Hàng trăm sừng tê giác ở Nam Phi bị tiêm độc để chống săn bắt

NDO -

NDĐT– 18 tháng qua, 110 sừng tê giác ở trang trại Sabi Sand, Nam Phi đã bị tiêm một lượng ký sinh trùng tổng hợp và nhuộm hồng nhằm đấu tranh chống những kẻ săn bắn trái phép.

Nam Phi tăng cường bảo vệ tê giác thông qua việc tiêm độc vào sừng.
Nam Phi tăng cường bảo vệ tê giác thông qua việc tiêm độc vào sừng.

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 cá thể tê giác ở Nam Phi bị săn bắt nhằm cung cấp sừng tê giác làm các phương thuốc cổ truyền.

Andrew Parker, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sabi Sand Wildtuin, một nhóm các chủ sở hữu tư nhân trang trại tê giác ở tỉnh Mpumalanga khẳng định: “Những người sử dụng sừng tê giác ở châu Á sẽ cảm thấy bất an khi sử dụng một loại dược phẩm chứa những hợp chất hóa học gây tử vong”.

Các cá thể tê giác được khoan một lỗ trên sừng và tiêm một lượng ký sinh trùng tổng hợp thường được sử dụng để đánh dấu ở động vật như ngựa, gia cầm và cừu. Tuy nhiên, nó rất độc đối với người. Parker khẳng định: “Nó sẽ làm suy kiệt thể lực thông qua các triệu chứng buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy dẫn đến tử vong. Chất độc này có thể nhìn thấy và thật là ngu ngốc nếu ai đó sử dụng nó”.

Khi được hỏi liệu việc này có gây hại cho những người tiêu thụ bản địa, Parker cho biết: “Đây là hoạt động hợp pháp. Chất độc này được phổ biến cho tất cả thợ săn. Chúng tôi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm các biển chỉ dẫn trên các hàng rào trang trại. Nếu ai đó sử dụng, họ sẽ tử vong và hy vọng không ai trong số các bạn phải sử dụng sừng tê giác”.

Hóa chất sử dụng để nhuộm sẽ được các máy quét phát hiện dễ dàng khi sừng tê giác được nghiền thành bột.

Parker cho rằng việc tiêm độc là cần thiết: “Mặc dù các cơ quan thực thi đã tăng cường kiểm soát song việc săn bắn tê giác trái phép ngày càng tăng. Mọi thứ dường như không được như ý. Và đối với các tay săn trộm thì đây là công việc ít nguy hiểm và lợi nhuận cao. Với việc tiêm độc, chúng ta sẽ ngăn chặn được các hoạt động bất hợp pháp và sừng tê giác trở nên vô dụng”.

Các vườn quốc gia ở Nam Phi đều tán thành sáng kiến trên nhưng người phát ngôn Ike Phaahla thừa nhận “Điều này khó khả thi để có thể áp dụng với tất cả tê giác ở các vườn quốc gia do thiếu nhân lực”.

Chính phủ Nam Phi cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 203 cá thể tê giác bị giết hại, trong đó có 145 cá thể ở Vườn quốc gia Kruger. 60 đối tượng bị tình nghi là săn trộm đã bị thẩm vấn. Dự đoán, sẽ có 1.000 cá thể tê giác chết trong năm nay.