Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Dân gian có câu: Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ / Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn / Ðài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn / Hỏi ai gây dựng nên non nước này. Xin cho biết vài nét về lịch sử Tháp Bút? phungthuy@cstd.vn

NDHT trả lời: Tháp Bút cùng với Ðài Nghiên được coi là biểu tượng ngời sáng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, được Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) - quê làng Kim Lũ (tục gọi Kẻ Lủ), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Ðại Kim, quận Hoàng Mai - cho xây dựng ngay trước cửa đền Ngọc Sơn vào năm Ất Sửu (1865). Tháp Bút được dựng trên nền gò núi Ðộc Tôn, chung quanh chân nền đều kè đá, cao 4m, đường kính 12 m. Tháp vuông cao năm tầng, cạnh đáy rộng 2 m, lên tầng năm rộng 1,2 m, trên đó có ngọn bút lông cao 0,9 m, cộng chung cao tới 28,9 m.

Về Tháp Bút, ngay ở mặt phía nam, tầng thứ ba trên thân tháp có bài văn bia Bút Tháp chí do chính Nguyễn Văn Siêu soạn đã nói rõ: 'Trên đỉnh núi Ðộc Tôn có Tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi. Khoảng đời Lê Vĩnh Hựu (1735 - 1739), nghịch Phương lén chiếm núi Ðộc Tôn ở huyện Phổ Yên, xứ Thái Nguyên. Vương sư đi đánh dẹp, đóng quân ở núi Ngọc Bội, liên tiếp phá giặc. Ngày khải hoàn, nhân gò đất cao đắp núi để ghi công, đặt tên là núi Ðộc Tôn. Sau cuộc chính biến, núi bị gai góc phủ đầy. Trong hồ có miếu Văn Xương. Vào dịp trùng tu miếu, ngó sang bờ đông thấy có núi, bèn phát cỏ dọn cây, xây Tháp Bút, đối diện với Ðài Nghiên... Ấy núi là biểu tượng của chiến công mà tháp là biểu tượng của văn hóa. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại'...

Theo dẫn giải của bài văn bia thì núi là biểu tượng của võ công, tháp là biểu tượng của văn hóa. Văn hóa cần được nâng cao trên nền tảng võ công. Võ công muốn lưu truyền sử xanh tất phải cần đến văn hóa, văn học. Cả hai nương tựa vào nhau, cùng tồn tại, phát triển. Ðiều đặc biệt có ý nghĩa là ở thân tháp có đề ba chữ 'Tả thanh thiên' (viết lên trời xanh, chép võ công lên trời xanh, viết giữa thanh thiên bạch nhật...). Sự thật, ba chữ 'Tả thanh thiên' chỉ là lời phụ chú, ký chú, chú thích rõ thêm ý nghĩa của Tháp Bút. Bởi lẽ ngay cả nếu không có ba chữ này thì trên đỉnh tháp vốn cũng đã có biểu tượng ngọn bút đang hướng lên trời xanh cao vút rồi.

Nói đến Tháp Bút phải nói đến Ðài Nghiên, gắn liền 'bút' với 'nghiên', tạo thành biểu tượng của văn chương, học hành, khoa cử. Ðài Nghiên được tạc theo hình trái đào từ một tảng đá xanh, chiều dài 0,97 m, bề ngang 0,8 m, cao 0,3 m, chu vi 2 m. Trên thân nghiên có khắc một bài 'minh' cũng của Nguyễn Văn Siêu gồm 64 chữ Hán, hàm ý cô đọng, sâu sắc. Nghiên do ba ông cóc tạo thành thế chân kiềng đội trên lưng rồi đặt trên nóc cửa cuốn. Các ông cóc (thiềm thừ) là biểu tượng của tài lộc và sự phồn vinh, phát triển... Tương truyền vào một ngày nhất định trong năm, bóng ngọn bút lông trên Tháp Bút có thể chấm vào đúng vị trí nghiên mực ở Ðài Nghiên.