Vòng 1 bầu cử địa phương ở Pháp

Cử tri đi bầu vắng kỷ lục

NDO -

NDĐT - Có tới 38% cử tri trong số 45 triệu cử tri Pháp đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử cấp địa phương ở Pháp ngày 23-3. Trong số 926.068 ứng cử viên, cử tri Pháp lựa chọn các thị trưởng và Nghị sĩ chính quyền địa phương của 36.681 đơn vị hành chính, từ các xã, quận, thành phố.

Ứng cử viên Anne Hidalgo của đảng PS.
Ứng cử viên Anne Hidalgo của đảng PS.

Các phòng bỏ phiếu được mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa vào lúc 20h cùng ngày tại các thành phố lớn. Theo kết quả thống kê sơ bộ sau 20 giờ (giờ địa phương), tức 2 giờ sáng 24-3 (giờ Hà Nội), có tới 38% cử tri Pháp không đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử địa phương hôm nay (riêng tại Paris có tới hơn 43% cử tri vắng mặt). Kết quả thống kê cũng cho thấy, nguy cơ thất bại đối với Đảng Xã hội (PS) tại 85 trên tổng số 500 thành phố mà cánh tả đang cầm quyền. Trong khi tại một số thành phố, đại diện cánh hữu giành thắng lợi ngay từ vòng 1. Theo kết quả thống kê: 48% số phiếu dành cho cánh hữu, trong khi cánh tả chỉ được 43%, phái cực tả 2%, và đáng chú ý là Đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) được tới 7%. Như vậy, cánh hữu đang giành ưu thế hơn cả.

Cuộc bầu cử này thực sự là cuộc “trắc nghiệm” đầu tiên về uy tín của Đảng Xã hội (PS) cầm quyền cũng như bộ máy hành chính ở Pháp, kể từ khi ông François Hollande trở thành Tổng thống Pháp năm 2012. Có thể nói, hiếm có thời điểm nào mà cuộc bầu cử địa phương tại Pháp diễn ra trong bối cảnh đảng cầm quyền bị mất uy tín nghiêm trọng như lần này: Tỷ lệ người Pháp ủng hộ Tổng thống François Hollande chỉ còn 20%. Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cũng chỉ còn 25% người Pháp tín nhiệm. Hơn nữa, kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đến nay, Đảng PS đều bị thua trong các cuộc bầu cử bổ sung và họ đang sợ là bầu cử địa phương lần này cũng sẽ theo xu hướng đó.

Năm 2001, khi còn ở trong phe đối lập, cánh tả đã bị mất 58 thành phố lớn có hơn 10 nghìn dân. Tuy nhiên, thất bại này đã được giảm nhẹ phần nào, vì cánh tả giành thắng lợi tại hai thành phố lớn nhất của Pháp là Paris và Lyon. Năm 2008, tình hình đảo ngược, trong khi cánh hữu đang cầm quyền, đã bị mất 90 địa bàn có hơn 10 nghìn dân.

Hiện nay, đảng Xã hội đang nắm quyền lãnh đạo hơn một nửa các hội đồng cấp địa phương, nhưng trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế ảm đạm, thất nghiệp cao, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đây là những yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều người Pháp, khiến tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này thấp. Năm 2008, chỉ có 66,5% số cử tri tham gia bỏ phiếu (33,5% vắng mặt) ở vòng một cuộc bầu cử cấp địa phương. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1959.

Trong bối cảnh chính phủ cánh tả mất uy tín, cánh hữu thì đang gặp những trục trặc và tai tiếng, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của bà Marine Le Pen đang hy vọng giành được từ 10 đến 15 thành phố trong cuộc bầu cử lần này. Theo nhận định của các nhà phân tích, đảng của bà Marine Le Pen rất có thể sẽ lọt được vào vòng 2 để tranh phiếu với cánh tả và cánh hữu. Đảng cực hữu đang hy vọng có được một số ghế Nghị sỹ ở các địa phương, để qua đó cắm rễ sâu hơn tại các địa bàn, làm cơ sở để đảng này tăng cường lực lượng cho các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sau này.

Trong cuộc bầu cử lần này, công luận Pháp cũng quan tâm tới cuộc “đối đầu quyết liệt” giữa hai nữ ứng cử viên tại thủ đô Paris là Anne Hidalgo (PS) và Nathalie Kosciusko-Morizet (UMP). Chiến thắng tại Paris sẽ có tác động lớn đối với cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ứng cử viên PS vẫn có nhiều triển vọng hơn.

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ được mở sau vòng 2 vào ngày 30-3 tới, trừ những địa phương đã có danh sách ứng cử viên thắng cử ngay vòng 1.