làm sáng tỏ cách thức và lý do tại sao loài chim thiêng này cuối cùng bị tuyệt chủng ở Ai Cập.

Nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà sinh vật học cổ Sally Wasef thuộc Trung tâm nghiên cứu tiến hóa con người Úc tại Đại học Griffith, đã kiểm tra DNA của 40 xác ướp có niên đại khoảng năm 48 trước Công nguyên từ sáu địa điểm hầm mộ của Ai Cập bao gồm Saqqara (nơi có hơn 1,5 triệu xác ướp) và Tuna el-Gebel (khoảng bốn triệu xác ướp). Mẫu DNA loài chim cổ đại sau đó được so sánh với 26 mẫu di truyền từ các loài chim thiêng trong quần thể chim châu Phi hiện nay bên ngoài Ai Cập.

Phân tích DNA cho thấy những con chim ướp xác của Ai Cập cổ đại có sự đa dạng di truyền tương tự như quần thể chim hoang dã ngày nay ở các vùng khác của châu Phi. Nếu các con chim được nhân giống trong các trang trại lớn, các nhà nghiên cứu lập luận, chim thiêng sẽ trở nên ít đa dạng về mặt di truyền qua các thế hệ và dễ bị mắc các bệnh thông thường như trong các hoạt động nuôi chim công nghiệp ngày nay.

Ông Wasef nói, các biến thể di truyền không chỉ ra bất kỳ mô hình chăn nuôi dài hạn nào tương tự như trang trại gà ngày nay. Nếu thực sự chim thiêng được đưa vào trang trại thì chỉ trong một thời gian ngắn trước khi bị giết.

Giải mã hàng triệu xác ướp chim thiêng của người Ai Cập cổ đại ảnh 2

Một trong hàng triệu xác ướp chim thiêng được tìm thấy ở Ai Cập.

Nhưng nhà khảo cổ học Bosch-Puche, Đại học Oxford, người không tham gia nghiên cứu tin rằng những con chim này thực sự được nuôi nhốt, do các dấu hiệu của vết thương đã được chữa lành và các bệnh truyền nhiễm được nhìn thấy ở các xác ướp tương tự như được ghi nhận trong quần thể động vật nuôi nhốt hiện đại. Những con chim bị thương, bệnh tật như vậy, ông cho rằng sẽ không thể săn bắn hoặc trốn thoát những kẻ săn mồi trong tự nhiên.

Theo ông Bosch-Puche, toàn bộ Ai Cập trong khoảng từ 650 đến 250 trước Công nguyên về cơ bản là một nhà máy sản xuất ra những chiếc xác ướp. Thậm chí có cả những con thú nhỏ, chúng chưa kịp trưởng thành đã bị ướp xác vì họ cần một số lượng lớn.

Trước những phát hiện mới, ông nói rằng chim thiêng hoang dã có thể đã bị thu hút bởi thức ăn tại các trang trại và điều đó sẽ giúp người Ai Cập dễ dàng săn bắn chúng với số lượng lớn để bổ sung cho động vật được nuôi trong trang trại của họ.

Giải mã hàng triệu xác ướp chim thiêng của người Ai Cập cổ đại ảnh 3

Vỏ đựng các xác ướp tại khu vực Tuna el-Gebel, nơi có hơn bốn triệu xác ướp chim được lưu giữ.

Aidan Dodson, Giáo sư danh dự Ai Cập học tại Đại học Bristol nói rằng, mặc dù dữ liệu di truyền mới đi ngược lại những ý tưởng truyền thống về cách người Ai Cập cổ đại có thể giết và ướp xác những con chim trên quy mô lớn như vậy, nhưng nghiên cứu DNA này là phân tích khách quan đầu tiên về chủ đề này.

Theo Giáo sư Dodson, ý tưởng chim thiêng được nuôi chỉ đơn giản là một phỏng đoán để giải thích số lượng khổng lồ của chúng, và không dựa trên bất kỳ bằng chứng khảo cổ học hay tài liệu nào. Nếu người Ai Cập không sinh sản chim thiêng mà chỉ bắt chúng trong tự nhiên, thì trường hợp sau đòi hỏi một cấu trúc xã hội khác biệt để các nhà Ai Cập học xem xét, ông nói thêm.

Nghiên cứu DNA mới cũng có thể giúp trả lời một câu hỏi lớn hơn về lý do tại sao loài chim thần thánh châu Phi cuối cùng bị tuyệt chủng ở Ai Cập vào giữa thế kỷ 19. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã cho rằng chim thiêng vốn thích vùng đầm lầy có thể đã biến mất khi khí hậu của Ai Cập trở nên khô hơn theo thời gian, nhà sinh vật học cổ Wasef cho biết.

“Môi trường sống mất không thể là câu trả lời duy nhất, vì đây là những loài chim thích nghi và ăn thức ăn của con người, vậy tại sao chuyện này lại xảy ra?”, Salima Ikram, một nhà khảo cổ tại Đại học Mỹ ở Cairo và một đồng tác giả của nghiên cứu mới nói. Đây là một phần của câu đố lớn hơn liên quan đến tương tác giữa người và động vật và tác động của chúng đến môi trường.