Cao Bằng bảo tồn, phục tráng nhiều giống cây bản địa

Thực hiện chính sách nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nghiên cứu, phục tráng nhiều giống cây bản địa có giá trị kinh tế. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi liên kết chuyển giao kỹ thuật, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Trồng quýt giúp người dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nâng cao thu nhập.
Trồng quýt giúp người dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nâng cao thu nhập.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện 59 đề tài, dự án khoa học, với tổng kinh phí gần 47 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm nhiều nhất, với 20 đề tài. Một số đề tài đạt hiệu quả cao, làm lợi cho nông dân, thúc đẩy sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao, như: Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc; phục tráng giống quýt...

Giống lúa nếp hương Khẩu Nua Hom của huyện Bảo Lạc có hương thơm, độ dẻo, chất lượng ngon, nhưng nhiều năm qua, vẫn chỉ là đặc sản địa phương, chưa thể vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh do chưa thiết kế được bao bì, nhãn mác sản phẩm. Thêm vào đó, quá trình canh tác lâu năm, giống lúa nếp hương này cũng đã suy thoái, năng suất thấp. Kết quả thực hiện đề tài bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp này đã cho giống lúa nếp hương nguyên chủng chất lượng cao, năng suất tăng 20% so với giống cũ, bình quân đạt 46 tạ/ha. Bên cạnh đó, Sở KH và CN triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp hương Bảo Lạc”, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, thiết kế bao bì có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, nâng giá trị sản phẩm nếp hương Bảo Lạc. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm Ninh Văn Tuấn chia sẻ, đơn vị cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho một số nông dân. Đến nay, đã thu mua gần 20 tấn gạo nếp hương, đóng gói, tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác. Khi sản phẩm có đầu ra, giá trị được gia tăng, các hộ nông dân đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp hương. Đến nay, diện tích trồng tại huyện Bảo Lạc đã tăng gấp đôi, đạt 100 ha/vụ, thu nhập bình quân đạt 90 triệu đồng/ha. Chị Lãnh Thị Huyền, xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc cho biết, trồng lúa nếp hương năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá trị kinh tế cao gần gấp ba lần. Gia đình chị đã trồng 2.000 m2, và dự kiến sẽ tăng diện tích trồng lúa nếp hương trong vụ tới.

Quýt là loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh Cao Bằng, nhưng các giống bản địa cũng đang bị thoái hóa, năng suất thấp và dễ bị sâu bệnh. Để bảo tồn giống quýt thơm, ngon, Sở KH và CN tỉnh Cao Bằng đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng giống quýt”. Thông qua nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao kỹ thuật phục tráng, bảo tồn giống quýt, đã có 40 ha trong tổng số 100 ha quýt ở các huyện được trồng theo công nghệ ghép đỉnh vi sinh trưởng. Nhờ đó, tình trạng sâu bệnh hại cây quýt được đẩy lùi, năng suất tăng từ 10 tấn lên 15 tấn quả/ha; thu nhập bình quân đạt từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/ha. Nhờ chuyển đổi trồng cây quýt, nhiều gia đình đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Tại các huyện Trà Lĩnh, Hòa An, Thạch An, không ít hộ thu nhập 100 đến 300 triệu đồng/vụ từ trồng quýt. Anh Hoàng Văn Đấu, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh phấn khởi cho biết, vườn quýt của gia đình có 500 cây, trong đó một nửa đã cho thu hoạch quả, vụ vừa qua, gia đình đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Để tăng thời gian bảo quản quả quýt, vừa qua, PGS,TS Nguyễn Minh Lợi, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội và Sở KH và CN tỉnh Cao Bằng đã thử nghiệm thành công ứng dụng saponin (chiết xuất từ vỏ tôm, cua, ghẹ) phối chế với chế phẩm sinh học, tạo màng sinh học. Kết quả nghiên cứu đã cho phép bảo quản quả quýt tươi, ngon trong 42 ngày, bảo đảm an toàn thực phẩm, giúp người trồng quýt chủ động thời gian thu hoạch, hạn chế các thiệt hại do thời tiết.

Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Cao Bằng Bế Đăng Khoa cho biết, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả các đề tài KH và CN, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học của tỉnh sẽ bám sát các chương trình trọng tâm, định hướng lớn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện các đề tài xuất phát từ yêu cầu sản xuất và nhu cầu, lợi ích của người dân; tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng KH và CN vào sản xuất, thông qua liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.