Vòng 2 hội nghị Geneva II: Ông nói gà, bà nói vịt

NDO -

NDĐT - Ngày 15-2, vòng đàm phán thứ hai của Hội nghị Geneva 2 tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria đã kết thúc trong bế tắc. Trong khi Đặc phái viên LHQ Lakhdar Brahimi gửi lời xin lỗi tới người dân Syria vì vòng đàm phán vô vọng thì ngay lập tức, các nước phương Tây chỉ trích chính quyền Syria là “thủ phạm” gây đổ vỡ đàm phán. Vậy bế tắc do đâu?

Dù rất nỗ lực, nhưng ông Brahimi đã không thể thuyết phục các bên thu hẹp cách biệt.
Dù rất nỗ lực, nhưng ông Brahimi đã không thể thuyết phục các bên thu hẹp cách biệt.

Sau thất bại của vòng đàm phán thứ nhất, những tưởng vòng đàm phán thứ hai đã có những dấu hiệu khả quan hơn khi trong phiên họp chung ngày 11-2, hai đoàn đã dành một phút mặc nhiệm cho những nạn nhân của cuộc nội chiến. Tuy nhiên, sau đó bầu không khí của cuộc đàm phán đã lại quay về trạng thái đối đầu khi hai bên không thể thống nhất về chương trình nghị sự của vòng đàm phán. Trong khi đoàn chính phủ đề nghị các bên ưu tiên thảo luận về vấn đề chống khủng bố thì phe đối lập lại khăng khăng muốn thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Ngay từ khi ngồi vào bàn đàm phán, chính phủ Syria đã tuyên bố rất rõ ràng rằng họ không đàm phán về việc chuyển giao quyền lực và vấn đề sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là “ranh giới đỏ”. Họ có lý khi nói điều này bởi chính phủ Syria là một chính phủ hợp pháp và Tổng thống Bashar al-Assad là tổng thống được người dân Syria bầu ra. Bởi vậy, chỉ có người dân Syria mới là người có thể quyết định được vận mệnh của chính phủ và tổng thống của họ.

Ngược lại, phái đoàn đối lập trước sau như một chỉ tập trung vào vấn đề thành lập một chính phủ chuyển tiếp, trong đó loại bỏ hoàn toàn vai trò của Tổng thống Assad. Đến mức mà khi trả lời hãng thông tấn AFP, bà Assad Buthaina Shaaban, một cố vấn quan trọng của ông Assad đã phải phàn nàn rằng: “Điều duy nhất mà phe đối lập muốn thảo luận là vấn đề chính phủ chuyển tiếp”.

Đồng thời, phe đối lập Syria đã bác bỏ đề xuất của đoàn chính phủ Syria muốn đặt trọng tâm thảo luận vào cuộc chiến chống khủng bố. Họ tuyên bố rằng chính lực lượng đối lập cũng đang chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, họ thừa biết rằng ngoài một số nhóm khủng bố khét tiếng như các nhóm Mặt trận al-Nusra, nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, trong lực lượng đối lập còn rất nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác cũng ít nhiều có liên hệ với al-Qeada. Và một cuộc chiến chống khủng bố sẽ là một đòn mạnh làm suy yếu chính lực lượng đối lập trên lãnh thổ Syria.

Trong khi đó, Nga và Mỹ, hai nước bảo trợ chính cho Hội nghị Geneva II, cũng mâu thuẫn gay gắt. Chính phủ Nga khẳng định thách thức lớn nhất đối với chính quyền Syria hiện nay là ngăn chặn hoạt động khủng bố của các nhóm cực đoan, nên việc Damascus từ chối thảo luận vấn đề chuyển giao quyền lực chính trị là hoàn toàn hợp lý. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng đối lập cũng như các nước ủng hộ lực lượng này đang tìm cách lợi dụng vòng đàm phán ở Geneva II để thay đổi chế độ.

Còn về phía mình, Mỹ và các nước phương Tây đã cùng với phe đối lập đã cố tình diễn giải Thông cáo Hội nghị Geneva 1 năm 2012 theo hướng có lợi cho mình. Theo đó, họ đòi hỏi thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong đó loại bỏ vai trò của ông Assad. Mỹ và phương Tây cũng phản đối đề xuất chống khủng bố của chính quyền Syria bởi họ chính là những người đã góp phần tiếp sức cho lực lượng nổi dậy ở Syria, trong đó có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan. Mỹ cũng chỉ trích Nga đã không chịu thúc giục chính phủ Syria tham gia “nghiêm túc” vào quá trình đàm phán.

Trong phiên họp cuối cùng, ông Brahimi đã đề xuất một chương trình nghị sự gồm bốn điểm cho vòng đàm phán tiếp theo và đã được cả hai bên đồng ý. Tuy nhiên, các bên lại bất đồng về quy định khoảng thời gian đàm phán dành cho mỗi vấn đề. Trong lúc chính phủ Syria muốn mỗi vấn đề phải được giải quyết dứt điểm chuyển sang vấn đề tiếp theo thì phe đối lập lại cáo buộc phía chính phủ Syria trì hoãn và không muốn thảo luận về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp.

Như vậy, trong suốt cả vòng đàm phán, dường như chỉ có phái đoàn chính phủ Syria là quan tâm tới việc giải quyết vấn đề cấp bách là chống khủng bố, chấm dứt bạo lực và hòa giải dân tộc. Còn phe đối lập và những nước ủng hộ họ thì chỉ quan tâm tới duy nhất tới vấn đề thành lập một chính phủ chuyển tiếp, mà thực chất là một âm mưu lật đổ chính quyền, lật đổ Tổng thống Assad.

Với những khác biệt không thể san lấp giữa hai bên như vậy, không có gì khó hiểu khi vòng đàm phán thứ hai lại kết thúc trong bế tắc. Nếu như ông Brahimi và LHQ không thuyết phục được các bên thay đổi cách tiếp cận, vòng đàm phán thứ ba rất có thể sẽ lại chỉ là một quá trình lặp lại vòng đàm phán thứ nhất và thứ hai mà thôi. Và trong khi các bên vẫn đang tiếp tục những toan tính của mình, thì qua mỗi ngày số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến sẽ tiếp tục tăng lên, và ngày càng có nhiều dân thường Syria phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn các cuộc xung đột.