Dịch vụ cơ sở dữ liệu điện toán đám mây đầu tiên của Việt Nam

Công ty Viettel IDC (Tập đoàn Viettel) đã phát triển Dịch vụ cơ sở dữ liệu điện toán đám mây đầu tiên của Việt Nam (StartDB). Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp triển khai hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu hoàn toàn tự động, bảo đảm khả năng bảo mật thông tin cho khách hàng.

Thay vì phải mua máy chủ và có nhân sự vận hành cơ sở dữ liệu, doanh nghiệp chỉ cần thuê cấu hình phù hợp, có thể thay đổi theo nhu cầu và được tối ưu bởi các chuyên gia cơ sở dữ liệu của Công ty Viettel IDC. Sản phẩm này góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng dịch vụ công nghệ thông tin hoàn chỉnh, an toàn, dễ sử dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua, sản phẩm đoạt giải thưởng Sao Khuê năm 2020.

Vật liệu tự phục hồi trong môi trường khắc nghiệt

Các nhà khoa học của Trung Quốc đã tạo ra loại cao-su đàn hồi có khả năng tự phục hồi. Khi cắt vật liệu thành hai mảnh, chất đàn hồi cho phép cao-su dính lại với nhau hoàn toàn, mà không cần tác động từ bên ngoài. Theo kết quả thử nghiệm, vật liệu có thể tự phục hồi trong vòng 10 phút ở nhiệt độ phòng và có thể tự phục hồi trong môi trường khắc nghiệt như trong nước mặn, môi trường a-xít và kiềm. Các nhà khoa học cho rằng, vật liệu mới này có thể được sử dụng để chế tạo rô-bốt, các thiết bị dò dưới biển sâu và thiết bị công nghệ cao khác.

Chế tạo thành công mắt nhân tạo

Nhóm các nhà nghiên cứu của Ðại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công (Trung Quốc), Ðại học California-Berkeley và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) đã chế tạo thành công mắt nhân tạo với chức năng gần giống mắt người. Mắt nhân tạo có thể phát hiện phạm vi các cường độ ánh sáng khác nhau và có độ nhạy sáng gần giống mắt người. Nghiên cứu là bước đột phá trong chế tạo mắt sinh học nhân tạo, niềm hy vọng cho những người bị khiếm thị.