Thái-lan còn phức tạp sau bầu cử

NDO -

NDĐT-Cuộc bầu cử Hạ viện ở Thái-lan diễn ra khá yên bình, không xảy ra đụng độ, bạo lực lớn, với gần 90% trong tổng số 93.952 điểm bầu cử diễn ra suôn sẻ, được coi là thắng lợi của Chính phủ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra trước sức ép của lực lượng biểu tình chống Chính phủ.

Cử tri xem thông tin bầu cử bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở quận Din Daeng (Bangkok), nơi phiếu bầu không tới được do người biểu tình cản trở (ảnh: Trường Sơn)
Cử tri xem thông tin bầu cử bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở quận Din Daeng (Bangkok), nơi phiếu bầu không tới được do người biểu tình cản trở (ảnh: Trường Sơn)

Nhưng, sự chia rẽ trong xã hội vẫn còn đó và nhiều vấn đề pháp lý chưa từng có tiền lệ, đang đặt ra quanh cuộc tổng tuyển cử, khiến tình hình chính trị tại Thái-lan còn diễn biến phức tạp.

Trong khi bầu cử diễn ra êm thấm tại tất cả các điểm bỏ phiếu ở miền bắc và đông-bắc nước này – “pháo đài chính trị” của đảng Vì nước Thái (PT) cầm quyền, thì do bị những người biểu tình của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân cản trở việc chuyển phiếu bầu, phong tỏa nơi bỏ phiếu hoặc thiếu nhân viên, 69 trong tổng số 375 đơn vị bầu cử trên cả nước phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, chủ yếu ở khu vực miền nam và thủ đô Bangkok – “thành trì chính trị” của đảng Dân chủ đối lập đã tẩy chay bầu cử, khiến hơn 8,7 triệu cử tri không thể thực hiện được quyền bỏ phiếu.

Hành động này chỉ là một bước hướng tới mục tiêu PDRC đặt ra: lật đổ Chính phủ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và xóa bỏ mọi ảnh hưởng của anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Nó cũng cho thấy “hố sâu ngăn cách” không dễ được “san lấp” trong xã hội Thái-lan được tạo ra từ trước khi ông Thaksin nắm quyền, với quan niệm coi thủ đô Bangkok thống trị mọi mặt về chính trị, kinh tế của đất nước, Mâu thuẫn tích tụ trong thời gian dài chưa được giải quyết khi mà hàng triệu nông dân nước này ngày càng khá giả trở thành tầng lớp trung lưu mới, đòi quyền được lên tiếng, được hưởng ưu đãi của Chính phủ trong khi giới “tinh hoa” và tầng lớp trung lưu cũ không chấp nhận.

Cuộc bầu cử Hạ viện đã diễn ra, có tới 53 đảng tranh cử, nhưng với việc đảng đối lập lớn nhất đã tẩy chay bầu cử, đảng PT được coi là không còn đối thủ. Song, có những vấn đề lần đầu gặp phải trong lịch sử nước này khiến Chính phủ mới ở Thái-lan không thể được thành lập sớm, việc điều hành đất nước bị gián đạn kéo dài, nhiều chính sách quan trọng không được triển khai do quyền hạn hạn chế của Chính phủ tạm quyền theo luật định.

Muốn có Chính phủ mới, trước tiên Hạ viện phải họp và bầu ra Thủ tướng. Ngay cả khi những người biểu tình không phong tỏa vào ngày tổng tuyển cử, với 28 đơn vị bầu cử (28 ghế nghị sĩ) tại tám tỉnh miền nam, nơi không có ứng viên nào đăng ký tranh cử được do bị người biểu tình cản trở, Hạ viện mới của Thái-lan vẫn không thể sớm đi vào hoạt động bởi sẽ không có đủ 95% tổng số 500 nghị sĩ (chỉ được vắng mặt không quá 25 nghị sĩ) tham dự phiên họp đầu tiên theo yêu cầu của Hiến pháp. Đến nay, Ủy ban Bầu cử Thái-lan (ECT) chưa đưa ra giải pháp đối với 28 “ghế trống” này.

Ngày bầu cử bổ sung cho những người không thể tham gia cuộc bỏ phiếu trước hôm 26-1 (dành cho khoảng 2 triệu cử tri không có điều kiện đi bỏ phiếu vào ngày tổng tuyển cử vì lý do chính đáng) đã được xác định là vào 23-2 tới. Song, nhiều khả năng, cuộc bầu cử này lại tiếp tục bị người biểu tình phong tỏa, cản trở.

Đối với những đơn vị bầu cử không thể hoàn thành việc bỏ phiếu vào ngày tổng tuyển cử do người biểu tình gây trở ngại, thời gian bầu cử bổ sung vẫn chưa được ấn định. Theo luật pháp Thái-lan, việc bỏ phiếu lại ở những nơi này phải được tổ chức trong vòng 180 ngày. Tuy nhiên, theo ủy viên ECT phụ trách công tác bầu cử, ông Somchai, chưa thể tiếp tục tổ chức bầu cử trong khi xung đột vẫn tiếp diễn như hiện nay. Sau khi xung đột và bất ổn kết thúc, ECT mới có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Tình hình căng thẳng tại “đất nước nụ cười” vẫn tiếp diễn sau bầu cử khi PDRC tuyên bố tiếp tục biểu tình lớn, lập “các đội di chuyển nhanh” để phong tỏa thêm các cơ quan nhà nước. Dư luận nước này cho rằng, để giải quyết căn bản những mâu thuẫn, chia rẽ xã hội và khủng hoảng chính trị hiện nay, cần có cải cách hợp hiến, các thế lực chính trị cần ngồi vào bàn thương lượng, có những nhượng bộ, tránh đối kháng mang tính “thù địch” và đặt lợi ích đất nước lên trên hết.