Những mối bất hòa trong ngành may Campuchia: xa hơn những cuộc bãi công

NDO -

NDĐT - Những cuộc biểu tình, bãi công rầm rộ của công nhân ngành may Campuchia vào năm 2014 đã qua đi, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.

Công nhân ngành may Campuchia biểu tình vào ngày 17-9-2014 tại thủ đô Phnom Penh, đòi tăng lương. (Ảnh: AFP)
Công nhân ngành may Campuchia biểu tình vào ngày 17-9-2014 tại thủ đô Phnom Penh, đòi tăng lương. (Ảnh: AFP)

Nhà nghiên cứu Kung Phoak, người đồng sáng lập và Chủ tịch Viện Nguyên cứu chiến lược Campuchia có bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 22-5 với tiêu đề “Những mối bất hòa trong ngành may Campuchia: xa hơn những cuộc bãi công”, phân tích những nguyên nhân cơ bản và đề xuất giải pháp lâu dài tránh để tình trạng xung đột nghiêm trọng trong ngành này tái diễn.

Tác giả Phoak Kung viết: Những cuộc thảo luận về cuộc tổng tuyển cử năm 2013 của Campuchia có xu hướng chủ yếu quan tâm tới các cuộc đụng độ bạo lực đã diễn ra giữa những người biểu tình và các lực lượng vũ trang. Nguyên nhân được dẫn ra phổ biến cho sự bất mãn lan rộng này đó là nhiều người, đặc biệt là người nghèo, không thể cải thiện được mức sống, mặc dù nền kinh tế Campuchia tăng trưởng nhanh trong những thập kỷ gần đây đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực.

Những gì diễn ra ngay sau cuộc bầu cử năm 2013 là một tín hiệu rõ ràng cho thấy vấn đề này cần được đánh giá kỹ lưỡng. Được thể hăng lên do Chính phủ Campuchia kiềm chế sử dụng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình của đảng Cứu Nguy Dân tộc Campuchia, các công đoàn và các nhóm khác ồ ạt đổ ra đường với hy vọng buộc Chính phủ phải chấp nhận các yêu cầu của họ. Tuy một số nhóm có thể liên kết với phe đối lập, song phần nhiều chỉ đơn giản là cố gắng để tiếng nói của họ được nghe thấy.

Chẳng hạn như, hàng chục nghìn công nhân ngành may mặc đã biểu tình trên khắp cả nước trong vài tháng, đòi tăng tiền công tối thiểu.

Ban đầu, họ muốn hưởng mức 150 USD/tháng, nhưng không bao lâu sau tăng mức đòi lên 177 USD/tháng, rồi giảm dần xuống còn 150 USD và cuối cùng là 140 USD. Những mong muốn này gặp phải sự phản ứng mạnh của các chủ nhà máy dệt may. Tồi tệ hơn, vấn đề tiền công tối thiểu đã bị chính trị hóa sâu sắc, khiến việc có được một giải pháp khả thi trở nên khó khăn hơn nhiều.

Những cuộc biểu tình đã khiến Chính phủ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng. Việc thẳng thừng bác bỏ những yêu cầu nói trên là không thể được về mặt chính trị. Chính phủ sẽ bị cáo buộc là thiên vị giới kinh doanh mà không đếm xỉa tới người nghèo. Nhưng việc đầu hàng sức ép trên quá dễ dàng thì không có gì bảo đảm là những người biểu tình sẽ không tiếp tục đòi tăng thêm tiền công. Chính phủ cũng cần giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng trước khi những cuộc biểu tình lan sang những ngành khác trong xã hội.

Lo ngại nữa đó là nếu tiền công tối thiểu tăng quá nhanh, nó có thể gây ra một cuộc di dời các nhà máy dệt may sang những quốc gia khác đang có chi phí lao động rẻ. Do ngành may tạo việc làm cho khoảng 700.000 công nhân Campuchia, việc sụp đổ của ngành này sẽ là thảm họa. Và các nhà sản xuất hàng may mặc lúc đó đã đánh tiếng về việc dời địa điểm sản xuất khỏi Campuchia.

Các cuộc biểu tình đang diễn ra lúc đó cũng là điều gây bất lợi lớn đối với việc kêu gọi chọn Campuchia là một điểm đến cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn như, các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh vào đầu tháng giêng năm 2014 làm bốn người chết và nhiều người khác bị thương, đã khiến một số nhà máy dệt may buộc phải tạm thời đóng cửa. Theo con số ước tính, nó đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD đối với nền kinh tế Campuchia.

Sau đó, không có gì ngạc nhiêu khi Ủy ban Tư vấn Lao động đã bỏ phiếu nâng tiền công tối thiểu từ 100 USD lên mức 123 USD. Và, Chính phủ đã quyết định cấp thêm 5 USD, nâng mức tiền công tối thiểu lên 128 USD. Động thái này nhằm giúp nới lỏng gánh nặng đối với các nhà sản xuất hàng may mặc, đồng thời cải thiện mức sống cho công nhân. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo công đoàn không hài lòng với mức tăng này vì vẫn thấp hơn mức yêu cầu 140 USD của họ.

Tuy Chính phủ đã nỗ lực làm dịu căng thẳng và lập lại ổn định, những cuộc biểu tình của người lao động sẽ không sớm mất hẳn. Với nền kinh tế dự kiến tiếp tục đạt tăng trưởng khoảng 7%/năm trong những năm tới, bất bình đẳng sẽ nới rộng. Sẽ có sức ép gia tăng lên Chính phủ để tiến hành những trợ giúp phúc lợi đối với những người nghèo và người dễ bị tổn thương. Vấn đề là có thể không có đủ nguồn lực để đáp ứng mọi mong muốn.

Những bài học đáng giá

Tất nhiên, Campuchia hoàn toàn không phải là ngoại lệ. Kiểu căng thẳng này được thấy phổ biến ở những nước nghèo trong giai đoạn đầu phát triển của họ. Ở Trung Quốc vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước khi nước này xúc tiến thực hiện chương trình “Bốn hiện đại hóa”, một trong những ưu tiên hàng đầu là “làm sống dậy” nền kinh tế “lặng trầm”. Khi đó, có lo ngại là người dân có thể có những kỳ vọng phi thực tế và cho rằng mọi người sẽ hưởng lợi ngang bằng từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Quan điểm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lúc đó là một vài người có thể trở nên giàu có trước. Quan điểm này bị những người bất đồng chính kiến chỉ trích gay gắt. Họ cáo buộc ông Đặng Tiểu Bình ủng hộ một nhóm nhỏ người dân giàu có và có quyền lực. Bất chấp những phản đối này, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vẫn xúc tiến chương trình cải cách do ông khởi xướng.

Trong trường hợp của Singpore dưới thời đầu của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, với nguồn lực tự nhiên hầu như chẳng có gì, Singapore phải dựa vào người dân của họ để tồn tại. Sau khi tách ra khỏi Malaysia, Singapore đã tập trung đầu tư vào đào tạo và giáo dục đẳng cấp thế giới nhằm thu hút những công ty đa quốc gia từ phương Tây và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc chuyển sang một lực lượng lao động có năng suất cao sẽ hầu như không có ích lợi gì nếu các công đoàn tiến hành những cuộc bãi công không ngớt đòi tăng tiền công cho công nhân.

Ông Lý Quang Diệu tin vào “một xã hội công bằng, không trợ cấp”. Do vậy, vai trò chính của Chính phủ là cung cấp cho người dân những kỹ năng hợp lý và giáo dục chất lượng cao để họ có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường lao động. Theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu, những nhu cầu thiết yếu khác như nhà cửa, y tế công cộng và lương hưu là rất quan trọng, nhưng người dân cũng phải đóng góp để họ sẽ không quá lệ thuộc vào chính phủ.

Hai trưởng hợp trên mang lại cho Campuchia một vài bài học đáng giá. Trái với Trung Quốc, sẽ là tự sát về chính trị đối với các chính trị gia Campuchia nếu họ công khai tuyên bố rằng bất bình đẳng là không tránh khỏi trong quá trình phát triển kinh tế. Do đa số cử tri Campuchia là người nghèo, các nhà chính trị nước này chịu sức ép phải đưa ra một số chính sách dân túy nếu họ muốn đắc cử. Điều này giải thích tại sao một vài cam kết tranh cử của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập lại có sức cuốn hút đại chúng như vậy.

Có câu “chính sách tốt không phải lúc nào cũng là chính trị giỏi”. Các chính trị gia biết rằng những chính sách dân túy có một số hậu quả nghiêm trọng, bởi vì chúng làm “chệch hướng” những nguồn lực năng suất khỏi những ngành hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Họ vẫn chọn phớt lờ hiểu biết này.

Sự yên bình trong công nghiệp

Nhiệm vụ thách thức nhất đối với Campuchia hiện nay là giải quyết những mối quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp của mình. Việc chỉ tăng tiền công tối thiểu không phải là câu trả lời. Quan trọng hơn, công nhân và các nhà lãnh đạo công đoàn nên hiểu rằng họ không được giết ngỗng đẻ trứng vàng. Họ không thể đơn giản là dọa sử dụng những cuộc bãi công nhằm buộc chủ doanh nghiệp đồng ý tăng lương và tăng thêm lợi ích cho họ, bất chấp những hậu quả đối với doanh nghiệp.

Tất nhiên, công nhân phải nhận được tiền công hợp lý để họ có thể đủ sống. Họ phải đủ ăn, có chỗ ở thích hợp và nhận được chăm sóc y tế. Chính phủ và các chủ doanh nghiệp không nên đợi những cuộc biểu tình đòi những nhu cầu này. Họ nên hợp tác với các nhà lãnh đạo công đoàn để phát triển một khuôn khổ đáng tin cậy nhằm xác định những mức tiền công thích hợp.

Điều quan trọng là để công nhân và các nhà lãnh công đoàn biết rằng giải pháp lâu dài phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của Chính phủ trong việc tạo đủ việc làm có chất lượng. Để đạt mục tiêu này, điều thiết yếu là Campuchia phải có sự yên bình trong công nghiệp nhằm tạo môi trường có lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự tiếp cận mang tính đối đầu là phản tác dụng và nguy hiểm. Vai trò chính của công đoàn là làm việc vì lợi ích của các thành viên, chứ không phải chiến đấu đến cùng với các chủ doanh nghiệp và Chính phủ.

Rõ ràng là cách hành xử của một số chủ doanh nghiệp đã góp phần tạo ra xung đột trong ngành dệt may. Ngoài mức tiền công tối thiểu thấp, một số báo cáo cho thấy điều kiện làm việc tồi tệ và thiếu sự bảo đảm an toàn trong nhiều nhà máy dẫn đến những vấn đề về sức khỏe và thậm chí là chết người đối với công nhân. Cũng có phàn nàn là công nhân bị đối xử không công bằng liên quan tới tiền công làm thêm giờ, số giờ làm việc, nghỉ phép và vắng mặt…

Những năm qua, các công ty tư nhân ở Campuchia bị coi là – dù đúng hay không – đang bóc lột công nhân của họ. Sự mất lòng tin giữa người lao động và nhà quản lý là dai dẳng và sâu sắc. Đã đến lúc, các chủ doanh nghiệp có sự nhìn nhận nghiêm túc và mang tính lâu dài về những vấn đề này và tích cực giải quyết những mối lo âu của công nhân. Những mối quan hệ yên bình trong công nghiệp là lợi tích tốt nhất cho cả hai bên.

Ở đây, Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng. Tuy Chính phủ đã và đang cộng tác rất chặt chẽ với các chủ doanh nghiệp và công nhân để đạt một thỏa hiệp, nhiệm vụ thực sự là tăng tiền công tối thiểu chứ không phải là để các công ty tư nhân rút khỏi việc kinh doanh. Đáng chú ý, mức tăng tiền công tối thiểu đã được thống nhất vào cuối năm ngoái khiến nhiều chủ nhà máy cho rằng họ không thể có khả năng chi trả cho việc tăng tiếp.

Nhưng có lẽ nhiệm vụ quan trọng nhất là cải thiện năng suất lao động của công nhân. Chính phủ cần phối hợp với khu vực tư nhân để xác định những kỹ năng và kiến thức mà công nhân cần nắm. Hơn nữa, Chính phủ và các chủ doanh nghiệp nên đào tạo công nhân và các nhà lãnh đạo công đoàn về các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, khuyến khích họ phát triển những quan điểm mới mà sẽ giúp họ giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề trong lĩnh vực công nghiệp.

Giải pháp lâu dài đối với vấn đề tiền công tối thiểu là tạo thêm việc làm. Là một quốc gia nghèo với mức tiết kiệm tương đối thấp, Campuchia chủ yếu lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tạo một môi trường lôi cuốn các công ty nước ngoài đầu tư là vấn đề sống còn. Ngoài sự yên bình trong công nghiệp và lao động có kỹ năng, Chính phủ nên giải quyết những lo ngại của các nhà đầu tư, đáng chú ý nhất là cơ sở hạ tầng, tính kết nối, điện, chính sách có khả năng tiên lượng được và vấn đề an ninh.

Cho dù gặp hạn chế về ngân sách, vẫn có một số bước mà Chính phủ có thể áp dụng để nới lỏng gánh nặng cho những công nhân nghèo, nhưng Chính phủ phải bảo đảm rằng sự hỗ trợ này sẽ không khiến công nhân quá phụ thuộc vào nhà nước. Thiếu dinh dưỡng và sức khỏe kém sẽ ảnh hưởng tới năng suất. Việc cải thiện điều kiện làm việc và cung cấp trợ cấp là một chuyện nhưng việc nâng cao nhận thức trong công nhân cũng là thiết yếu.

Những ưu đãi

Trên thực tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi để giúp những công nhân nghèo có được những điều kiện sống tốt hơn. Chẳng hạn như, Tổng công ty điện lực Campuchia đã trợ giá điện cho công nhân ngành may, giảm giá xuống còn 0,15 USD/kw cho tiêu dùng dưới 50kw/tháng.

Chính phủ cũng đã nâng ngưỡng chịu thuế thu nhập từ 125 USD lên 200 USD/tháng, và đã nhận được sự hoan nghênh của công nhân ngành may. Cũng đã có cuộc thảo luận nghiêm túc về một dự luật mới kiểm soát giá cho thuê tránh cho công nhân ngành may thường xuyên bị tăng giá thuê nhà. Những vấn đề khác như phương tiện đi lại, thực phẩm và chăm sóc y tế cũng đã được đưa ra thảo luận.

Một vấn đề gây tranh cãi nữa là sự quản trị yếu kém. Không có gì ngạc nhiên nếu các công ty tư nhân đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng, họ sẽ tìm cách cắt giảm những chi phí khác, và những lợi ích và trợ cấp của công nhân thường trở thành mục tiêu đầu tiên. Tồi hơn nữa, một số chủ doanh nghiệp có thể tìm cách lợi dụng những lỗ hổng để tránh phải tuân thủ hoàn toàn luật lao động và những tiêu chuẩn an toàn, tạo ra những vấn đề đau đầu mới đối với Chính phủ.

Chính phủ Campuchia đã nhận ra tính nghiêm trọng của những vấn đề này. Trong cuộc họp Nội các vào cuối năm 2013, Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo nghiêm khắc các quan chức chính quyền các cấp là họ sẽ bị xử phạt nặng nếu bị phát hiện phạm tội tham nhũng và những hành vi phi pháp khác. Từ đó tới nay, một số bộ đã đưa ra những cải cách nhằm khôi phục lòng tin vào các tổ chức chính phủ. Đây là bước đi đúng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Việc giải quyết những vấn đề này không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Điều cần có lúc này là sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng đối với những cải cách. Ngoài ra, các chính đảng nên gạt bỏ lợi ích cá nhân và nói thật về điều gì là tốt cho đất nước và người dân Campuchia. Việc dùng lối nói khoa trương về chia rẽ tầng lớp nhằm giành phiếu bầu là nguy hiểm. Những cuộc xung đột trong công nghiệp hiện nay đòi hỏi một giải pháp thực tế, chứ không phải là dân túy. Campuchia không đủ khả năng để là một nhà nước phúc lợi.