Tê giác trắng Nam Phi : Những cuộc đi săn đe dọa tương lai

NDO -

NDĐT - Trên thế giới có 5 phân loài tê giác nhưng phân loài được buôn bán với mục đích phi thương mại chủ yếu trên thế giới là tê giác trắng Ceratotherim simum (bao gồm các quần thể ở Nam Phi và Swaziland). Thế nhưng, sự suy giảm đột ngột quần thể tê giác ở Nam Phi cùng với nhu cầu sừng tê tăng lên như nước triều dâng ở các nước châu Á đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mà chỉ những lệnh cấm ở cấp độ quốc gia mới có thể chặn đà đi lên – hạ xuống của hai thái cực trên.

Sừng tê giác bị tịch thu trong một vụ vận chuyển trái phép.
Sừng tê giác bị tịch thu trong một vụ vận chuyển trái phép.

Nam Phi – tăng, giảm nối tiếp

Từ cá thể của một quần thể còn sót lại vào năm 1895 (20-50 cá thể), Nam Phi hiện đang bảo tồn 18.800 con tê giác trắng, tương đương với gần 95% tổng số quần thể tê giác trắng tại châu Phi (phần còn lại tồn tại ở Swaziland). Các số liệu thống kê cho thấy có tới 25% quần thể tê giác trắng ở Nam Phi thuộc sở hữu tư nhân, những người đóng góp phần lớn vào việc phát triển quần thể tê giác trắng.

Bộ môn thể thao săn bắn tê giác trắng quay trở lại Nam Phi vào năm 1968, thời điểm mà chỉ còn 1.800 con tê giác cư ngụ trên khắp quốc gia này. Trải qua bốn thập kỷ sau đó, số lượng tê giác trắng tại Nam Phi đã tăng mạnh và thay vì kìm hãm sự phát triển của quần thể tê giác, hoạt động săn bắn nhằm mục đích giành chiến lợi phẩm hiện được coi là một động lực tích cực đóng góp cho công tác quản lý đa dạng sinh học, mở rộng địa bàn, tạo nguồn thu cho các cơ quan bảo tồn và là động lực thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã đối với phần lớn những người có liên quan.

Nền công nghiệp săn bắn và các dịch vụ ăn theo sử dụng trực tiếp khoảng 70.000 nhân công, chủ yếu từ vùng nông thôn. Có khoảng 500 người làm việc trong các trang trại săn bắn và khoảng 3.000 thợ săn chuyên nghiệp, những người này được hỗ trợ bởi hàng trăm chuyên gia về động vật hoang dã, bao gồm các chuyên gia về bắt động vật, chuyên gia về di chuyển địa điểm, các bác sĩ thú y và những người làm thú nhồi.

Tê giác trắng đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp săn bắn này. Từ năm 2008 đến năm 2011, việc bán tê giác trắng đã thu về khoảng 35,5 triệu USD cho các tổ chức kinh doanh động vật hoang dã chính, được đại diện bởi hai cơ quan chức năng về động vật hoang dã và một công ty bán đấu giá tư nhân. Kết hợp với du lịch, nền công nghiệp động vật hoang dã của Nam Phi rất phát triển và tạo ra một hệ thống doanh nghiệp năng động và đạt hiệu quả kinh tế cao, cạnh tranh đáng kể với nông nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác.

Sau khi được phép hoạt động trở lại vào năm 1968, thị trường săn bắn của Nam Phi do các các thợ săn truyền thống đến từ Bắc Mỹ và châu Âu, những lục địa có truyền thống lâu đời về môn thể thao này nắm giữ. Trong khoảng 35 năm, việc săn bắn tê giác diễn ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của việc bị lạm dụng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2003, có một sự gia tăng đáng kể những thợ săn đến từ lục địa không có truyền thống với môn thể thao này, những người đã cố ‎ý lợi dụng những lỗ hổng trong luật pháp của Nam Phi để tiến hành săn bắn trên danh nghĩa là nhằm mục đích làm chiến lợi phẩm nhưng thực chất là để cung cấp cho hoạt động trao đổi buôn bán sừng tê giác mới được phục hồi tại châu Á.

Chính phủ Nam Phi đã thực hiện hàng loạt các biện pháp áp đặt những quy định chặt chẽ hơn đối với việc săn bắn tê giác trắng như mỗi người chỉ được săn bắn một con trong 12 tháng, người của chính phủ phải có mặt để chứng kiến các buổi đi săn, sừng tê giác không được phép xuất khẩu như là một phần hành lý cá nhân của các thợ săn, hệ thống luật pháp của nước những người thợ săn cũng phải đầy đủ các quy định để bảo đảm những chiến lợi phẩm đó giữ nguyên được tính "cá nhân phi thương mại", mỗi sừng tê giác chiến lợi phẩm sẽ được gắn micro-chip và lấy mẫu ADN để đưa vào Hệ thống chỉ số ADN tê giác tại Phòng thí nghiệm Di truyền học Thú y tại Pretoria.

Việc kiểm soát đối với những người làm thú nhồi cũng được tăng cường. Kể từ năm 2011, tất cả hoạt động xuất khẩu tê giác sống ra các địa điểm bên ngoài khu vực cư trú tự nhiên của chúng bị hạn chế trong phạm vi các nước thành viên của Hiệp hội Thế giới các Vườn thú và bể nuôi thủy sinh.

Tuy nhiên, sừng tê giác được cung cấp bởi các nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức tại Nam Phi dưới nhiều hình thức. Các chủ nuôi và người quản lý tê giác liên tục thu được sừng tê giác từ những cá thể đã chết trong tự nhiên hoặc do các nguyên nhân liên quan đến quản lý hoặc từ các vụ săn bắn trộm hoặc từ các vụ bị bắt giữ. Một nguồn cung cấp chính sừng tê giác cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp là từ việc săn bắn nhằm mục đích giành chiến lợi phẩm bắt nguồn từ các cuộc "săn bắn giả" tê giác trắng của những thợ săn phi truyền thống. Và hiện tượng này bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 2006 trở đi trong đó có sự xuất hiện của những công dân đến từ châu Á.

Thợ săn không biết bắn súng và những con số không im lặng

Thoạt chừng nghe rất khôi hài nhưng đây chính là những người đã xin được giấy phép săn bắn tê giác trắng, có tham gia vào hoạt động săn bắn nhưng có bắn hạ được tê giác hay không lại là một dấu hỏi lớn. Theo điều tra của tổ chức TRAFFIC thì thậm chí các công nhân tình dục Thái Lan ngay từ năm 2006 cũng đã được thuê đóng giả thợ săn sang Nam Phi để săn tê giác trắng. “Liễu yếu tay mềm”, việc cầm chắc khẩu súng săn trong tay đã khó nói gì đến bắn trúng mục tiêu để lấy chiến lợi phẩm.

Thông thường, tê giác bị bắn chết bằng súng, thường là súng trường AK47. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có dấu hiệu cho thấy tê giác hoặc bị giết bằng một phát đạn duy nhất từ một loại vũ khí cỡ nòng to chuyên được những chuyên gia trong ngành công nghiệp động vật hoang dã sử dụng, hoặc trường hợp ít gặp hơn, bị bắn thuốc gây mê và lấy mất sừng. Thậm chí, trong một số cuộc đi săn, những người tổ chức còn sử dụng cả máy bay trực thăng nhằm tìm và săn tê giác dễ dàng hơn cho dù phần lớn những chủ sở hữu tê giác tư nhân và các nhà hoạt động trong ngành công nghiệp động vật hoang dã vẫn luôn cam kết bảo vệ tê giác và ủng hộ việc bảo tồn loài vật này.

Trớ trêu đồng hành chính là nạn săn bắn trộm một cách tàn bạo tê giác sống. Trong vòng 16 năm, từ 1990 đến 2005, thiệt hại trung bình do săn bắn trộm tê giác ở Nam Phi là 14 con mỗi năm. Năm 2008, con số này tăng lên thành 83 con và đến năm 2010 đạt 333 con. Năm 2011, tổng số tê giác bị giết hại lập một kỷ lục mới với 448 con. Tính đến ngày 31-12-2012, đã có 668 con tê giác bị giết hại.

Cùng với Vườn quốc gia Kruger, ba tỉnh Limpopo, KwaZulu-Natal và North West (Tây Bắc) sở hữu gần 90% số tê giác ở Nam Phi, là những nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, chiếm hơn 75% các vụ săn bắn trộm xảy ra trong năm năm gần đây. Chắc chắn, những con số trên khiến người ta liên tưởng đến một tương lai không lấy gì làm sáng sủa cho quần thể tê giác trắng ở Nam Phi.

Sừng tê giác có tác dụng gì?

Theo quan niệm của y học, đặc biệt phương Đông, việc sử dụng sừng tê giác được gắn với tác dụng hạ sốt, đặc biệt dành cho người máu nóng, và loại bỏ các độc tố trong cơ thể và trong máu. Danh sách các bệnh có thể được chữa trị bao gồm từ sốt cao, mê sảng, đau đầu trầm trọng cho đến sởi, co giật, động kinh và đột quỵ. Tuy nhiên, có một thực tế rằng sừng tê giác được quảng cáo như là một liều thuốc đặc trị cho các căn bệnh đe dọa tới mạng sống con người như ung thư. Tuy nhiên, trong các tài liệu y học đã được xuất bản trên thế giới, không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy giá trị của sừng tê giác trong việc chữa trị ung thư.

Theo Cơ quan quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC), năm 2008, cả thế giới phát hiện 12,8 triệu người mắc bệnh ung thư và căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên thế giới, trở thành mối lo ngại lớn về sức khỏe toàn cầu. Trên thực tế, cách dùng phổ biến nhất của sừng tê giác ngày nay hoàn toàn không liên quan đến bệnh tật mà là dùng để giải độc sau khi uống rượu hay còn gọi là giã rượu. Đó là cách người giàu có trộn bột sừng tê giác với nước hoặc rượu để làm thuốc bổ và thuốc giã rượu. Đây cũng là một cách phô trương sự giàu có, địa vị và thành công với bạn bè và cộng đồng.

Gần đây, trong các bà mẹ trẻ có thu nhập từ trung bình đến cao – những người giữ sừng tê giác trong tay để làm thuốc điều trị tại nhà khi bị sốt cao, đặc biệt là trường hợp xảy ra với trẻ em. Bên cạnh đó, những người dùng sừng tê giác, một thứ quà tặng đắt tiền như một phương tiện để tìm kiếm sự ưu ái từ những cá nhân có địa vị và quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - xã hội hoặc chính trị. Do đó, sừng tê giác đã được mua, được chào hàng như một loại quà tặng giá trị cao và thể hiện đẳng cấp, tạo tiền đề thuận lợi cho những cuộc làm ăn tiếp theo.

Tê giác trắng có cái tên thường gọi là White rhino nhưng thực tế đây là phân loài tê giác có cái mõm rộng. Khi những người Hà Lan xâm chiếm Nam Phi, họ gọi bằng cái tên Wyth (tiếng bản xứ) rhino (có nghĩa là tê giác mõm rộng) nhưng về sau người bản xứ lại đọc thành White rhino (tê giác trắng). Tê giác trắng có phân bố ở Boswana, Kenya, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Uganda, Zambia và Zimbabwe.

Tê giác trắng thuộc Phụ lục I Công ước CITES nhưng các quần thể ở Nam Phi và Swaziland được quy định tại Phụ lục II: Được phép buôn bán quốc tế mẫu vật sống và các chiến lợi phẩm sau săn bắt đến các địa điểm nhất định theo quy định. Việc xuất khẩu và nhập khẩu chiến lợi phẩm săn bắn là sừng tê giác trắng bắt buộc phải có giấy phép CITES do nước xuất khẩu và nước nhập khẩu cấp. Hiện chỉ có Swaziland cấp phép xuất khẩu tê giác trắng (mẫu vật sống).

Trước tình hình quần thể tê giác trắng ngày càng suy giảm, chính phủ Nam Phi đã ra lệnh ngừng bán sừng tê giác trên toàn đất nước vào tháng 2-2009.

Tháng 4-2012, Bộ Môi trường Nam Phi đã nghiêm cấm việc cấp giấy phép săn bắn cho các thợ săn Việt Nam.

Ngày 24-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (trong đó có tê giác trắng).

Tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 sẽ tổ chức vào tháng 3-2013, Kenya đề xuất áp dụng cấm xuất khẩu mẫu vật săn bắn đối với quần thể tê giác trắng ở Nam Phi và Swaziland cho tới năm 2019. Kenya cũng chính là nước có chế độ bảo vệ tê giác trắng rất nghiêm ngặt.