Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ năm 2015

NDO -

NDĐT - Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và tiếng nói quan trọng trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (gồm 75 quốc gia và chính phủ thành viên và 19 nước quan sát viên). Điều này thể hiện qua sự tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả của nước ta trong tổ chức quốc tế này. Năm 2015 là năm mang nhiều dấu ấn của Việt Nam trong các hoạt động Pháp ngữ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị APF lần thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTX).
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị APF lần thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTX).

Hội nghị lần thứ 7 Liên minh Nghị viện Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APF) được tổ chức thành công tại TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 1 đến 2-12, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đến từ các nước trong khu vực, cùng đại diện một số vùng và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh cơ chế đối thoại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, cùng trao đổi các nội dung từ thực tiễn của từng nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, vì tiến bộ xã hội trên thế giới. Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển tính đa dạng về văn hóa. Việt Nam đã và đang góp phần tích cực vào hoạt động của APF tại khu vực; bảo vệ sự đa dạng văn hóa theo đúng tôn chỉ hoạt động của APF. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với các nước trong khuôn khổ APF và sẵn sàng tổ chức các Hội nghị Pháp ngữ tiếp theo.

Việt Nam còn phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ ngày 18 đến 20-11, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Diễn đàn đề cập chiến lược phát triển kinh doanh và hợp tác Nam - Nam giữa các nước nước châu Phi và ​các nước Pháp ngữ vùng sông Mê Công, trong đó có Việt Nam, thúc đẩy và hỗ trợ những nỗ lực hội nhập kinh tế trong không gian Pháp ngữ về quản lý thương mại và đầu tư ở các lĩnh vực có tiềm năng giao thương, xúc tiến hợp tác đầu tư.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao... với nhiều mô hình đột phá, mang lại lợi ích thiết thực cho kinh tế, xã hội đất nước. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... trong hợp tác Nam - Nam giữa các nước nước châu Phi và Mê Công Pháp ngữ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) lần thứ 31 tại Yerevan (Armenia), từ ngày 10 đến 11-10, nhiều nội dung và sáng kiến của Việt Nam nêu ra đã được đại biểu các nước đánh giá cao và ghi nhận đưa vào Biên bản Hội nghị. Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia các hoạt động và đóng góp vào thành công của Hội nghị. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị, nhân dịp này đã phát biểu nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tích cực hội nhập quốc tế. Với những đóng góp tích cực của Việt Nam, Cộng đồng Pháp ngữ luôn coi Việt Nam là nước có vai trò đầu tàu về hoạt động Pháp ngữ trong khu vực và là thành viên có vị trí quan trọng trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp.

Trong năm 2015, Việt Nam đã chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hàng chục sự kiện và tham gia các hoạt động Pháp ngữ có ý nghĩa trên các lĩnh vực, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hay, đề xuất những sáng kiến thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển phong trào Pháp ngữ, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu trong Cộng đồng Pháp ngữ. Bà Annissa Barack, Giám đốc Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), người vừa kết thúc nhiệm kỳ công tác, đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam: Là một thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam luôn coi trọng các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ và duy trì hợp tác chặt chẽ với tổ chức này.

Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực góp phần vào việc củng cố và phát triển Cộng đồng theo hướng: Bảo vệ và tăng cường tình đoàn kết Pháp ngữ - truyền thống quý báu của Cộng đồng, bảo đảm hài hòa các định hướng phát triển cơ bản của Cộng đồng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Việt Nam chủ trương tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ; Tham gia và đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động chung của Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển tại các nước thành viên; Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của Cộng đồng Pháp ngữ phát triển hoạt động hợp tác tại Việt Nam.

Chính sách của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ là nhất quán. Việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ là nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, qua đó đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh trên thế giới.

Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ năm 2015 ảnh 1

Đại diện các nước dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Pháp ngữ lần thứ 31 tại Armenia. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam).