Những nữ anh hùng Xô Viết

Nadezhda Krupskaya.
Nadezhda Krupskaya.

Nadezhda Krupskaya (1869-1939)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 1

Nadezhda Krupskaya là nữ anh hùng nổi tiếng trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Bà tham gia cách mạng không với vai trò là phu nhân của vị lãnh tụ giai cấp vô sản Lenin. Bốn năm trước khi gặp Vladimir Ulyanov (Lenin), bà đã tham gia vào nhóm những người theo tư tưởng chủ nghĩa Mác, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt tham gia tổ chức “Liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”.

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 2

Năm 1896, bà bị bắt giam, bị đày đến Siberia. Năm 1898, bà tham gia Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. Trong thời gian lưu vong, Nadezhda làm thư ký tại báo “Ikra” và thiết lập nhiều mối quan hệ với các tổ chức đảng tại Nga. Năm 1917, bà tích cực hỗ trợ chồng chuẩn bị và tiến hành cách mạng, sau đó tổ chức phong trào thanh niên vô sản.

Với vai trò là Thứ trưởng Giáo dục Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, bà Nadezhda đã trở thành một trong những nhà sáng lập hệ thống giáo dục nhân dân Xô Viết, đưa ra nhiệm vụ giáo dục đổi mới với phương châm “Trường học không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là trung tâm giáo dục về chủ nghĩa cộng sản”.

Aleksandra Mikhailovna Kollontai (1872-1952)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 3

Nữ Bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử thế giới – bà Alexandra Mikhailovna Kollontai sinh ra trong một gia đình quý tộc. Từ nhỏ bà đã có được một nền giáo dục tốt tại nhà và thành thạo khoảng bảy ngoại ngữ.

Năm 1901 bà gặp Georgi Plekhanov, đến năm 1905 thì gặp Vladimir Lenin. Trong cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất của Nga (1905), Kollontai đã khởi xướng thành lập “Hiệp hội hỗ trợ lẫn nhau cho các nữ lao động”.

Năm 1908 bà buộc phải di cư. Kollontai đã tới châu Âu và Mỹ và thành lập các phong trào vận động xã hội dân chủ. Bà trở lại Nga sau cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917. Không lâu sau bà trở thành thành viên của Ban chấp hành Hội đồng Petrograd.

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 4

Bà là một trong số ít các đại biểu của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga ủng hộ hoàn toàn luận cương tháng 4 của Lenin. Tháng 7-1917 bà bị chính phủ lâm thời bắt giữ. Tuy nhiên, bà đã được thả sau khi nhà văn Maxim Gorky và kỹ sư Leonid Krasin nộp tiền tại ngoại.

Ngày 23-10-1917, Kollontai tham gia cuộc họp của BCH T.Ư Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. Trong đó hội đồng đã đưa ra quyết định về cuộc khởi nghĩa tháng Mười ở Petrograd. Sau khi chính quyền Bolshevik được thiết lập, Lenin đã trực tiếp giao cho bà chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân về phúc lợi công cộng. Tháng 3-1918, Kollontai đã công khai phản đối Hiệp ước hòa bình Brest - Litovsk và rút khỏi bộ máy chính phủ. Trong 20 năm, bà nắm giữ các vị trí đại diện thương mại, đại sứ và phái viên ở nhiều nước.

Rosa Luxemburg và Clara Zetkin

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 5

Rosa Luxemburg (1871-1919) là một nhà lý luận Marxist, nhà triết học xã hội người Đức. Từ thời còn đi học, bà đã tham gia vào hoạt động nền tảng của cách mạng Ba Lan. Năm 1989, vì bị cảnh sát truy đuổi nên bà di cư sang Thụy Sĩ. Cùng với những người di cư khác, bà đã thành lập Đảng Dân chủ xã hội Vương quốc Ba Lan và Litva, đồng thời đứng đầu tờ báo “Sprava Robotnicza”. Luxemburg tham dự Đại hội Quốc tế II tại Stuttgart. Rosa Luxemburg là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong cuộc cách mạng dân chủ xã hội phe cánh tả ở Đức và châu Âu.

Năm 1913, trong một bài phát biểu chống lại chủ nghĩa quân phiệt, bà đã bị kết án một năm tù. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, bà dẫn đầu nhóm “Quốc tế” và thành lập nhóm “Liên minh Spartak”. Vào tháng 12-1918, bà đã cùng với Karl Liebknecht đứng ra tổ chức Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Đức.

Cuộc đấu tranh của các công nhân Berlin tháng 1-1919 đã bị trấn áp. Người ta treo thưởng 100.000 mark Đức (DEM) cho những ai bắt được Luxemburg và Liebknecht. Trên đường đến nhà tù vào ngày 15-1-1919, Rosa Luxemburg đã bị một trong những người hộ tống giết chết. Bà được mai táng tại nghĩa trang Friedrichsfelde (Berlin). Cũng tại nghĩa trang đó, Liebknecht và tất cả những người tham gia cuộc nổi dậy bất thành được chôn cất vào cuối tháng 1.

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 6

Clara Zetkin, một thành viên khác của phong trào cộng sản, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ. Chính bà là người đưa ra ý tưởng lấy ngày 8-3 là Ngày Quốc tế phụ nữ.

Bà cũng từng là thành viên của nhóm “Liên minh Spartak” do Luxemburg lập ra. Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Đức được thành lập vào đêm 1-1-1919. Zetkin từng quen với Lenin và Krupskaya, năm 1920 bà thậm chí còn phỏng vấn vị lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới cho cuốn sách “Câu hỏi của phụ nữ”. Sau khi Hitler lên nắm quyền, đảng cánh Tả ở Đức bị cấm và Zetkin sang Liên Xô. Bà qua đời vào năm 1933. Tro cốt của Zetkin được đặt trong nghĩa trang tưởng niệm cạnh điện Kremlin.

Nữ nhà văn Larisa Reisner (1895-1926)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 7

Larisa Reisner sinh ra trong một gia đình luật sư, giáo sư luật Mikhail Reisner. Cha và anh trai bà đều ủng hộ tư tưởng dân chủ xã hội. Trong những năm 1915-1916, Larisa cùng cha xuất bản tạp chí văn học “Rudin”. Sau khi ngừng xuất bản tờ “Rudin”, Reisner đã hợp tác với tạp chí “Letopis” và tờ báo “Cuộc sống mới” của nhà văn Gorky. Từ năm 1917, Reisner tham gia vào các hoạt động của Ủy ban các vấn đề nghệ thuật của Ban Chấp hành Hội đồng Đại biểu công nhân và nông dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga bà giữ chức Thư ký cho Dân ủy nhân dân phụ trách giáo dục của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga Anatoli Lunatrarsky.

Năm 1918, bà gia nhập Liên minh Đảng cộng sản, từng là thành viên đội tình báo tham mưu thuộc Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 5 của Lục quân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, tham gia chiến đấu tại Hạm đội Volga-Caspi. Sau đó, Bộ trưởng dân ủy Quân đội và Hải quân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga Lev Trotsky bổ nhiệm bà là Ủy viên Bộ Tổng tham mưu của Hạm đội Hải quân nước cộng hòa này.

Từ hè năm 1920, bà Reisner làm cho Cục Chính trị của Hạm đội Baltic. Sau cuộc nội chiến, bà hợp tác với Liên hiệp các nhà thơ Petrograd và là phóng viên của tờ “Ngôi sao đỏ” và “Izvestia” (Tin tức). Bà đã qua đời ở tuổi 30 do sốt thương hàn. Bà được mai táng tại nghĩa trang Vagankovskoye (Moscow).

Elisabeth Peschea d'Erbanville (1874-1920)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 8

Elisabeth Peschea d'Erbanville là con gái của ca sĩ opera người Pháp. Ở Nga bà được biết đến nhiều hơn với cái tên Inessa Armand. Bà sang Nga năm 15 tuổi. Năm 19 tuổi, Armand kết hôn với con trai của một thương gia là Aleksandr Armand. Mặc dù có được bốn người con nhưng sau đó Inessa đã bỏ chồng và yêu cậu em chồng là Vladimir. Năm 1904, bà gia nhập Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. Vì tham gia tích cực vào cuộc cách mạng năm 1905-1907 mà bà đã bị đưa đi lưu đày ở phía bắc nước Nga. Sau đó, vào năm 1908, Armand đã trốn thoát. Sau khi chồng qua đời, bà chuyển đến Brussels. Năm 1909, Armand gặp Lenin. Bà đảm nhiệm việc dịch các tài liệu của Lenin và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, hưởng ứng các hoạt động của công nhân Pháp.

Bà trở lại Nga cùng với Lenin, trong một khoang chứa hàng được niêm phong. Armand là thành viên Ủy ban quận của đảng Bolshevik tại Moscow và từng tham gia vào các trận đánh tháng 10 và 11-1917. Trong những năm 1919-1920, Inessa đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Ban các vấn đề phụ nữ thuộc BCH T.Ư Đảng Cộng sản Nga. Bà là người tổ chức và lãnh đạo Hội nghị Phụ nữ Quốc tế lần thứ nhất, bà còn tham gia cuộc đấu tranh của các nhà cách mạng nữ thuộc gia đình truyền thống lúc bấy giờ. Armand mất ở thành phố Nalchik (Nga) vì bệnh tả. Bà được chôn cất tại tượng đài nghĩa trang gần điện Kremlin.

Fanny Kaplan (1890 – 1918)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 9

Fanny Kaplan bắt đầu tham gia vào phong trào cách mạng khi bà mới 15 tuổi. Bà được biết đến với cái tên “Dora”. Năm 1906, khi đang chuẩn bị một cuộc ám sát Thống đốc Kiev Sukhomlinov, một thiết bị nổ tự chế đã bị kích hoạt, Kaplan bị thương nặng và thị lực kém đi rất nhiều. Năm 1907, bà bị bắt và bị kết án tử hình, nhưng vì còn ở tuổi vị thành niên nên tòa án đã giảm xuống án tù chung thân. Đến năm 1909, Kaplan bị mù. Sau Cách mạng Tháng Hai bà được ân xá.

Ekaterina Breshko-Breshkovskaya (1844-1934)

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 10

Ekaterina Breshko-Breshkovskaya sinh ra trong một gia đình quý tộc. Năm 1873, bà gia nhập Tổ chức “Thanh thiếu niên tri thức” ở Kiev và bị bắt năm 1874. Bà bị kết án 5 năm tù và bị đi lưu đày.

Mùa xuân năm 1881, Ekaterina đã cố chạy trốn nhưng bị bắt và bị kết án bốn năm lao động khổ sai. Năm 1896, nhân dịp lễ đăng quang của Hoàng đế Nicholas II bà đã được ân xá và trở về nhà.

Những nữ anh hùng Xô Viết ảnh 11

Tháng 9-1904, bà tham gia hoạt động Đại hội xã hội chủ nghĩa quốc tế thứ hai tại Amsterdam. Sau đó Breshko-Breshkovskaya đã tham gia vào cuộc cách mạng năm 1905. Vào năm 1907, nhà cải cách cách mạng Yevgeny Azef đã bí mật giao bà cho cảnh sát. Năm 1910, bà bị đi lưu đày cho đến cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917.

Vào cuối năm 1918, bà rời đất nước. Bà được an táng ở Cộng hòa Séc.