Mỹ và Ca-na-đa “bắt tay” đẩy mạnh chống khủng bố

NDO -

NDĐT- Trong bối cảnh quy mô và mức độ nguy hiểm của các tổ chức khủng bố trên thế giới ngày một gia tăng, Mỹ và Ca-na-đa đã phối hợp chặt chẽ về quan điểm và hành động trên mặt trận chống khủng bố. Việc này góp phần làm tăng triển vọng thắng lợi cho Mỹ cùng các nước đồng minh trong cuộc chiến chống lại cái ác dai dẳng và đầy cam go này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Ca-na-đa.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Ca-na-đa.

Cuối tháng 10 vừa qua đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Ốt-ta-oa, khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri tới thăm Ca-na-đa lần đầu kể từ ngày nhậm chức. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ke-ri diễn ra đúng thời điểm Ca-na-đa vừa trải qua những ngày bất ổn sau hai vụ tiến công tòa nhà QH và làm hai binh sĩ Ca-na-đa thiệt mạng. Thủ phạm đã bị tiêu diệt ngay sau đó, song điều đáng nói là các vụ tiến công nêu trên diễn ra liên tiếp chỉ trong vòng ba ngày, khiến chính phủ và người dân Ca-na-đa không khỏi bàng hoàng về mức độ táo tợn của những kẻ thực hiện hành vi khủng bố. Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ lên án “đây là cuộc tiến công hèn hạ”, là tiếng chuông cảnh báo hoạt động khủng bố đã “gõ cửa” quốc gia này. Dù còn nhiều nghi vấn về động cơ, mục đích của những kẻ gây ra vụ việc, song Chính phủ Thủ tướng Ha-pơ cho rằng, không loại trừ khả năng những kẻ gây án có liên quan các mạng lưới nguy hiểm điển hình như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay An Kê-đa.

Vụ việc Ốt-ta-oa vừa đối mặt cũng là điều khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới lo ngại, nhất là Mỹ và các nước phương Tây. Các phần tử cực đoan được dự đoán sẽ mở rộng quy mô hoạt động ra nhiều nước, đặc biệt các tay súng nước ngoài đang chiến đấu cho IS sẽ hồi hương, mang theo tư tưởng chống phá nguy hiểm, khiến tình hình các quốc gia trở nên bất ổn. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy, có tới 15.000 người từ hơn 80 quốc gia trên thế giới đổ về I-rắc và Xy-ri để gia nhập IS, và hứa hẹn sẽ còn tăng trong thời gian tới. Con số này khiến nhiều nhà lãnh đạo phải “giật mình”, bởi mức độ bành trướng và mạng lưới bao phủ rộng khắp của tổ chức khủng bố cực đoan này.

Việc đối phó và tiêu diệt các tổ chức khủng bố luôn là vấn đề nóng trên bàn tròn nghị sự giữa các quốc gia trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Chính phủ Ca-na-đa đã phải nâng mức báo động từ mức thấp lên trung bình và thực hiện hàng loạt biện pháp kiểm soát an ninh công cộng nghiêm ngặt, do lo ngại gia tăng nguy cơ khủng bố từ các nhóm thánh chiến. Với tư cách là “lá cờ đầu” trong liên minh chống khủng bố, Oa-sinh-tơn rõ ràng không thể làm ngơ trước các mối nguy hiểm đe dọa nền hòa bình của mình và các nước đồng minh thân cận. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Ca-na-đa đã cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác chống khủng bố cũng như siết chặt an ninh biên giới, đồng thời tích cực chia sẻ thông tin tình báo giữa hai bên nhằm đối phó các mối đe dọa khủng bố. Ông Ke-ri cũng khẳng định chắc chắn Mỹ sẽ sát cánh cùng Ca-na-đa trong cuộc chiến này. Hơn ai hết, Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của việc chủ động đón đầu và ngăn chặn các âm mưu phá hoại. Trong khi đó, cuộc chiến chống “con quái vật IS” đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi tổ chức này tỏ rõ khuynh hướng tàn bạo, đẩy mạnh đánh chiếm nhiều thị trấn tại I-rắc và Xy-ri. Mới đây, Ca-na-đa đã quyết định tiến hành đợt không kích đầu tiên trong chiến dịch IMPACT, bao gồm huy động một phi đội các chiến đấu cơ số hiệu CF-18, cùng 600 nhân sự tới Trung Đông, nhằm hỗ trợ Mỹ và liên minh quốc tế .

Bằng những cam kết và hành động cụ thể, Mỹ và Ca-na-đa đã từng bước chứng minh sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, cuộc chiến chống khủng bố được dự đoán còn vô cùng gian nan và tốn kém. Do đó, Mỹ, Ca-na-đa cùng các nước đồng minh cần xem xét những biện pháp tối ưu nhằm bảo đảm an ninh và ngân sách quốc gia để duy trì sự hiệu quả của cuộc chiến này, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn.