Nguy cơ thành hiện hữu: Truyền thông xã hội trở thành vũ khí sát thương cao (Bài 2)

NDO -

Bài 2: Không phải ngẫu nhiên

NDĐT- Sự trỗi dậy của IS cũng như các cá nhân thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” không phải là ngẫu nhiên. Chúng là kết quả của những chiến lược được tính toán tinh vi với sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông xã hội.

Mạng xã hội Twitter là một trong những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu được các tổ chức khủng bố sử dụng cho hoạt động truyền bá của chúng. (Ảnh: www.prameyanews7.com)
Mạng xã hội Twitter là một trong những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu được các tổ chức khủng bố sử dụng cho hoạt động truyền bá của chúng. (Ảnh: www.prameyanews7.com)

Bài 1: Sự trỗi dậy của IS và những “con sói đơn độc”

Bài 3: Cuộc chiến dai dẳng

Khi những tay súng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn vào thành phố Mosul, Iraq tháng 6-2014, chúng không chỉ tuần hành vào thành phố mà chúng đồng thời phát động một chiến dịch hashtag trên Twitter #AllEyesonISIS. Đó là một cuộc tấn công chớp nhoáng với một chiến lược truyền thông kỹ thuật số.

IS đã chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông này trước khi cuộc tấn công Iraq bắt đầu. Chúng đã tạo ra một ứng dụng trên Twitter bằng tiếng Arab, nhằm chiếm quyền kiểm soát các tài khoản của người dùng và thay đổi thuật toán của Twitter để làm lợi cho chúng. Trong vòng vài giờ, những hình ảnh về hành động dã man của IS lan truyền khắp thế giới A-rập, gieo rắc nỗi sợ hãi cho cư dân Mosul và các binh sĩ Iraq bảo vệ thành phố. Trong những ngày tấn công Mosul, IS đã đăng tải gần 40 nghìn tweet mỗi ngày. Những thông điệp của chúng sau đó được nhắc lại một cách thụ động thông qua những người dùng internet không có mối liên hệ với chúng và không liên quan tới cuộc chiến thu hút được sự chú ý trên toàn cầu. Chiến dịch truyền thông xã hội của IS đã tạo ra cảm giác về việc thành phố Mosul sẽ bị chiếm và các hành động tàn bạo sẽ diễn ra cùng với đó. Bất chấp thực tế là số lượng đông đảo hơn lực lượng của IS tấn công Mosul với tỷ lệ 15-1, các đơn vị quân đội của Iraq bảo vệ Mosul đã bị tan rã. Ngay trong ngày chiến đấu đầu tiên, ước tính đã có hàng chục nghìn sĩ quan và binh sĩ Iraq bỏ chạy. Và chỉ sau bốn ngày đụng độ với quân đội Iraq, ngày 10-6-2014, IS đã chiếm được quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai của Iraq.

Chiến thắng chớp nhoáng trong cuộc tấn công thành phố Mosul đã chứng minh truyền thông xã hội là một công cụ có sức mạnh ghê gớm trong các chiến dịch quân sự của IS. Trên phương diện này, chúng đóng vai trò như “hoạt động rải truyền đơn trước các đợt tấn công quân sự” từng được sử dụng trong quá khứ, chúng gieo rắc nỗi sợ hãi, gây chia rẽ và đảo ngũ trong nội bộ đối thủ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số nhiều vai trò không thể thiếu của truyền thông xã hội cho sự trỗi dậy của IS ngay từ khi chúng thành lập.

Không chỉ phục vụ cho việc hợp tác giữa các tay súng và giành chiến thắng trên chiến trận, truyền thông xã hội cho phép các tay súng IS nâng cao thanh thế của chúng trong số những nhóm khủng bố khác và vượt qua các đối thủ lâu đời hơn như al-Qaeda; giúp chúng gieo rắc nỗi sợ hãi thông qua việc phát tán những hình ảnh tàn bạo của chúng, nhắm vào những nhóm đối tượng dễ chịu tác động để lôi kéo tuyển mộ tân binh hoặc nuôi dưỡng những đối tượng này trở nên cực đoan hóa và truyền cảm hứng, kích động và hướng dẫn họ thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay tại quê nhà. Truyền thông xã hội cũng cho phép IS quản lý lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của chúng, quảng bá cuộc sống “thiên đường” dưới sự cai trị của chúng và là công cụ để IS kêu gọi tài trợ tài chính từ các cá nhân, tổ chức trên thế giới.

Báo cáo công bố hồi tháng 10-2016, của Daniel Milton, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm chống khủng bố thuộc Học viện quân sự Mỹ West Point, một phân tích về hơn 8.000 loại sản phẩm tuyên truyền của các chi nhánh chính thức thuộc tổ chức truyền thông của IS cho thấy, sự thu hút của IS không chỉ dựa trên những hình ảnh bạo lực được mô tả trần trụi mà còn dựa trên sự tự miêu tả của chúng như là một nhà nước “hiệu quả và phát triển”.

Theo báo cáo, sự thành thạo về truyền thông của IS chỉ được biết đến rộng rãi sau khi chúng chiếm thành công thành phố Mosul, sau đó là các vụ chặt đầu và hành quyết các công dân phương Tây và các nhóm người khác bị coi là kẻ thù của chúng. Không ngạc nhiên đối với những người theo dõi nhóm này chặt chẽ, thực tế là chúng đã miệt mài nghiên cứu trau dồi các khả năng truyền thông của chúng trong hơn một thập kỷ.

Bất chấp sự chú tâm mạnh mẽ của truyền thông phương Tây vào những hành động vô cùng bạo lực mà nhóm này tạo ra, trong số hơn chín nghìn sản phẩm truyền thông của IS phục vụ hoạt động truyền bá của chúng, hơn 50% chú trọng vào các chủ đề bên ngoài chiến trường, như về chính quyền, tư pháp, sự quan trọng của hoạt động tôn giáo và cuộc sống thường ngày tại Nhà nước Hồi giáo. Hơn nữa, chỉ một số phần trăm nhỏ các sản phẩm truyền thông của chúng được đăng tải, khoảng gần 9%, mô tả chi tiết hành vi tội ác hay kết quả của các vụ hành hình hay sát hại trên chiến trường.

Ngoài việc đa dạng hóa các nội dung thông tin, IS cũng sản xuất số lượng lớn các sản phẩm truyền thông. Ở giai đoạn đỉnh điểm vào cuối năm 2015, IS đăng tải khoảng hơn 700 sản phẩm trên truyền thông xã hội mỗi tháng. Một phát hiện quan trọng khác của bản báo cáo là các nội dung chính thức của IS được tạo ra bởi sự pha trộn của các sản phẩm từ một loạt các cơ sở truyền thông riêng rẽ, một số chú trọng vào các thông tin quân sự, trong khi những cơ sở khác chú trọng vào sự cai trị,...

Ngoài việc đăng tải những tin tức và truyền thông về những chiến thắng, về cuộc sống dưới sự cai trị của IS, nhóm này có thêm nhiều kênh truyền bá về các thủ đoạn kinh doanh, giao dịch, các tài liệu quân sự, hướng dẫn cách chế tạo vũ khí và kế hoạch cho các chiến dịch tấn công mạng.

Trả lời độc quyền với IBTimes UK, người đứng đầu về công nghệ của nhóm Ghost Security Group (GSG), một tổ chức phi lợi nhuận phân tích các thông tin liên quan đến IS trên các nền tảng truyền thông xã hội để phát hiện các hoạt động khủng bố tiềm tàng nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng những nỗ lực tuyển mộ hiện nay của IS không chỉ là các chiến binh mà còn là các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực hữu ích cho một nhà nước mới để xây dựng một nền tảng cơ sở: từ bác sĩ, y tá tới các nhà khoa học, kiến trúc sư, các nhà toán học và vật lý học”.

Để tận dụng được tối đa sức mạnh của truyền thông xã hội, những kẻ khủng bố nói chung và IS nói riêng đã nhanh chóng thích nghi và sử dụng thành thạo, chuyên nghiệp các nền tảng truyền thông xã hội cũng như các ứng dụng liên lạc trên các thiết bị di động.

Báo cáo công bố tháng 7-2016, sau một năm hoạt động của đơn vị đặc trách chống khủng bố trên không gian mạng của Liên hiệp châu Âu (EU IRU), cho biết, các nhóm khủng bố đang sử dụng hơn 70 nền tảng trực tuyến để lan truyền các sản phẩm truyền bá của chúng. Chỉ tính riêng trên mạng xã hội Twitter, theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Brookings công bố hồi tháng 1-2015, ISIS có khoảng 45 nghìn tài khoản để truyền bá thông điệp của mình. Nghiên cứu của Flashpoint, công bố ngày 22-7-2016 cho thấy, bên cạnh việc sử dụng những nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng liên lạc sẵn có như Twitter, Facbook, Youtube, WahtsApp, WeChat, Telegram, Threema,… các phần tử cực đoan cũng tự xây dựng các ứng dụng riêng để truyền bá nội bộ và sử dụng Facebook, Twitter để tiếp cận trực tiếp những người ủng hộ chúng. Chiến dịch truyền thông của IS cũng đưa ra những ứng dụng nhằm vào trẻ em, trong đó có ứng dụng Alphabet dạy trẻ đọc và viết bằng tiếng A-rập với sự đề cập đến các loại vũ khí như rocket, súng và xe tăng,…

Hãng CNS News dẫn lời Michael Steinbach, Trợ lý giám đốc Ban An ninh quốc gia của FBI ngày 7-7-2016, phát biểu trước Quốc hội Mỹ cho biết, IS là nhóm khủng bố thông thạo nhất trong việc sử dụng internet và hoạt động truyền bá trên truyền thông xã hội để tuyển mộ các thành viên mới.

“Không có nhóm nào thành công trong việc thu hút mọi người vào thông điệp của chúng như IS. Phạm vi rộng lớn mà IS đạt được thông qua internet và truyền thông xã hội là mối quan ngại lớn nhất khi nhóm này tiếp tục sử dụng công nghệ mới nhất như một phần của chiến lược (đáng ghê tởm) của chúng. Chúng ta sử dụng truyền thông xã hội như thế nào thì những phần tử xấu cũng sử dụng như thế. Bất kể dưới hình thức nào, các thông điệp cực đoan được lan truyền nhanh hơn mức mà chúng ta có thể hình dung được trong vài năm trước”, ông Steinbach nói.

Trở lại với sự trỗi dậy của các cá đối tượng “sói đơn độc” và các vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc”. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa phong trào “thánh chiến không thủ lĩnh” của các tổ chức khủng bố với các nhân thuộc các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội phần lớn thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội.

Phong trào “thánh chiến không thủ lĩnh” được hình thành và phát triển hàng thập kỷ trong lòng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo để phi tập trung hóa các cuộc tấn công và khuếch tán chúng ở nhiều nơi hơn. Phong trào này được cho là do al-Qaeda khởi xướng từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ và sau đó được IS phát triển, hoàn thiện trong thời kỳ công nghệ truyền thông phát triển nở rộ mang lại cho chúng những thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Al Qaeda vốn là một nhóm khủng bố có tổ chức chặt chẽ. Trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, thủ lĩnh của nhóm này là Osama bin Laden đã chủ yếu dựa vào những tân binh được huấn luyện tại các cơ sở ở Afghanistan và nhiều trong số đó cam kết trung thành với hắn. Tuy nhiên, sau khi nhóm này bị đánh bật khỏi căn cứ của chúng tại Afghanistan dưới các đợt ném bom của Mỹ, bin Laden và cấp phó sau này kế nhiệm hắn, Ayman al-Zawahiri, đã nhận ra rằng việc duy trì các trại huấn luyện và kiểm soát tập trung không hiệu quả. Sau khi một số lượng lớn các thủ lĩnh của al Qaeda bị tiêu diệt, bị bắt hoặc buộc phải bỏ trốn, al-Qaeda đã thực hiện hoạt động cải tổ theo hướng “mọi thành viên của al Qaeda tự hoạt động. Bất cứ ai tìm được cơ hội tấn công thì cứ thực hiện. Quyết định là ở họ”.

Ngay cả trong khi ẩn náu, bin Laden và Zawahiri thường xuyên diễn thuyết trước những người ủng hộ chúng thông qua hàng chục video, băng ghi âm và các tuyên bố trên internet. Chúng khuyến khích những tân binh hành động một cách độc lập dưới danh nghĩa al Qaeda, và chúng hỗ trợ truyền cảm hứng cho hàng trăm thanh niên thực hiện các cuộc đánh bom tự sát hay các vụ đánh bom truyền thống tại Iraq, A-rập Xê-út, Ai Cập, Jordan, Morocco, Tây Ban Nha, Anh và các địa điểm khác.

Một trong những nguồn cảm hứng chính cho chiến lược này là Abu Musab al-Suri, một cựu lý luận gia cực đoan và là một thủ lĩnh của al Qaeda làm việc với bin Laden và Zawahiri trong những năm 1990. Suri đăng tải một bản tuyên ngôn dài 1.600 trang với tiêu đề “Kêu gọi kháng chiến Hồi giáo toàn cầu” (“A Call to a Global Islamic Resistance”), trên internet vào năm 2005. Trong tài liệu này, hiện vẫn được chia sẻ rộng rãi trong các nhóm cực đoan, Suri kêu gọi một làn sóng “thánh chiến cá nhân”, trong đó, các thành viên độc lập – có thể là tự cực đoan hóa hoặc được trợ giúp bởi những người tuyển mộ trên web - có thể nhắm vào dân thường phương Tây trong một nỗ lực nhằm gieo rắc hỗn loạn và khiếp sợ. Triết lý thánh chiến của hắn được miêu tả là “không tổ chức, chỉ nguyên tắc”.

Quan niệm của Suri về cá nhân, không thủ lĩnh và thánh chiến tiếp tục cộng hưởng cho đến nay và được IS phát triển, hoàn thiện thành công nhất trong số các nhóm cực đoan hiện nay. Nhóm này đã tận dụng truyền thông xã hội, loại hình truyền thông có thể truyền tải thông điệp tức thì tới mọi nơi, mọi ngõ ngách trên toàn cầu, để đưa những nội dung truyền bá của chúng chạm tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở khắp nơi trên thế giới, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp cực đoan hóa những đối tượng này biến họ thành những “con sói đơn độc” – công cụ lợi hại có thể gây ra thương vong lớn về người, gieo rắc nỗi sợ hãi và gia tăng thanh thế của chúng.

Theo bài viết của hai nhà nghiên cứu Mark Hamm và Ramon Spaaij năm 2015, có một loạt sự tương đồng gắn liền với các con đường tới cực đoan hóa của những kẻ khủng bố “sói đơn độc”. Quá trình cực đoan hóa bắt đầu với một sự tổng hợp những mối bất bình cá nhân và chính trị tạo cơ sở cho một sự thu hút với những người có cảm tình với một hệ tư tưởng – thường trên một nền tảng trực tuyến; tiếp theo tới việc nhận dạng một người hỗ trợ và sau đó là sự truyền bá ý định khủng bố. Sự tương đồng cuối cùng là “một biến cố khởi sự một quá trình hoặc chất xúc tác cho khủng bố”.

Ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng gia tăng các nguồn thông tin có thể dễ dàng tiếp cận về cách thức chế tạo một quả bom hay né tránh các hoạt động giám sát cũng như các nền tảng miễn phí để truyền phát những bài phát biểu gây thù hận và các nội dung cực đoan, việc tiến tới các hành động bạo lực trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Truyền thông đại chúng và truyền thông tức thì trên toàn thế giới đã giúp những kẻ tấn công đơn độc sát hại được nhiều người hơn mà không cần trang bị, đào tạo hay di chuyển nhiều.