Những “cơn chấn động” trong năm 2016

NDO -

NDĐT - Năm 2016, những “cơn chấn động” đã liên tiếp khiến thế giới rung lắc và đời sống quốc tế phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với những sự kiện không thể nào quên, chắc chắn 2016 là một năm đặc biệt trong lịch sử thế giới.

Người dân Anh xuống đường kêu gọi nước này ở lại “ngôi nhà chung” EU. (Ảnh: AP)
Người dân Anh xuống đường kêu gọi nước này ở lại “ngôi nhà chung” EU. (Ảnh: AP)

“Bóng ma” khủng bố

Có lẽ, điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm, theo dõi nhất trong năm nay tiếp tục là châu Âu. Vụ đánh bom làm rúng động thủ đô Brussels (Bỉ), “trái tim” của Liên hiệp châu Âu (EU), vào tháng 3-2016, như điềm báo về một năm đầy sóng gió của “lục địa già”. Lợi dụng kẽ hở an ninh, “bóng ma” khủng bố được đà lan sang Pháp, Đức và để lại nơi đây nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Tháng 7-2016, tại TP Nice, miền nam nước Pháp, một người gốc Tunisia lái xe tải 19 tấn đâm vào đám đông xem pháo hoa mừng Ngày Quốc khánh, cướp đi sinh mạng 86 người và làm hàng trăm người khác bị thương. Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại thủ đô Berlin (Đức), ngày 19-12 vừa qua, mục tiêu của vụ tấn công này lại là một chợ Giáng sinh đông đúc, hậu quả là 12 người thiệt mạng và gần 50 người bị thương.

Các vụ việc trên cho thấy, chiến lược tấn công của những kẻ khủng bố đã thay đổi rõ rệt, tinh vi và mạo hiểm hơn. Chúng nhằm vào nơi đông người, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, và tấn công tàn bạo bằng bất cứ phương tiện sẵn có (xe tải, bom, súng, rìu, dao...). Đáng lo ngại, thủ phạm gây ra các vụ giết chóc đều là những người di cư đến từ Trung Đông hoặc Bắc Phi. Bởi lẽ đó, nạn khủng bố và cuộc khủng hoảng nhập cư đã trở thành mối lo ngại lớn nhất trong năm 2016 đối với nhiều người dân châu Âu.

Những “cơn chấn động” trong năm 2016 ảnh 1

Người dân tưởng nhớ những nạn nhân của vụ tấn công bằng xe tải tại TP Nice, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khủng hoảng di cư

Khi có tới hơn một triệu người tị nạn ồ ạt tràn vào châu Âu, các quốc gia tại “lục địa già” đã tăng cường kiểm soát biên giới, xây hàng rào thép, thành lập đội tuần tra hải quân, ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Ankara, đóng cửa tuyến đường Balkans, đẩy nhanh trục xuất người bị từ chối đơn xin tị nạn... Dù đưa ra nhiều biện pháp đối phó với làn sóng di cư nhưng các quốc gia châu Âu vẫn lúng túng, chưa thật sự tìm ra tiếng nói chung để giải để cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng này, thậm chí nội bộ EU còn bị chia rẽ bởi hạn ngạch tiếp nhận người di cư.

Trên thực tế, số người tị nạn vượt biển vào châu Âu trong năm 2016 đã giảm so với năm 2015, nhưng cuộc khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện những diễn biến hết sức đáng lo ngại. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2016 tăng lên mức kỷ lục 5.000 người, tăng gần 25% so với năm 2015. Con số thống kê này một lần nữa phản ánh hậu quả của các hoạt động vượt biên trái phép trên biển Đại Trung Hải. Dù biết trước hành trình vượt biển đầy hiểm nguy nhưng những người tị nạn vẫn phải chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD để được lên những chiếc thuyền thô sơ, ọp ẹp của những kẻ đưa người vượt biên trái phép để chạy trốn đói nghèo và chiến tranh, đến với “miền đất hứa”.

Cuộc “ly hôn” lịch sử

Khi nhìn lại châu Âu một năm qua, không thể không nói đến “cơn chấn động” mang tên Brexit. Kịch bản “Brexit” (Anh rời EU) tưởng như không thể xảy ra lại bất ngờ trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của cử tri “quốc đảo sương mù” và nhất là cựu Thủ tướng Anh David Cameron.

Dù được cảnh báo về những hệ lụy nếu Anh chia tay “ngôi nhà chung” EU, song gần 52% cử tri vẫn bỏ phiếu đồng ý với kịch bản Brexit. Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, thị trường tài chính thế giới chao đảo dữ dội, đồng bảng Anh mất giá kỷ lục trong 30 năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino khiến EU tan rã. Nhiều cử tri từng nói “có” với Brexit không giấu nổi sự thất vọng, tiếc nuối và bày tỏ mong muốn thay đổi quyết định trước đó của mình, trong khi đó, ông Cameron nộp đơn xin từ chức, chuyển giao quyền lực cho Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.

Đứng về phía nói “không” với Brexit nhưng nữ Thủ tướng May tuyên bố tôn trọng quyết định cuộc trưng cầu dân ý và cam kết kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3-2017. Tuy nhiên, cho đến nay, bà May vẫn chưa tiết lộ nhiều thông tin về kế hoạch xây dựng mối quan hệ giữa nước Anh và EU trong tương lai. Thậm chí, theo một báo cáo bị rò rỉ, Anh chưa có kế hoạch toàn diện cho việc rời EU và sự chia rẽ trong chính phủ nước này có thể khiến chiến lược đàm phán cụ thể bị trì hoãn trong sáu tháng.

Thỏa thuận hòa bình Colombia

Tương tự trường hợp nước Anh, các cuộc thăm dò dư luận trước khi Colombia tiến hành trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình cho thấy phần thắng sẽ nghiêng về phía ủng hộ thỏa thuận này và chính phủ Colombia không có phương án dự phòng. Kết quả kiểm phiếu chính thức với khoảng cách chênh lệch không đáng kể giữa số phiếu không đồng ý (50,23%) và đồng ý (49,76%) đã khiến người dân Colombia và cộng đồng quốc tế thật sự bất ngờ.

Tuy nhiên, kết quả này không thể dập tắt khát vọng hòa bình của một đất nước phải hứng chịu cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài hơn nửa thế kỷ, cướp đi sinh mạng của 260 nghìn người và khiến khoảng 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Cuối cùng, sau bốn năm kiên trì đàm phán, ngày 24-11, tại thủ đô Bogota, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono đã đặt chiếc bút làm từ vỏ đạn ký vào thỏa thuận hòa bình sửa đổi dài 310 trang, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này, đưa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, hàn gắn vết thương do cuộc nội chiến gây ra và phát triển kinh tế.

Chắc chắn chặng đường thực thi thỏa thuận hòa bình sắp tới sẽ gặp phải không ít trở ngại, song thỏa thuận này và giải Nobel Hòa bình năm 2016 dành cho Tổng thống Santos là một trong những tín hiệu lạc quan nhất trong đời sống quốc tế năm nay.

Những “cơn chấn động” trong năm 2016 ảnh 2

Tổng thống Colombia Santos (trái) và thủ lĩnh FARC Londono bắt tay nhau sau khi ký thỏa thuận hòa bình, ngày 26-9-2016. (Ảnh: AP)

Bước ngoặt trên chiến trường Syria và sự thất bại của IS

Trong những ngày cuối năm 2016, quân đội Syria đã hoàn toàn kiểm soát TP Aleppo chiến lược sau khi những nhóm quân nổi dậy cuối cùng rời khỏi nơi này. Đây được xem là thắng lợi lớn nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến kéo dài gần sáu năm qua, cướp đi tính mạng của 300 nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Theo Tổng thống Assad, các nước đồng minh Nga và Iran đã góp phần làm nên chiến thắng: không quân Nga tiến hành hàng trăm cuộc đột kích nhằm vào các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng tại Aleppo; trong khi đó, với sự hỗ trợ của Iran, quân đội Syria đưa hàng nghìn binh sĩ vào trong thành phố này.

Cùng với việc phe nổi dậy Syria thất thủ ở thành phố chiến lược Aleppo, tính riêng năm 2016, sau các chiến dịch tấn công trên bộ và không kích của liên quân, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng mất quyền kiểm soát gần 50% vùng đất mà chúng chiếm được hai năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc uy thế của IS sụt giảm nghiêm trọng và tổ chức này không còn đủ mạnh để bảo vệ khu vực mà chúng từng tuyên bố là bất khả xâm phạm. Nói vậy không có nghĩa là mức độ nguy hiểm của IS suy giảm, người ta vẫn không hết lo sợ về nguy cơ lực lượng thánh chiến này ra sức truyền bá hệ tư tưởng bạo lực cực đoan trên khắp thế giới, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, internet.

Rò rỉ “Hồ sơ Panama”

Một “cơn chấn động” khác đã xảy ra vào tháng 5-2016, “Hồ sơ Panama”, tên gọi tập 11,5 triệu tài liệu mật từ Hãng luật Mossack Fonseca (Panama) được Liên đoàn Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) công bố và ngay lập tức trở thành tâm điểm của công luận toàn cầu. “Hồ sơ Panama” thể hiện mối nghi ngờ có liên quan các hoạt động tài chính “đen” của nhiều tập đoàn, công ty, doanh nhân và cá nhân trên thế giới. Nhiều tổ chức và quốc gia ngay lập tức mở cuộc điều tra, trong khi một số cá nhân lên tiếng giải trình, thậm chí một số nhà lãnh đạo phải xin từ chức. Dù còn nhiều tranh cãi chung quanh độ tin cậy của “Hồ sơ Panama”, nhưng đây rõ ràng là một kênh tham khảo quan trọng để phục vụ công tác quản lý thuế đối với nhiều quốc gia.

Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump

Bị đánh giá thấp ở vòng bầu cử sơ bộ Mỹ nhưng “ông trùm” bất động sản Donald Trump đã bất ngờ vượt qua đối thủ là các chính trị gia lão luyện để trở thành ông chủ Nhà trắng trước sự sửng sốt của giới truyền thông. Điều thú vị nằm ở chỗ, khi tham gia chiến dịch tranh cử, ông Trump dường như chưa chuẩn bị tinh thần cho tình huống...trở thành Tổng thống Mỹ. Vì vậy, ông đã gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm các nhân sự then chốt trong chính quyền mới của mình.

Dù vậy, nhất định chiến thắng của ông Trump vẫn là một trong những sự kiện quốc tế tiêu biểu của năm 2016. Việc Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là một doanh nhân chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường chắc chắn tác động tình hình “xứ cờ hoa” nói riêng và bàn cờ chính trị thế giới trong những năm tới nói chung.

Theo một số chuyên gia phân tích, chiến thắng bất ngờ của ông Trump không chỉ cho thấy sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu này ở châu Âu. Sau sự kiện tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, rất có thể sẽ xuất hiện những bất ngờ lớn trong các cuộc bầu cử sắp diễn ra như bầu cử Tổng thống Áo, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức,…

Những “cơn chấn động” trong năm 2016 ảnh 3

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Như vậy, trong năm 2016, thế giới đã đạt những bước tiến quan trọng, giúp tháo gỡ những tồn đọng kéo dài nhiều năm qua, đó là đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở thành hiện thực, ký kết thỏa thuận hòa bình Colombia, chiến thắng của quân đội Syria trên chiến trường Aleppo, tiêu diệt và thu hẹp khu vực do IS kiểm soát,... Mặt khác, cũng trong năm nay, đời sống quốc tế đã trải qua nhiều “cơn chấn động” mà nổi cộm hơn hết là vấn đề an ninh của châu Âu, cuộc khủng hoảng di cư, sự lan rộng của hệ tư tưởng bạo lực cực đoan, mối quan hệ của EU thời kỳ hậu Brexit,...

Các vấn đề đang đặt ra cho thế giới chắc chắn không thể được giải quyết nhanh chóng, vậy nhưng, khi soi xét lại những thành tựu thế giới đã đạt được trong năm 2016, có thể tin tưởng rằng, ánh sáng sẽ xuất hiện phía cuối đường hầm nếu cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết, kiên trì theo đuổi các mục tiêu hòa bình, phát triển bền vững.