“Ngáng chân nhau” đã có hồi kết?

NDO -

NDĐT-Ngày 26-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Đạo luật chi tiêu ngân sách và chi tiêu quốc phòng, do sự thỏa hiệp giữa hai đảng và đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua. Theo đó, ngân sách tài khóa hai năm 2014, 2015 là 2.026 tỷ USD và ngân sách quốc phòng 526,8 tỷ USD cho 2014, khiến “cuộc chiến” ngân sách kéo dài với cái cớ Obamacare đã tạm thời khép lại và nguy cơ chính phủ bị đóng cửa trong hai năm tới đã được loại trừ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

“Ngáng chân nhau”

Chế độ đa đảng ở Mỹ thực chất là “lưỡng đảng” Dân chủ và Cộng hòa thay nhau trị vì đất nước. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, bên cạnh những ưu điểm thì nhược điềm lớn nhất của chế độ “lưỡng đảng” là “ngáng chân nhau” vì quan điểm và lợi ích của mỗi đảng chứ không phải hoàn toàn vì lợi ích của đa số người dân.

Cuộc “đấu đá tài chính” trong bốn năm vừa qua thực chất là “cuộc chiến” chính trị nhằm hủy bỏ đạo luật Obamacare và ngân sách chính phủ chính là chỗ dựa mà đảng Cộng hòa bám vào để “ngáng chân” chính quyền của đảng Dân chủ, đòi ông Obama phải rút lại chương trình bảo hiểm y tế hoặc kéo dài thời hạn thi hành, nhưng Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát đã không nhượng bộ.

Với đảng Dân chủ, Obamacare sẽ mang lại lợi ích cho 32/50 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, trong khi chỉ cần tăng 5% thuế đối với những người có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm. Nhưng các đại biểu đại diện cho giới thượng lưu là các nghị sỹ Cộng hòa lại quan ngại 500 tỷ USD tiền thuế đặt lên vai người giàu.

Các nhà phân tích cho rằng, thực chất của cuộc tranh cãi kéo dài giữa các nghị sỹ “lưỡng đảng” là vì lợi ích cho tiểu số người giàu hay đa số người nghèo. Trong khi 16% dân số Mỹ, vẫn chưa có bảo hiểm y tế.

Khi “tỷ số” đã hình thành

Sau 2 năm (2011, 2012) “cuộc chiến” ngân sách diễn ra quyết liệu, nhưng vào phút chót đều “có hậu” vì “lưỡng viện” đều đạt được sự thỏa thuận nhằm tránh cho nước Mỹ thoát khỏi bị vỡ nợ thông qua việc cho phép nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, năm 2013 cơ chế tự động cắt giảm 85 tỷ USD đã vận hành do hai đảng quyết “ra đòn” để dành tỷ số. Đảng Dân chủ đã không nhượng bộ, chấp nhận đóng cửa một phần chính phủ 17 ngày để quy trách nhiệm cho đảng Cộng hòa và buộc phe Cộng hòa phải thỏa thuận tạm thời để chính phủ hoạt động trở lại.

Trong khi đảng Dân chủ cũng tự làm “mất điểm” trước cử tri với việc kinh tế phục hồi chậm chạp, Web y tế trục trặc khiến Obamacare không thể vận hành, dự luật nhập cư, siết chặt quyền công dân sử dụng súng đạn kéo dài… làm cho tỷ số về sự ủng hộ của người dân đối với “lưỡng đảng” có xu hướng nghiêng về phe Cộng hòa là tín hiệu cảnh báo của cử tri đối với đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử vào tháng 11 năm 2014.

“Chắc chắn Tổng thống Obama sẽ rơi vào cái bẫy mà nhiều vị tổng thống ở nhiệm kỳ thứ hai đã mắc phải. Đây là một chính phủ chia rẽ. Ông không được lòng dân chúng mấy. Cuộc bầu cử giữa kỳ thường không đem lại thành quả tốt cho đương kim tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai hay nhiệm kỳ đầu. Do đó tôi nghĩ có một số thách thức cho tổng thống”. Ông John Fortier - Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Washington nhận định như vậy.

Hồi kết là tạm thời

Cuối cùng thì Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã đặt bút ký dự luật ngân sách liên bang hai năm sắp tới, tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa vào tháng 1-2014. Đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ, Cộng hòa, sau đó được cả “lưỡng viện” thông qua.

Với hơn 2.000 tỷ USD cho 2 năm (2014, 2015) và bù đắp số tiền 63 tỷ USD cắt giảm tự động trong ngân sách quân sự và chi tiêu nội địa. Ngân sách mới được cân đối thông qua các khoản tiết kiệm chi và tăng nguồn thu, bằng sự đóng góp vào quỹ lương hưu của viên chức liên bang và tăng một số loại phí khác.

Dự luật chi tiêu quốc phòng 2014 cũng được Tổng thống Obama ký với hơn 600 tỷ USD, bao gồm các khoản chi tiêu cơ bản, hoạt động chống khủng bố, chương trình liên quan đến an ninh quốc gia và chuyển tù nhân tại căn cứ Guantanamo ra nước ngoài, tiến tới đóng cửa các nhà tù gây tai tiếng này.

Chuyên gia Fortier nhận xét: “Đây không phải là điều mà người dân Mỹ nghĩ là có thể chấp nhận được. Họ muốn chúng ta tìm cách giải quyết các vấn đề và tỏ ra thực tiễn, ngay cả khi chúng ta không thể hoàn tất được mọi việc”.

Chủ tịch Hạ viện ông John Boehner cũng nói: “Đấy không phải là tất cả mọi thứ mà chúng ta muốn. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra đủ các điểm chung để hoàn thành công tác mà dân chúng Mỹ đã cử chúng ta đến đây” .

Stuart Rothenberg, một chuyên gia phân tích chính trị độc lập ở Washington, nói: “Cử tri dường như muốn nói, tôi sẽ gửi một thông điệp cho ông Obama. Ông không có tên trên lá phiếu giữa kỳ. Cách duy nhất họ có thể làm được là bỏ phiếu chống lại đảng Dân chủ”.

Nhưng ông Rothenberg cũng phê phán đảng Cộng hòa rằng: “Cái nhãn Cộng hòa vẫn còn rất tệ. Mọi người nghĩ rằng phe Cộng hòa đã phạm một sai lầm rất lớn khi đóng cửa chính phủ, và hầu hết các sách lược gia Cộng hòa sẽ nói rằng họ đã phạm một sai lầm lớn”.

Tuy nhiên, ông Obama vẫn là một lực lượng chính trị mạnh: “Tổng thống vẫn nắm thế thượng phong là có diễn đàn Nhà Trắng để thuyết phục người nghe, chỉ huy sự chú ý của truyền thông, chỉ huy sự chú ý của toàn quốc, và cơ bản có thể nói hoặc làm những việc buộc phần còn lại của chính phủ phải có phản ứng” – Chuyên gia phân tích Rhodes Cook.

Như vây, trong “cuộc chiến” ngân sách kéo dài ở Mỹ, chỉ có kết quả bầu cử vào tháng 11-2014 tới mới phân thắng bại. Tuy nhiên, với cơ chế “lưỡng đảng” hiện nay ở Mỹ thì việc “ngáng chân nhau” vì lợi ích tập đoàn thống trị vẫn khó bề thay đổi, chừng nào đa số người dân chưa tìm ra người thực sự đại diện cho lợi ích của họ.