Da người có thể phát sáng thành một chiếc đồng hồ

NDO -

NDĐT - Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) đã phát triển một thiết bị phát sáng dưới da sử dụng trong thời gian lâu dài, hoạt động ở điện áp thấp và an toàn cho da người.

Công nghệ phát sáng mới được ứng dụng trong một đồng hồ bấm giờ biểu bì. Ảnh: ACS.
Công nghệ phát sáng mới được ứng dụng trong một đồng hồ bấm giờ biểu bì. Ảnh: ACS.

Hãy tưởng tượng một người chạy không cần mang theo đồng hồ bấm giờ hoặc điện thoại di động để kiểm tra thời gian, chỉ cần nhìn vào mu bàn tay đã thấy màn hình đồng hồ bấm giờ phát sáng. Điều này không còn là khoa học viễn tưởng.

Mấy năm gần đây, các nhà khoa học đã phát triển các thiết bị phát sáng trong thời gian dài được gọi là màn hình điện phát quang xoay chiều (ACEL) có thể cấy trên da hoặc các bề mặt khác như một hình xăm tạm thời. Tuy nhiên, màn hình yêu cầu điện áp tương đối cao để đạt được độ sáng đủ, điều này có thể tạo ra mối lo ngại về an toàn. Vì vậy, Desheng Kong và các đồng nghiệp ở ACS muốn phát triển một ACEL có thể hoạt động ở điện áp thấp hơn và do đó an toàn hơn cho da người.

Để chế tạo thiết bị, các nhà nghiên cứu đã kẹp một lớp điện phát quang, được làm từ các vi hạt phát sáng phát tán trong một vật liệu điện môi có thể co giãn, giữa hai điện cực dây nano bạc linh hoạt. Thiết bị này chứa một loại vật liệu điện môi mới, dưới dạng các hạt nano gốm được nhúng trong một loại polymer cao su, giúp tăng độ sáng so với màn hình ACEL hiện có.

Họ đã sử dụng vật liệu này để tạo ra màn hình đồng hồ bấm giờ gồm bốn chữ số, được gắn trên tay của một người tình nguyện. Ở điện áp thấp, màn hình có thể đủ sáng để nhìn thấy dưới ánh sáng trong nhà.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đồng hồ bấm giờ biểu bì cho phép tích hợp mật thiết với cơ thể con người và màn hình này có thể ứng dụng trong thiết bị đeo thông minh, robot mềm và giao diện người-máy.