Khẳng định “xoay trục”, cân bằng Đông-Tây?

NDO -

NDĐT- Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du kéo dài một tuần tới bốn nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Phillippines). Mục tiêu của chuyến đi đã được giới chức ngoại giao Mỹ công bố là nhằm tái khẳng định chính sách “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chuyến đi này của ông Obama là nhằm khẳng định “xoay trục” và cân bằng Đông-Tây.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)

Khẳng định “xoay trục”

Kể từ tuyên bố “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” (11-2011) và lời khẳng định của Tổng thống Obama rằng: “Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ mãi hiện diện ở đây”, được coi là dấu mốc quan trọng trong chủ trương “xoay trục” chiến lược của Mỹ từ châu Âu sang CA-TBD và coi CA-TBD là một trong những trọng tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, “Mỹ đã nói nhiều hơn làm”. Bằng chứng là: Về quân số, theo kế hoạch Mỹ sẽ bố trí 2.500 quân lính thủy đánh bộ ở Darwin (Australia) nhưng đến nay mới triển khai được 250 lính; Về vũ khí, trang bị, Mỹ tiếp tục bố trí máy bay chiến đấu F-22 trên đảo Okinawa; ba tàu ngầm hạt nhân tấn công trên đảo Guam, sáu máy bay ném bom chiến lược, máy bay trinh sát không người lái, F-22 và 15 tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân, tám máy bay vận tải C-17 ở đảo Hawaii.

Số dự kiến được bổ sung để nâng cao hiệu quả răn đe chiến lược vẫn còn nằm trên giấy: máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, hệ thống radar X-band mới, máy bay tuần tra biển P-8 bố trí ở căn cứ không quân Kyogamisaki (Nhật Bản) phải đến cuối năm nay… Vì thế, chuyến thăm lần này của ông Obama được cho là nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với chính sách “xoay trục” về CA-TBD, trấn an các đồng minh và đối tác, còn về cơ cấu tiềm lực quân sự châu Á/châu Âu “60/40” vẫn không được nhắc tới.

Mặt khác, vấn đề an ninh, thương mại cũng là trọng tâm của chuyến công du châu Á lần này. Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Evan Medeiros cho biết: “Mỹ luôn cam kết đầy đủ đối với khu vực CA-TBD và đã có mặt tại đây từ rất lâu. Đây không phải là vấn đề địa chính trị hay chính trị mà là bảo vệ lợi ích kinh tế, an ninh của Mỹ cũng như tiếp tục phát triển mối quan hệ nhân dân mà Mỹ đã xây dựng trong nhiều thập kỷ qua tại khu vực này”.

Tại Nhật Bản, Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác an ninh, cũng như quan hệ thương mại, nhất là tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ tiếp tục khẳng định, “coi quan hệ đồng minh với Nhật là hòn đá tảng trong chiến lược châu Á của Washington và cam kết hiện đại hóa mối quan hệ này”. Và rằng: “Mỹ-Nhật đã ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau. Việc Mỹ sẽ luôn tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước này là điều không cần phải bàn cãi”.

Tại Hàn Quốc, Mỹ sẽ hỗ trợ cho nước này trong vụ chìm phà SEWOL, tăng cường quan hệ đồng minh, hợp tác về an ninh, thảo luận vấn đề liên quan đến CHDCNDTriều Tiên và bàn về thực hiện AFTA Mỹ-Hàn. Đến Malaysia, ông Obama sẽ tập trung thảo luận cùng các quan chức cấp cao của nước này về các vấn đề đàm phán TPP, hợp tác an ninh, quốc phòng, an ninh biển và tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, tại Philippines, Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết an ninh đối với Manila, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và thảo luận về một thỏa ước hợp tác quân sự mới. Tổng thống Obama cũng sẽ nhấn mạnh về tầm quan trọng của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ông Evan Medeiros còn khẳng định “chuyến thăm của Tổng thống Obama là một minh chứng cho thấy Mỹ không hề bị phân tâm trước những biến động tại Ucraina hay Trung Đông mà hoàn toàn có khả năng xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc”.

Cân bằng Đông-Tây

Mặc dù giới chức Mỹ luôn khẳng định: Washington đang “ngày càng coi trọng mối ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á, trong việc mở rộng thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ các lợi ích an ninh, cũng như tăng cường các giá trị cốt lõi mà Mỹ đang theo đuổi”. Nhưng dư luận vẫn cho rằng chính sách “xoay trục” của Mỹ về CA-TBD trong bối cảnh Washington đang chịu sự tác động bởi các cuộc khủng hoảng ở Ucraina, Trung Đông và nhiều nơi khác… khiến “nói và làm” khó bề trùng khít với nhau. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, Mỹ còn phải điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng Đông-Tây.

Những động thái của Mỹ gần đây, nhất là trong cuộc khủng hoảng Ucraina, với sự sốt sắng của Mỹ, ủng hộ phe đối lập, cùng Liên hiệp châu Âu (EU) gia tăng trừng phạt Nga, đưa quân và tàu chiến đến sát biên giới phía đông EU; tìm cách giành lại thị trường năng lượng tại châu Âu vốn phụ thuộc vào Nga… khiến dư luận không thể không quan tâm đến sự điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng Đông-Tây.

Được biết, đầu năm 2011, Mỹ đã quyết định giảm 50% lực lượng quân sự Mỹ đóng tại châu Âu. Mỹ đã rút hai trong số bốn lữ đoàn thuộc Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Âu. Tiếp theo, Bộ Quốc phòng Anh cũng công bố sẽ cắt giảm khoảng 30 nghìn quân trong vòng 10 năm; Đức cũng đệ trình kế hoạch cắt giảm quân số từ 220 nghìn quân xuống còn 170 nghìn; Italia công bố ngừng mua lô máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ; Hà Lan cũng quyết định giảm số lượng binh sỹ khoảng 12 nghìn người. Các chuyên gia quân sự cho rằng, quyết định của Mỹ đối với châu Âu năm 2011 là “một đòn giáng mạnh vào khả năng của NATO” và có thể làm suy yếu quan hệ đối tác giữa Mỹ với EU.

Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ John Kerry với tiêu đề “Về sự phục hưng quan hệ Mỹ-châu Âu” mới đây đã được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Nhìn lại quan hệ Mỹ với CA-TBD so với quan hệ Mỹ với EU, có thể thấy: trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, Mỹ đã có sự “thiên vị” đối với khu vực CA-TBD nhưng sau một thời gian Mỹ cũng đã nhận ra CA-TBD tuy rất quan trọng về mặt chiến lược nhưng đó là tầm của thời tương lai.

Còn quan hệ Mỹ-châu Âu vẫn là nơi mà Mỹ có nhiều đồng minh chiến lược “chí cốt” hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Vì thế, theo giới phân tích, Mỹ không thể không điều chỉnh chính sách “cân băng chiến lược” Đông-Tây, trên cơ sở bảo đảm “xoay trục” chiến lược về CA-TBD trong dài hạn.

Như vậy, việc Mỹ “nói nhiều hơn làm” trong chính sách “xoay trục” cùng với những phản ứng được coi là yếu ớt của Nhà Trắng trong các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông, khiến các đồng minh của Mỹ tại CA-TBD hoài nghi về khả năng thực hiện “cam kết đảm bảo ổn định và hòa bình” trong khu vực của Mỹ. Vì thế, sự thành công thực sự của Mỹ trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama tại các nước châu Á vẫn còn đang ở phía trước.