“Chuyện nghề địa chất”

NDO -

NDĐT - Chiều 14-9, tại trụ sở (mới) Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (số 561, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã khai trương Trưng bày “Chuyện nghề địa chất”, giới thiệu sinh động những câu chuyện nghề từ ký ức, tài liệu và những kỷ vật của 22 nhà địa chất học hàng đầu Việt Nam.

Các nhà địa chất đang nhìn lại những hình ảnh ký ức của mình.
Các nhà địa chất đang nhìn lại những hình ảnh ký ức của mình.

Một nghề đặc biệt, vất vả nhưng cũng rất lãng mạn

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngành địa chất đã có nhiều đóng góp lớn. Các nhà địa chất đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cơ bản, điều tra lập bản đồ, thăm dò, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí...

Cuộc đời của nhà địa chất là những chuyến đi, không ít gian khổ, hiểm nguy, nhưng cũng đầy cảm hứng lãng mạn. GS,TSKH Tống Duy Thanh (nguyên cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) nói: “Đặc điểm dễ nhận biết của người làm địa chất là ăn mặc nhếch nhác; luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập”. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài “nhếch nhác” thường thấy đó là sự cống hiến thầm lặng. Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học… là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các nhà địa chất mà người ngoài cuộc khó biết được.

Với các nhà địa chất, hằng năm có hai “mùa”: mùa đi thực địa và mùa làm việc tại văn phòng. Nhà địa chất phải đi thực địa nhiều, thường vào mùa khô, mỗi chuyến vài tuần, có khi kéo dài cả tháng, thậm chí vài ba tháng hay lâu hơn. Bước chân các nhà địa chất in dấu khắp nơi trên đất nước, từ núi rừng đến biển đảo. Hành trang trong ba-lô mỗi chuyến thực địa là búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn…

Sau mỗi mùa đi thực địa, là “mùa văn phòng”. Đây là khoảng thời gian các nhà địa chất làm việc âm thầm và tỉ mỉ bên kính hiển vi, với những mẫu vật… để bắt các mẫu đá, mẫu quặng vô tri vô giác phải “lên tiếng”. GS,TSKH Phan Trường Thị, Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, nói: “Mỗi mẫu đá kể một câu chuyện của trái đất. Thể dạng kết tinh, màu sắc, chất liệu… của mỗi mẫu vật còn cho nhiều suy ngẫm về sự cân bằng của tự nhiên, về sự vĩnh cửu của các quy luật tạo hóa…”.

Trưng bày Chuyện nghề địa chất giới thiệu về lao động khoa học của các nhà địa chất, về những chuyến đi thực địa và những công trình nghiên cứu. Kết hợp với ký ức của các nhà khoa học, trưng bày còn kể lại những câu chuyện nghề và chuyện người - kể về những hiểm nguy mà họ đã phải đối mặt, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt của rừng sâu, sóng gió biển đảo để vẽ nên những tấm bản đồ, phát hiện ra những mỏ dầu khí, khoáng sản, tài nguyên, qua đó giúp người xem hiểu thêm về nhà địa chất và nghề địa chất.

Những công việc của các nhà địa chất là những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, phục vụ điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò khoáng sản cho đất nước nhưng còn mang trong đó nhiều giá trị văn hóa. Ngoài việc đo vẽ bản đồ địa chất, thăm dò khoáng sản, họ còn tìm kiếm dấu tích lịch sử trái đất. Thành tựu đáng tự hào của các nhà địa chất là đã đo vẽ phủ kín bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000 toàn bộ lãnh thổ Việt Nam - điều không phải quốc gia nào cũng làm được.

Hướng đến xây dựng Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam

Từ năm 2014, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức cuộc trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” - kể những câu chuyện của ba nhà khoa học thuộc lĩnh vực y học. Trưng bày thứ hai là “Thẳm sâu trong từng hiện vật”, lựa chọn cách kể chuyện theo từng hiện vật, giúp người xem có thể hiểu sâu những đóng góp của nhà khoa học cho xã hội, về tình cảm và nhiều câu chuyện khác của nhà khoa học ở những bối cảnh không giống nhau. Cuộc trưng bày Chuyện nghề địa chất lựa chọn chủ đề là câu chuyện nghề của một ngành khoa học, với những bản sắc riêng. Ba cuộc trưng bày với ba loại chủ đề và cách tiếp cận khác nhau về các nhà khoa học ở các lĩnh vực không giống nhau, dựa trên hiện vật, tư liệu và ký ức… là những thử nghiệm trong quá trình hướng đến xây dựng Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong (Hòa Bình).

PGS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, cho biết: “Các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực đã hợp tác rất chặt chẽ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Sự cộng tác này đã tạo điều kiện thuận lợi về hiện vật, về tư liệu, quan trọng hơn còn là sự chia sẻ ký ức, các câu chuyện, kinh nghiệm của nhà khoa học. Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam sẽ được xây dựng trong tương lai là của chính các nhà khoa học, vì các nhà khoa học, cho các nhà khoa học”.

“Chuyện nghề địa chất” ảnh 1

Hai cuốn nhật ký địa chất của GS,TSKH Lê Đức An (Viện Địa lý).

“Chuyện nghề địa chất” ảnh 2

Mẫu đá mã não (Chalcedony) được PGS Nguyễn Khắc Vinh (Viện Địa chất và Khoáng sản) tìm thấy ở Tây Nguyên năm 1997.

“Chuyện nghề địa chất” ảnh 3

Một câu chuyện được chia sẻ.

“Chuyện nghề địa chất” ảnh 4

Những kỷ vật là hành trang của các nhà địa chất.

“Chuyện nghề địa chất” ảnh 5

Trưng bày Chuyện nghề địa chất.