Ngôi vị “đầu tàu” của châu Á bị thử thách?

NDO -

NDĐT - Năm 2010, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF ghi nhận sự đóng góp tích cực của châu Á và coi khu vực này là “đầu tàu” trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Giới chuyên gia dự báo, năm 2014, kinh tế châu Á sẽ đóng góp vào sự phát triển toàn cầu lớn hơn G7. Tuy nhiên, gần đây châu Á đã phát triển chậm lại và có “nguy cơ” mất vị thế đầu tàu do các lợi thế phát triển bị suy giảm, khiến các nước trong khu vực đang phải tìm kiếm động lực mới.

Đà tăng trưởng suy giảm

Năm 2010, các nền kinh tế mới nổi và các nước châu Á đã vươn lên trở thành đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực, trừ Nhật Bản, đều phục hồi nhanh và nhiều quốc gia đã lấy lại được đà tăng trưởng trước khủng hoảng. Giới chuyên gia đánh giá, do có cơ cấu vĩ mô cân đối, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường rộng mở, khiến nền kinh tế châu Á, nhất là Ðông Á trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khiến dòng vốn chuyển nhanh sang khu vực này.

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia trong nhóm BRIC đã tận dụng được cơ hội trong khủng hoảng, kinh tế đã phát triển với tốc độ cao, trở thành những điểm sáng trong giai đoạn hậu khủng hoảng (GDP 7-9%/năm). Trung Quốc không ngừng gia tăng quốc tế hóa đồng NDT, Ấn Ðộ cũng là nền kinh tế có thực lực và triển vọng phát triển nhanh, Indonesia, Việt Nam cũng là các nước có nền kinh tế phát triển “nóng”.

Tuy nhiên, mới đây, theo Báo cáo kinh tế của nhóm nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC đã nêu bức tranh tổng quan về chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) của các nền kinh tế khu vực. Theo đó, chỉ số PMI của Trung Quốc tiếp tục suy giảm thêm so với tháng trước, Hàn Quốc cũng chỉ tăng trưởng nhẹ, Đài Loan giảm hai điểm, Ấn Độ trong tháng 3 cũng tiếp tục giảm sút.

Điều đáng quan tâm là một xu hướng trái chiều đang xuất hiện, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều tăng lên ở hầu hết các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam…). Điều này cho thấy triển vọng việc xuất khẩu sẽ ổn định trong những tháng tới.

Tuy nhiên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới phần lớn đến từ các nước phương Tây. Do đó, sự tăng trưởng bền vững đối với lĩnh vực xuất khẩu của các nước châu Á có vẻ không mấy chắc chắn. Trong khi với chỉ số PMI toàn cầu, đơn đặt hàng mới đã giảm mạnh.

Nhóm nghiên cứu của HSBC nhận định, với tình hình các nền kinh tế châu Á đang ngày càng mất đà tăng trưởng trong quý I năm 2014, vì thế, ngôi vị đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị thách thức. Nhận định trên phù hợp với Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 8-4. Theo đó, “động lực tăng trưởng toàn cầu không chỉ đến từ các nước mới nổi (trong đó có châu Á) mà còn mở rộng ra các nước phát triển như Anh, Mỹ và các nước Nam Âu”.

Cần tìm động lực mới

Diễn đàn BFA 2014, tổ chức tại Bác Ngao (Hải Nam, Trung Quốc), với sự tham gia của 1.500 đại biểu, cũng ghi nhận những nguyên nhân giảm sút tốc độ tăng trưởng của khu vực và đang tìm kiếm động lực mới, trong đó có việc cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hạn chế lệ thuộc vào xuất khẩu để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các quốc gia châu Á “tích cực tìm kiếm động lực mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho khu vực đối phó với những diễn biến và thách thức mới”. Ông Lý cũng đề cập đến quan điểm tăng cường hợp tác “cùng thắng”, đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa các nền kinh tế châu Á thông qua việc thúc đẩy các thỏa thuận tự do hóa thương mại trong khu vực. Ông còn nhấn mạnh, “các quốc gia châu Á cần xây dựng một cộng đồng với những lợi ích, vận mệnh chung và cùng chia sẻ trách nhiệm”.

Tại Hội nghị, năm vấn đề được đặc biệt quan tâm: (1) Triển vọng kinh tế châu Á 2014; (2) Chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và sự trỗi dậy của thị trường tiêu dùng châu Á; (3) Bẫy thu nhập trung bình; (4) Khôi phục năng lực cạnh tranh của châu Á và các thị trường mới nổi; (5) Xu hướng công nghệ thông tin và biến đổi khí hậu.

Về cơ chế hợp tác, Hội nghị ủng hộ các nước hoàn tất đàm phán TPP, miễn là TPP theo tôn chỉ phát triển thương mại toàn cầu, đẩy mạnh môi trường thương mại công bằng và minh bạch. Trung Quốc cùng các nước nhất trí thúc đẩy đàm phán RCEP để hoàn tất vào năm 2015. Hội nghị cho rằng, cả TPP và RCEP nên là những cơ chế hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Châu Á đang đứng trước cơ hội và sứ mệnh vươn lên mạnh mẽ không chỉ vì mình mà còn góp phần ngày càng quan trọng trong giải quyết những vấn đề chung của nhân loại; khẳng định châu Á không chỉ thừa hưởng những sáng tạo và công nghệ từ các nước phát triển mà còn đang tạo ra ngày càng nhiều công nghệ cho mình và thế giới”.

Việt Nam còn cho rằng, “cần cổ vũ sáng tạo và coi sáng tạo, đổi mới công nghệ như một động lực. Trong quá trình này, cần tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực thông qua các khuôn khổ hợp tác như ASEAN, RCEP và các hiệp định FTA khác”.

Bảo đảm an ninh cho phát triển

Trong bối cảnh các nhân tố bất ổn trên thế giới đang gia tăng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang tác động tới châu Á, các quốc gia trong khu vực cần chung tay thúc đẩy tự do hóa thương mại, tạo điều kiện cho đầu tư cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực và tiểu vùng, môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện cho sự tiến bộ và phát triển của châu Á.

Các nước trong khu vực và các đối tác nên thúc đẩy đối thoại, tư vấn về an ninh, tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có vấn đề đối phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia; tiếp tục mở rộng chương trình nghị sự về chính trị, an ninh mạng; thúc đẩy các bên liên quan để sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…

Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh: “Tương lai châu Á và động lực tăng trưởng của châu Á chỉ có ý nghĩa khi môi trường khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù giàu có hay còn nghèo cũng đều cần môi trường ổn định để phát triển. Mọi bất đồng, tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, với sự chân thành và lòng tin. Hợp tác cùng có lợi, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề chung là nhân tố không thể thiếu bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của cả khu vực cũng như của toàn thế giới. Việt Nam luôn nỗ lực hợp tác cùng các dân tộc, đối tác trên tinh thần và vì mục tiêu đó”.

Như vậy, Diễn đàn BFA 2014 cũng đã ghi nhận thách thức lớn đối với sự phát triển và “nguy cơ” mất vị thế là các nước đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu, do các lợi thế phát triển bị suy giảm, khiến các nước trong khu vực cần phải cùng nhau tìm kiếm động lực mới, bao gồm cả những yếu tố về bảo đảm an ninh cho sự phát triển nhanh và bền vững.