Nỗi lo quá tải, sàng lọc đầu vào

Chuyển biến rõ nét nhất đáng ghi nhận trong mùa tuyển sinh đầu cấp hai năm nay ở Hà Nội là đã hết cảnh PH xếp hàng trắng đêm, chen lấn mua đơn xin học sau khi áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến. Nhưng áp lực ngầm vẫn còn đó, gánh nặng không chỉ trên vai PH, HS mà cả các trường.

Giờ học tin học của học sinh trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội).
Giờ học tin học của học sinh trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội).

Còn nguy cơ thiếu trường, lớp

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, năm học 2018-2019, quy mô HS trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng: tăng hơn 22 nghìn HS dự tuyển vào lớp 10, trẻ đến tuổi vào lớp 1 tăng hơn 20 nghìn, HS vào lớp 6 tăng 11 nghìn. Nếu ở các huyện ngoại thành, tình trạng xuống cấp phòng học là vấn đề đáng quan tâm thì ở nội thành, áp lực lại do dân cư tăng quá nhanh khi quy mô trường học không đáp ứng kịp, nhất là ở các quận tốc độ đô thị hóa nhanh. Phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chưa có trường THCS công lập, khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) chưa có trường mầm non công lập; các phường Hoàng Liệt, Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai) có nhiều khu đô thị mới nhưng chưa đủ trường công lập... là những dẫn chứng điển hình. Quá tải chỗ học xảy ra không chỉ ở trường điểm (trường có uy tín trong các địa bàn quận) mà còn ở trường thường. Quận Cầu Giấy có nhiều “siêu phường” từng khiến các trường tiểu học, THCS quá tải khi tuyển sinh nên UBND quận quyết định phân tuyến lại, cùng một phường nhưng có HS thuộc tổ dân cư học trường này, ở tổ dân cư kề cận học trường khác. Tuy vậy, rất nhiều trường tiểu học chỉ tính riêng số HS đúng tuyến đã vượt quá chỉ tiêu như Dịch Vọng A, B, Nghĩa Tân, hay Nam Thành Công (quận Đống Đa).

Mặc dù nhiều năm qua, Sở GD-ĐT Hà Nội kiên trì thực hiện chủ trương giảm sĩ số HS/lớp, giảm số HS trái tuyến nhưng chỉ áp dụng được rõ rệt ở các quận nội thành cũ. Ngoài số HS đúng tuyến vốn đã đông, hầu như trường nào cũng vẫn tồn tại HS trái tuyến (có trường tới hơn 30% tổng số HS đầu cấp). Nhiều trường năm học 2018-2019 vẫn dự kiến mức sĩ số 55-60 với HS lớp 1, lớp 6. Bởi, cơ sở vật chất thì không thể mở rộng ngay trong ngày một, ngày hai nên đành bố trí sĩ số HS các lớp tăng thêm.

Truân chuyên phương án tuyển đầu vào

Cách đây ba năm, một số trường đặc thù tại Hà Nội (trường chuyên, trường công lập chất lượng cao, trường ngoài công lập có nguồn tuyển rộng, số đăng ký tuyển vượt xa chỉ tiêu) được chủ động lựa chọn phương án tuyển sinh đầu vào. Nhiều trường như THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Mariecurie, Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm... thường có số dự tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Và các hình thức sàng lọc đầu vào đa dạng được đặt ra.

Có trường tổ chức thi tuyển với đề thi “đánh đố” khiến nhiều PH phải cho con lao vào nhiều “lò luyện” để tranh đua. Có trường tổ chức các phương thức đánh giá năng lực, đo chỉ số IQ, EQ, cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm để đánh giá hoặc phỏng vấn trực tiếp... Dù là phương thức nào thì làn sóng “luyện thi” vẫn bùng phát. Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT có một quyết định khá cực đoan là “cấm thi tuyển trong mọi hình thức”. Tuy nhiên, xét tuyển bộc lộ “tù mù”, thiếu chính xác vì tiêu chí chủ yếu dựa vào học bạ. Nhiều trường có tới 80, 90% hồ sơ nộp có học bạ giỏi cả 5 năm, thậm chí có trường hợp buổi sáng đến nộp thiếu một học kỳ không được giỏi, bị trừ điểm xét tuyển đã xin lại hồ sơ, chiều quay lại nộp đã có đủ 5 năm HS giỏi. Do vẫn buộc phải sàng lọc đầu vào với tỷ lệ chọi cao, một số trường phải đặt ra các mức khác nhau để cộng điểm, ưu tiên tuyển sinh như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, giải thưởng của các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động trải nghiệm, thiện nguyện... Thế là làn sóng tiêu cực nảy sinh là PH đua chen cho con đi tham dự nhiều cuộc thi kiếm giải. Và hàng trăm cuộc thi các cấp từ quận đến thành phố, các cuộc thi do nhiều tổ chức khác nhau mở ra chỉ để thu hút HS tiểu học dự thi để giành giải. Theo ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, năm đầu tiên trường đưa ra tiêu chí phụ còn ít giải, năm sau tăng đột biến. Mùa tuyển sinh năm ngoái, trường dự kiến tuyển 600 HS nhưng hồ sơ quá khó xét, không biết loại bằng cách nào đành tuyển tăng thêm 200. “Khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực có thể khắc phục, nhưng đáng lo nhất là chất lượng đầu vào không đồng đều”, ông Thống phàn nàn. Thế nên mới có chuyện cán bộ phòng, sở về dự giờ thốt lên “trình độ khác nhau thế, có em hăng hái phát biểu, nhưng có em ngồi im, cả buổi chẳng nói gì chứng tỏ chưa hiểu bài”, ông Thống “bắt bệnh” ngay “căn nguyên vì chỉ cho xét tuyển, không cho kiểm tra đánh giá đầu vào. Em học kém có khi hồ sơ tuyển sinh còn đẹp hơn em học giỏi”. Rồi nhà trường phải tập hợp HS học đuối, bố trí giáo viên giỏi phụ đạo ngoài giờ để vực lên, chưa kể PH có con học tốt phản ứng vì những HS kém ảnh hưởng đến mặt bằng chung của lớp.

“Đến hẹn lại lên”, mỗi kỳ tuyển sinh, lãnh đạo các trường “điểm” luôn phải tắt máy không nghe điện thoại, từ chối tiếp khách, tìm cách lánh mặt để bớt khó xử khi PH bủa vây, tìm mọi cách xin xỏ học hành cho con. Hướng “tấn công” từ nhiều phía, hết chầu chực ở nhà riêng, rồi nhờ đủ mối quan hệ, từ cấp trên gây sức ép tác động. Hiệu trưởng một trường ngoài công lập danh tiếng than thở rằng, đôi khi quá nể nang mối quan hệ mà du di, nhưng cũng chỉ châm chước một chút về tiêu chuẩn cho kiểm tra, nếu không đỗ vẫn loại vì nhận HS học kém ảnh hưởng đến uy tín trường, chẳng khác nào tự hại mình.

Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT cùng quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép 16 trường THCS được xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực đã “cởi trói” khó khăn tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, chỉ có trường ngoài công lập trong diện tổ chức các hình thức kiểm tra đầu vào, còn lại tất cả trường công lập vẫn xét tuyển.

Sau buổi kiểm tra, đánh giá năng lực đầu khóa sáng 3-6 an toàn, chu đáo, Hiệu trưởng Đặng Quốc Thống mới thở phào nhẹ nhõm. Năm đầu tiên tổ chức, người đứng đầu nhà trường không khỏi lo lắng. Chỉ tiêu trường THCS Đoàn Thị Điểm tuyển 750 HS nhưng có tới 1.585 HS dự tuyển, trường phải bố trí tới 56 phòng ở hai cơ sở, các khâu tổ chức bài bản, kỹ lưỡng như một kỳ thi. Trên cơ sở câu hỏi của các tổ trưởng bộ môn đề xuất, lãnh đạo trường trực tiếp rà soát, cẩn thận thẩm định làm đề kiểm tra tổ hợp Tiếng Việt- Ngoại ngữ- Khoa học xã hội; Toán - Khoa học tự nhiên bao gồm cả tự luận và trắc nghiệm. “Năm nay HS chưa có nhiều thời gian chuẩn bị nên câu hỏi trắc nghiệm tổ hợp về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vừa sức, tránh thiệt thòi cho các em. Tuy nhiên, đề kiểm tra cũng có vài câu khó đòi hỏi khả năng tư duy, suy luận, ứng biến của HS để phân loại trình độ”, ông Thống tiết lộ.

Trong tháng 6 này, một số trường THCS ngoài công lập trong diện cũng sẽ tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực HS dự tuyển vào lớp 6, duy nhất trường Nguyễn Siêu tuyển sinh dựa vào khả năng tiếng Anh và đánh giá năng lực, phẩm chất của HS qua việc tổ chức “một ngày là học sinh THCS” dành cho những HS muốn dự tuyển. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm phân tích “Muốn kiểm tra, đánh giá năng lực chính xác phải có chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm mới căn cứ vào chương trình học đưa ra ma trận đề phù hợp, phát hiện được năng lực, tư duy sáng tạo, trình bày, diễn giải vấn đề; khả năng lập luận, sử dụng ngôn ngữ, ứng biến của HS. Hỏi dễ quá không phân loại được, quá khó cũng không đánh giá đúng được, nhất là HS từ khắp nơi nên khó nắm bắt mặt bằng trình độ. Nếu chỉ đơn thuần hỏi kiến thức văn hóa, đấu chọi bằng những bài toán khó thì đề kiểm tra chẳng khác đề thi, lại khuyến khích dậy, học thêm bùng phát”. Đồng quan điểm, một hiệu trưởng băn khoăn “HS tiểu học vẫn quá nhỏ để phải vượt qua một kỳ kiểm tra chưa hề được tập dượt, nhất là các em vốn quen học nhẹ nhàng với cách đánh giá “nhận xét, không cho điểm”, khó tránh khỏi tình trạng chạy đua luyện thi trong một thời gian ngắn”.

Đã có không ít nỗi niềm trước cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Trường vốn đông HS lại càng đông, vinh dự đấy nhưng không ít lo toan làm sao để giữ vững “thương hiệu”, còn trường ít HS lại chất chứa nỗi buồn vì sĩ số lớp ngày một vơi, phòng ốc trở nên lãng phí. Chợt nhớ lời phân bua của một PH khi đợi con dự tuyển “trường gần nhà mà dạy tốt, trò ngoan thì tội gì tôi cho con đi học xa cách nhà hơn chục cây số cho khổ?”. Có lẽ những trường “top dưới” cũng cần trăn trở, ngẫm lại mình, vì sao lại “đìu hiu chợ chiều” đến vậy?

Tại TP Hồ Chí Minh, duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực sử dụng ngoại ngữ. Năm học 2018 - 2019, trường tuyển 525 HS với 15 lớp. Bài khảo sát gồm hai phần: trắc nghiệm có 24 câu hỏi (chiếm 60% tổng số điểm), tự luận có 8 câu hỏi, đề cập các lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học đời sống, thông tin, kiến thức khoa học vận dụng vào các tình huống trong cuộc sống... không nhằm kiểm tra một liều lượng kiến thức cụ thể trong chương trình tiểu học mà đòi hỏi thí sinh biết tư duy, vận dụng các kiến thức đã học để xử lý tình huống. Theo Hiệu trưởng Lâm Triều Nghi, tuyển sinh bằng hình thức khảo sát phù hợp xu hướng giáo dục toàn diện hiện nay, HS trúng tuyển vào trường ba năm qua có kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt nhóm cũng như hoạt động độc lập tốt hơn. Hầu hết PH, HS ủng hộ hình thức này bởi áp lực thi cử giảm nhiều so với thi ba môn tiếng Việt, Toán, Anh trước đó, cha mẹ cho con đi học thêm nhiều.