Khu vực kinh tế Eurozone: Những khó khăn và thách thức

NDO -

NDĐT- Eurozone vẫn đang chật vật để thoát ra khỏi tình trạng trì trệ kinh tế, đồng EUR mất giá. Là nền kinh tế đứng thứ hai tại Châu Âu sau Đức, Pháp cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, thất nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục….Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School, Paris, France) về vấn đề này.

Khu vực kinh tế Eurozone: Những khó khăn và thách thức

PV: Tại sao cuộc khủng hoảng tại Eurozone vẫn diễn biến trầm trọng và chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng thất nghiệp, giảm phát, thưa GS ?

GS, TS Nguyễn Đức Khương: Cần phải nhắc lại rằng vào năm 2007 tình hình kinh tế của các nước trong khối sử dụng đồng Euro là tương đối ổn định với mức tăng trưởng dương, lạm phát thấp, và mức nợ công là vừa phải, trừ Hy Lạp.

Cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra vào cuối năm 2009 đánh dấu nguy cơ tan rã của khối Eurozone, sau những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 gây ra. Đó là vấn đề giảm phát, phá sản hoặc tổn thất tài sản của hàng loạt các ngân hàng thương mại Châu Âu do sở hữu nợ xấu ở Mỹ, thị trường nhà đất xuống giá, và tình trạng khan hiếm vốn tín dụng.

Ngoài ảnh hưởng lan truyền từ xu hướng giảm phát toàn cầu trong giai đoạn 2007-2009 do hội nhập sâu rộng và sự phụ thuộc tài chính lẫn nhau, diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng tại Eurozone chủ yếu đến từ các yếu điểm mang tính thể chế, chính sách của Liên minh Châu Âu và khu vực đồng tiền chung.

Về mặt thể chế, việc không có một “chính phủ” chung để điều tiết kinh tế của khu vực gây nhiều trở ngại cho việc phối hợp tìm ra các giải pháp đồng bộ. Tuy sử dụng một đồng tiền chung nhưng các nước trong khu vực Eurozone có đặc điểm cấu trúc kinh tế, cơ sở hạ tầng công nghiệp là khá khác nhau, đưa đến những bất đồng trong chính sách tài khóa cũng như không thống nhất về định hướng chính sách cho khu vực. Đỉnh điểm là bất đồng giữa hai đầu tàu kinh tế Đức – Pháp. Trong khi chính phủ Đức hướng đến một chính sách tài khóa có kiểm soát để giảm thâm hụt ngân sách, phía Pháp có xu hướng đi ngược lại đề xuất chương trình cắt giảm chi tiêu của Đức để kích thích tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) chỉ có chức năng bình ổn giá cả trong khu vực Eurozone và bảo đảm dự trữ ngoại hối, mà không có chức năng điều chỉnh bất ổn tài chính, thất nghiệp và tăng trưởng thông qua chính sách tiền tệ như hầu hết các ngân hàng trung ương khác.

Về mặt chính sách đối phó với khủng hoảng, các giải pháp đưa ra tỏ ra không phù hợp với điều kiện kinh tế không đồng nhất của các nước trong khu vực: việc lựa chọn đối sách “thắt lưng buộc bụng” nhằm cắt giảm chi tiêu công ảnh hưởng trực tiếp đến mức đầu tư công, hạn chế các đầu tư cho dài hạn (đặc biệt cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển), và không kích thích được cả sản xuất lẫn tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu ngân sách bắt buộc các chính phủ phải tăng thuế thu nhập cá nhân và các khoản khấu trừ bắt buộc đối với các tổ chức kinh tế (phục vụ cho việc vận hành các cơ quan hành chính trung ương và địa phương).

Ở Pháp, theo báo cáo của Viện Thống kê và Kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), năm 2012 các khoản khấu trừ bắt buộc tăng 22 tỷ Euro và thuế thu nhập tăng 5.4 tỷ Euro so với năm 2011. Lợi bất cập hại, kết quả chung của chính sách kiểm soát chi tiêu ngặt nghèo là tăng trưởng thấp, thậm chí âm, thất nghiệp gia tăng, và nợ công tiếp tục gia tăng.

Theo Eurostat, tỷ lệ nợ công so với GDP của 18 nước trong Eurozone tăng từ 83.70% (2010) lên 90.9% (2013). Trong cùng giai đoạn, thất nghiệp tăng từ 10.1% lên 12%, tăng trưởng từ 2% giảm xuống -0.5%.

Thiếu chiến lược đồng bộ, thị trường Eurozone luôn căng thẳng do nợ xấu không được bảo đảm của ECB (trong khi Quỹ dự trữ liên bang Mỹ thực hiện các chính sách tiền tệ không truyền thống), các gói giải cứu - hỗ trợ cho các quốc gia có rủi ro nợ công cao không đi vào giải quyết triệt để các gốc gác của vấn đề (suy thoái, hiệu quả sử dụng vốn vay, chi tiêu công không hiệu quả), và những bất ổn địa chính trị trên thế giới (mâu thuẫn Nga – Ukraina, sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo, chiến dịch của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vô hiệu hóa Nhà nước Hồi giáo trong nội chiến ở Seria và Iraq) là các yếu tố cộng hưởng đẩy lùi quá trình hồi phục kinh tế ở Eurozone.

Thách thức kinh tế ở mỗi nước thành viên là không giống nhau. Thí dụ, ở Hy Lạp thì sự không chắc chắn về chính trị và lựa chọn chính sách kinh tế (Politico-economic uncertainty) là một vấn đề nan giải. Ở Pháp, gói chính sách trách nhiệm và tương hỗ (pacte de responsabilité et de solidarité) giữa chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình nhằm khôi phục tăng trưởng không đạt được sự đồng thuận.

PV : Vậy thưa GS, tương lai nào để Eurozone vượt qua khó khăn và trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ ?

GS, TS Nguyễn Đức Khương: Thành công lớn nhất của khối Eurozone trong thời gian vừa qua là đã bình ổn được thị trường tài chính, hỗ trợ được các quốc gia có mức nợ công cao và có tỷ lệ tăng trưởng âm (Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) thông qua Quỹ bình ổn Châu Âu, và hạn chế được những cuộc tấn công đầu cơ vào đồng Euro.

Để vượt qua các khó khăn hiện nay thì chiến lược kinh tế mới của khối Eurozone buộc phải quan tâm đến các giải pháp như: Một là, nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng để thúc đẩy đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Hai là, cần một sự thống nhất về một chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để các quốc gia thành viên có thể giải quyết các khó khăn nội tại của mình và thúc đẩy hội nhập chính sách tài khóa. Ba là, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giảm thuế và chi phí lao động. Bốn là, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của thị trường lao động cứng nhắc và nghiên cứu các giải pháp phù hợp cho di chuyển lao động giữa các quốc gia thành viên nhằm tạo ra một thị trường lao động lớn và đa dạng về kỹ năng. Năm là, hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu phát triển, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới.

Trong các hướng đi nêu trên, thách thức cơ bản cho các nền kinh tế ở khu vực Eurozone là chi phí lao động đơn vị (chí phí tiền lương tính trên năng xuất lao động mỗi giờ) tăng nhanh, tức là chi phí tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động. Các nghiên cứu trên giai đoạn 2000-2008 cho thấy duy nhất Đức là quốc gia giữ được mức chi phí lao động đơn vị ổn định.

PV : Nước Pháp gặp phải những khó khăn gì trên con đường trở thành đầu tàu kinh tế của châu Âu và thế giới? Hiện trạng nền kinh tế Pháp hiện nay có những điểm yếu kém gì?

GS, TS Nguyễn Đức Khương: Pháp là một nền kinh tế với một lực lượng lao động đang bị “già hóa”, chi phí lao động cao, đầu tư cho các chính sách xã hội lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về vốn, và chỉ còn lại một số ngành công nghiệp trọng điểm còn có khả năng cạnh tranh quốc tế (hàng không, công nghiệp đóng tàu chiến, năng lượng hạt nhân và mặt trời, luyện kim).

Cũng như nhiều quốc gia khác, Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, thất nghiệp cao, và sự không thống nhất về các giải pháp kinh tế đem lại lợi ích cho các lực lượng chủ đạo của nền kinh tế: chính phủ (quản lý kinh tế), giới chủ (đại diện cho doanh nghiệp) và công đoàn (đại diện cho người lao động).

Khủng hoảng chính trị trong nội bộ đảng lãnh đạo (Đảng xã hội) và các thay đổi nội các chính phủ liên tiếp đưa đến những sự bất ổn, không chắc chắn và không thống nhất trong quản lý và chính sách kinh tế. Bên cạnh đó, thuế quá cao không khuyến khích được đầu tư. Trong một phỏng vấn dành cho tạp chí tuần Challenges (số 402, 25-9-2014), Giáo sư Philippe Aghion (Đại học Harvard) nhấn mạnh rằng “nước Pháp tạo ra các bất bình đẳng và tìm cách sửa sai chỉ thông qua chính sách thuế”.

PV: Xin cảm ơn GS, TS Nguyễn Đức Khương!

Khu vực kinh tế Eurozone: Những khó khăn và thách thức ảnh 1GS, TS. Nguyễn Đức Khương hiện là Giáo sư tài chính, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện hành chính và quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School, Paris, France). Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành quản trị tài chính tại Đại học Grenoble năm 2005, bảo vệ thành công luận án HDR (Habilitation for Supervising Doctoral Research) tại Đại học Cergy-Pontoise năm 2009, và hoàn thành khóa đào tạo “Lãnh đạo phát triển” tại Harvard Kennedy School năm 2013, TS. Khương đã từng công tác tại các trường quản trị kinh doanh có uy tín cao tại Pháp như EM Lyon Business School, IAE Grenoble, và ISC Paris Business School.

TS. Khương là thành viên ban biên tập (Associate Editor) của nhiều tạp chí tài chính – kinh tế có uy tín quốc tế (Emerging Markets Review, European Journal of Comparative Economics, Finance Research Letters, International Review of Financial Analysis) và đã xuất bản gần 100 bài báo khoa học và sách chuyên ngành về lĩnh vực tài chính quốc tế, tài chính năng lượng, thị trường mới nổi, và quản trị rủi ro.

Ngoài ra, TS. Khương còn là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE), Tổng thư ký Hội Tài chính Người Việt Quốc tế (Vietnam Finance Association International), Thành viên Hội đồng quản trị của Hội Tài chính Châu Á (Asian Finance Association), Thành viên Ủy ban Châu Á tư vấn chính sách điều phối tài chính cho các chính phủ (Asian Shadow Financial Regulatory Committee), và đồng sáng lập và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế tại Pháp và Việt Nam (Paris Financial Management Conference, Vietnam International Conference in Finance, International Symposium on Energy and Finance Issues).