Nhiều nước ủng hộ Thái-lan tiến hành tổng tuyển cử

NDO -

NDĐT- Thông báo trên truyền hình ngày 14-12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền Surapong cho biết, hơn 40 nước đã bày tỏ ủng hộ cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 tới của Thái-lan, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Surapong, những quốc gia này ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc xung đột chính trị đang diễn ra tại Thái-lan bằng biện pháp hòa bình theo một hệ thống dân chủ và Hiến pháp của nước này.

Ông Surapong khẳng định, việc thủ lĩnh biểu tình Suthep từ chối tham gia diễn đàn về cải cách, tháo gỡ bế tắc chính trị, do Chính phủ tổ chức vào ngày mai (15-12) cho thấy, nhóm của ông ta không lắng nghe ý kiến người khác. Nếu Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC - do những người biểu tình lập ra) xúc tiến lập một chính phủ không qua bầu cử dân chủ, Thái-lan sẽ mất đi sự tin cậy và cộng đồng quốc tế sẽ không ủng hộ Thái-lan.

Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong kêu gọi những thương gia và học giả đang ủng hộ kế hoạch lập “hội đồng nhân dân” của ông Suthep hãy suy xét cẩn trọng về những ảnh hưởng tiêu cực của hành động này đối với đất nước.

Cùng ngày, đảng Dân chủ đối lập thông báo không tham gia diễn đàn cải cách chính trị do Chính phủ tổ chức vì đảng này “lo ngại” rút cuộc diễn đàn sẽ là nơi tìm lối ra cho Chính phủ hiện nay chứ không phải là vì lợi ích của đất nước hay người dân.

Sáng 14-12, phát biểu ý kiến tại diễn đàn về cải cách chính trị do những người biểu tình tổ chức tại Đại học Thammasat ở thủ đô Bangkok, ông Suthep “bác bỏ” tính hợp pháp của Chính phủ tạm quyền hiện nay, kêu gọi ủng hộ việc lập “hội đồng nhân dân”

Trước đó, ông Suthep tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch kêu gọi người dân Thái-lan tẩy chay cuộc tổng tuyển cử tới. Theo ông này, sẽ có hai sự lựa chọn để giải quyết cuộc xung đột chính trị hiện nay. Một là Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền phải từ chức để mở đường cho việc bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và thành lập “hội đồng nhân dân” để vạch ra kế hoạch cải cách. Hai là người dân sẽ phải gây sức ép thêm nữa nhằm buộc bà Yingluck từ chức nếu trường hợp thứ nhất không xảy ra.

“Hội đồng nhân dân”, theo đề xuất của ông Suthep, gồm 400 thành viên, trong đó 300 người được bầu chọn từ tất cả các ngành nghề và 100 thành viên còn lại được những người biểu tình chỉ định. Những thành viên của hội đồng này đều không phải là chính trị gia và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng sẽ không được tham gia hoạt động chính trị trong năm năm. Hội đồng này sẽ thực hiện cải cách chính trị với thời gian dự kiến khoảng 15 tháng, trước khi tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra một chính phủ mới.

Chiều 14-12, Tham mưu trưởng quân đội Thái-lan Thanasak chủ tọa một diễn đàn tìm giải pháp giải quyết căng thẳng chính trị hiện nay. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, tướng Adul, không tham dự diễn đàn với lý do nếu có mặt tại đó, ông sẽ phải bắt ông Suthep theo lệnh của Tòa án Hình sự về tội xúc giục nổi loạn, kích động người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà văn phòng chính phủ.

Theo ông Thanasak, diễn đàn này sẽ không đưa ra kết luận mà chỉ là một cuộc gặp công khai để tất cả các bên nêu quan điểm của mình về cải cách đất nước.