Viện toán cao cấp & “bài toán” chưa có đáp số

NDO - Sau 15 tháng hoạt động chính thức, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, nơi được kỳ vọng là “tàu phá băng” cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, là địa chỉ gây dựng và phát triển cộng đồng toán học vốn đang ngày càng mỏng dần ở nước ta, cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê toán học cho giới trẻ - đã đạt được những thành công bước đầu. Nhưng vẫn còn một vướng mắc cơ bản, mà nếu không được giải quyết, sẽ biến những kỳ vọng ấy trở nên vô vọng.

XEM NHÀ KHOA HỌC “GIẢI TOÁN”

Từ tháng hai năm 2013 đến nay, Nhóm Tối ưu miền nam của Giáo sư (GS) Phan Quốc Khánh đã đến làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Đây không phải là lần đầu tiên nhóm “xông đất” tầng bảy Thư viện Tạ Quang Bửu của ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi Viện đang thuê địa điểm. Sau dịp Tết năm ngoái, GS Khánh đã ghi dấu ấn vào lịch sử hoạt động của Viện khi dẫn đầu năm nhà khoa học mở màn cho hoạt động nghiên cứu tại đây. Hồi đó, sau bốn tháng làm việc, nhóm của ông gồm năm người đã có bảy công trình gửi đi các tạp chí đạt chuẩn ISI (viết tắt của “Institute for Scientific Information” - Viện Thông tin Khoa học). Đến nay, đã có bốn bài báo được in, số còn lại đang chờ in trong thời gian tới. Còn năm nay, GS Khánh cho biết, nhóm của ông gồm bốn người đặt mục tiêu trong ba tháng tại Viện sẽ hoàn thành bốn đề tài nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Là người đã có gần 100 bài báo công bố trên các tạp chí ISI, giờ đây GS Khánh xác định nhiệm vụ của mình là dìu dắt giới trẻ cùng nghiên cứu khoa học.

Tổ chức các nhóm nghiên cứu để các nhà khoa học tách khỏi công việc bận bịu hằng ngày, tập trung trong một thời gian để cùng nhau bàn thảo, đưa ra những ý tưởng chung và từ đó biến thành đề tài nghiên cứu là một trong những mục tiêu chính của Viện. GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết, thường xuyên có 20 người đến nghiên cứu về toán tại đây, họ chia thành từng nhóm và đăng ký để được Hội đồng khoa học đánh giá từ trước. Mỗi nhóm làm việc có người già lẫn người trẻ, người đã dày dạn trong nghiên cứu lẫn người mới vào nghề. Nhưng không ai trong số họ làm thầy, mà cùng trao đổi với nhau, và những ý tưởng sáng tạo đôi khi lóe lên từ đó.

Không chỉ các nhà khoa học từ các trường ĐH, viện nghiên cứu trong nước tìm đến đây, mà Viện còn khuyến khích cả những người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài về hợp tác trong một vài tháng. Đó sẽ là tiền đề để họ quay lại trong lần sau, tạo nên sự gắn bó với Việt Nam, góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của nước nhà. Theo GS Lê Tuấn Hoa, trong năm 2012, năm đầu tiên Viện triển khai hoạt động, đã có 81 nhà khoa học được mời đến, trong đó có 26 người nước ngoài. Ngoài ra, trong năm 2012 Viện đã tổ chức được 10 hội nghị, hội thảo, các trường chuyên biệt, các khóa học ngắn hạn... thu hút hơn 1.000 lượt người tham dự, nổi bật là Hội nghị Toán học phối hợp Việt - Pháp ở Huế với hơn 50 nhà toán học người Việt ở nước ngoài đăng ký tham gia.

GS NGÔ BẢO CHÂU VẪN ĐANG ĐI TÌM “NHÓM”

Trong câu chuyện của mình, GS Lê Tuấn Hoa rất kỳ vọng Viện sẽ tạo được hai hướng nghiên cứu mới và hiện đại, một theo GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học của Viện, và một theo hướng nghiên cứu của GS Vũ Hà Văn. Việc tổ chức các trường hè tại Viện nhằm mục đích để hai GS tìm kiếm người giỏi và cùng chí hướng. Năm ngoái, Viện đã tổ chức trường hè “Tìm hiểu một số định lý cơ sở trong lý thuyết số học giải tích” do GS Ngô Bảo Châu trực tiếp hướng dẫn. Năm nay, trường hè do GS Châu đảm nhận sẽ diễn ra trong tháng bảy và tháng tám, dành cho đối tượng là SV và nghiên cứu sinh. Trước đó, trường hè đầu tiên do GS Vũ Hà Văn hướng dẫn dành cho đối tượng cao hơn là nghiên cứu sinh và TS sẽ khai giảng và kéo dài trong một tháng rưỡi.

GS Ngô Bảo Châu đã từng tâm sự: “Cá nhân tôi chưa có nhóm nghiên cứu thực sự tại Việt Nam, nên vào dịp hè, tôi tổ chức một lớp học cho một số sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc, về một số chủ đề hiện đại. Tôi cũng rất mong muốn là từ những lớp học này, nhen nhóm thành những nhóm nghiên cứu trong tương lai. Tôi cũng hy vọng phát hiện một vài em thật giỏi để giới thiệu sang Mỹ và châu Âu để học tiếp”. Để gây dựng được những nhóm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế như mong muốn của GS Ngô Bảo Châu, theo GS Lê Tuấn Hoa, chúng ta cần khoảng 7-10 năm. Nhưng nếu làm được, uy tín của Viện sẽ rất lớn trên trường quốc tế.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng. Mặc dù sẽ tồn tại lâu hơn so với mười năm tồn tại của chương trình, nhưng kinh phí hoạt động của Viện được lấy từ tổng kinh phí của chương trình này. GS Lê Tuấn Hoa cho biết, năm 2012 và 2013, mỗi năm, Viện được giải ngân 15 tỷ đồng cho các hoạt động của mình. Ngoài ra, năm 2012, Nhà nước còn cấp 5 tỷ đồng và 2013 gấp đôi lên 10 tỷ đồng nhằm phát triển toán học. Theo GS Hoa, kinh phí này dành để cấp học bổng cho HS, SV học giỏi môn toán. Đến nay, Viện đã chọn được gần 300 HS và hơn 150 SV để trao học bổng trị giá gần 15 triệu đồng mỗi suất. Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, Hội đồng khoa học đã tuyển chọn được 37 công trình toán học xuất sắc được công bố quốc tế trong năm 2012 để xét thưởng với mỗi công trình trị giá 25 triệu đồng. Ngoài ra, số kinh phí ít ỏi còn lại sẽ dành để bồi dưỡng giáo viên và đào tạo HS giỏi môn toán. Nếu như trước đây, Việt Nam đương nhiên nằm trong top mười thế giới trong các kỳ thi Olympic toán học thì nay thành tích đã thua kém nhiều nước trong khu vực như Thái-lan, Singapore. Những hỗ trợ này nhằm góp phần thúc đẩy niềm yêu thích toán học trong giới trẻ và cải thiện vị trí đã mất của Việt Nam trong các kỳ thi toán quốc tế.

VÀ “BÀI TOÁN” CÁC NHÀ KHOA HỌC KHÔNG “GIẢI” NỔI

Trở ngại nhất của Viện hiện nay theo GS Lê Tuấn Hoa là, chưa có đất để xây trụ sở. Từ năm 2010, trong quyết định thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND thành phố Hà Nội bố trí địa điểm và giao đất để xây dựng trụ sở làm việc của Viện, nhưng đến nay mảnh đất ấy vẫn chưa có. Hiện nay, tầng bảy của Thư viện Tạ Quang Bửu được Viện thuê làm trụ sở. Nhà công vụ không có, những nhà khoa học từ khắp nơi đến đều phải thuê nhà dân hoặc khách sạn. Ngoài sự tốn kém, họ không có dịp trao đổi với nhau ngoài giờ làm việc, khiến khó tận dụng hết được khoảng thời gian quý báu ở đây.

Hiện tại, Hội đồng khoa học của Viện đang xét hồ sơ cho năm 2014. Theo GS Lê Tuấn Hoa, số lượng hồ sơ cho năm sau tăng lên gấp ba so với hai năm trước, chứng tỏ uy tín của Viện ngày càng tăng. Nhưng ông chắc chắn một điều, hai phần ba số hồ sơ này sẽ không được xét duyệt, không phải vì chất lượng kém, mà vì không có chỗ. Viện chỉ đủ sức đón tối đa 20 người đến làm việc trong cùng một khoảng thời gian, mà mục tiêu là đón được 100 người. Nếu từ chối những hồ sơ tốt sẽ khiến các nhà khoa học nản chí, nên Viện bàn với nhau chuyển bớt sang năm 2015 để “giữ chân”. Đó chỉ là giải pháp tạm thời của những nhà khoa học tâm huyết, bởi bản thân họ dù tài giỏi đến mấy cũng không thể giải nổi “bài toán” của cơ chế. Và nếu cơ quan chức năng không sớm giải quyết những vướng mắc về trụ sở, thì mục tiêu mở rộng cộng đồng toán học vốn chỉ dừng ở khoảng 150 người của Việt Nam lên cấp số nhân, phá tan tảng băng của sự trì trệ và lạc hậu trong nghiên cứu khoa học ở trong nước... sẽ không thể đạt được.