COP21, kỳ vọng và trách nhiệm của mỗi quốc gia

NDO -

NDĐT - Chỉ còn hai ngày nữa tới thời điểm chính thức khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Công tác chuẩn bị của Pháp, nước đăng cai tổ chức, đã được hoàn tất từ việc lắp đặt các khu tổ chức hội nghị cho tới vấn đề an ninh. Đây là một hội nghị có ý nghĩa quyết định để các nước đạt mục tiêu chung và rất cấp bách là giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2oC vì sự tồn tại và phát triển của nhân loại.

Khu vực diễn ra COP21 được bảo vệ bằng nhiều tầng an ninh. Khoảng 170 triệu euro là chi phí để tổ chức COP21.
Khu vực diễn ra COP21 được bảo vệ bằng nhiều tầng an ninh. Khoảng 170 triệu euro là chi phí để tổ chức COP21.

Vai trò của nước Pháp

Là nước đăng cai tổ chức hội nghị COP21, Pháp đã cho thấy quyết tâm rất lớn nhằm tổ chức thành công sự kiện quan trọng này, giữ vai trò nòng cốt trên bình diện quốc tế để thúc đẩy các nước có sự đồng thuận cao nhằm chống lại thảm họa do biến đổi khí hậu. Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ các nước có những chính sách tích cực về vấn đề khí hậu cũng như những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt được Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto.

Sau khi nhận đăng cai tổ chức COP21, Tổng thống Pháp cho rằng hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt vì đây là hội nghị quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Pháp và là cơ hội để các nước tham gia sứ mệnh chung là cứu sống "cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học" trên trái đất đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu năm nay, Pháp đã tích cực triển khai chiến dịch vận động cho thành công COP21 thông qua những chuyến thăm của Tổng thống François và một số bộ trưởng tới một số nước như Mỹ và Trung Quốc (hai nước có lượng khí thải CO2 cao nhất thế giới).

Về phần mình, Pháp là một trong những nước công nghiệp có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất, chỉ 1,2%, thấp hơn mức cam kết trong Nghị định thư Kyoto dù chiếm tới 4,2% GDP toàn cầu. Pháp cũng đã có nhiều nỗ lực về chính trị và kinh tế ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên xuyên suốt trong chính sách phát triển của Pháp trong thời gian qua. Năm 2012 nước này đã thông qua khoản ngân sách 2,4 tỷ euro cho 54 dự án về khí hậu, đồng thời đặt mục tiêu trở thành một nước điển hình về bảo vệ môi trường. Tiếp đó vào năm 2014, Quốc hội Pháp thông qua luật về năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) ít tác động tiêu cực đến môi trường để tới năm 2030 có thể giảm tới 40% lượng khí thải nhà kính so với mức của những năm 1990 và giảm 30% lượng tiêu thụ nhiêu liệu hóa thạch so với năm 2012.

COP21, kỳ vọng và trách nhiệm của mỗi quốc gia ảnh 1

Cờ của Việt Nam được in trên cột dựng trước Trung tâm Hội nghị cùng các nước khác.

Nhằm tạo dấu ấn về vai trò tổ chức cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của "khí hậu xanh", Pháp dành hẳn một khu rộng lớn 18 ha ở Khu triển lãm công nghiệp - thương mại quốc tế Le Bourget để tạo nên ba khu gồm Trung tâm Hội nghị, Không gian "Các thế hệ khí hậu" và Gian triển lãm. Trung tâm Hội nghị COP21 là nơi làm việc của gần 2.000 đại biểu đến từ 195 nước tham gia công ước LHQ về biến đổi khí hậu. Tại Không gian "Các thế hệ khí hậu", các phái đoàn cùng công chúng sẽ tham dự những cuộc trao đổi, tranh luận về các quan điểm khoa học, trình bày các ý tưởng và các giải pháp về khí hậu. Trong khi đó, Khu triển lãm sẽ trưng bày và giới thiệu các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cùng với tổ chức kinh tế-xã hội và các viện nghiên cứu sẽ giới thiệu những chương trình hành động dài hạn và bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả ý tưởng tổ chức của nước chủ nhà nhằm mục tiêu tạo vận động các nước đưa ra những đề xuất, chương trình hay dự án xây dựng một thế giới xanh hơn, trong lành hơn.

Ban tổ chức cho biết, sẽ có 147 nguyên thủ các nước và hơn 40 nghìn khách tham dự sự kiện này diễn ra từ ngày 30-11 đến 11-12. Trong thời gian diễn ra hội nghị, hệ thống sưởi chạy bằng khí gas thay cho dầu ở các khu vực hội nghị. 200 ô-tô điện được chuẩn bị cho các đại biểu di chuyển từ khách sạn tới hội nghị. 20 nghìn thẻ tàu và xe buýt được phát miễn phí cho các đại biểu và khoảng 3.000 phóng viên báo chí nhằm hạn chế tối đa xe ô-tô có thể làm tăng mức độ ô nhiễm trong thời gian này.

COP21, kỳ vọng và trách nhiệm của mỗi quốc gia ảnh 2

200 xe ô-tô điện thân thiện với môi trường phục vụ các đại biểu.

Một trong những vấn đề được ban tổ chức quan tâm nhất là an ninh. Sau khi xảy ra các vụ tiến công khủng bố trong trung tâm Paris và ở ngoại ô làm 130 người chết, chính phủ Pháp khẳng định, hội nghị vẫn diễn ra như kế hoạch với sự bảo vệ nghiêm ngặt của 2.800 cảnh sát và nhân viên an ninh. Có tới 120 nghìn cảnh sát, hiến binh và binh sĩ được triển khai trên khắp nước Pháp. Riêng ở biên giới có 8.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai để kiểm soát tất cả những đối tượng có nguy cơ về an ninh từ các nước khác sang. Nước Pháp vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp vì vậy các cuộc biểu tình, tuần hành đều bị cấm. Những nỗ lực của Pháp cho thấy một khi cộng đồng quốc tế chung tay hành động thì có thể giải quyết được những thành thức toàn cầu đang đe dọa đến cuộc sống của con người như biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố.

Thách thức của thế giới và mục tiêu của COP21

Ngày 23-11, chỉ một tuần trước COP21, Cơ quan của Liên hợp quốc về chiến lược giảm nhẹ nguy cơ thiên tai (UNISDR) công bố một bản báo cáo về hậu quả của biến đổi khí hậu, thống kê rằng có tới 606.000 người chết do thiên tai trong vòng 20 năm qua và đa số là ở các nước có thu nhập thấp (chiếm 89%). Từ năm 1995 cho tới nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 1,9 tỷ USD và hơn 4,1 tỷ người bị ảnh hưởng, trở thành những người vô gia cư hay cần cứu trợ khẩn cấp. Lũ lụt chiếm tới 47% trong tổng số các trận thiên tai, phần lớn (95%) xảy ra tại châu Á từ năm 1995 đến 2015, và ảnh hưởng tới 2,3 tỷ người.

COP21, kỳ vọng và trách nhiệm của mỗi quốc gia ảnh 3

COP21 là hội nghị không diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) nhưng có nhiều nhà lãnh đạo tham dự nhất.

Bản báo cáo của UNISDR tập trung phân tích những diễn biến trong 20 năm trở lại đây, giai đoạn xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên nhất. Số lượng các trận giông bão và lũ lụt tăng nhiều, vì vậy UNISDR nhận định rằng các hiện tượng do biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp tục xảy ra trong những thập kỷ tới.

Còn theo một báo cáo dài 60 trang của Tổ chức Khí tượng Thế giới (OMM ) công bố ngày 25-11, năm 2015 có thể sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay. Mức tăng nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái đất có thể vượt ngưỡng biểu tượng 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Giai đoạn 2011-2015 đã là năm năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay, có nhiều thiên tai nghiêm trọng, đặc biệt là các đợt nóng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thời gian này cũng đã đạt mức kỷ lục và tại Pháp, năm 2014 được ghi nhận là năm nóng nhất, nhiệt độ tăng 1,9o C so với giai đoạn 1961-1991 và vượt mức kỷ lục năm 2011 (1,8o C). Chính vì vậy OMM cho rằng các nước cần đạt được một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu tại COP21.

Trong năm năm qua, cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến cụ thể trong quyết tâm hành động vì môi trường. Liên hiệp quốc cùng với chương trình vận động ráo riết của Pháp, 195 quốc gia đến dự Hội nghị chống biến đổi khí hậu Paris lần này đã nhất trí về mục tiêu giữ nhiệt độ của trái đất tăng không quá 2°C từ nay tới cuối thế kỷ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2050, năng lượng sạch có thể bảo đảm được đến 70% nhu cầu tiêu thụ của nhân loại thay vì 34% như hiện nay nếu tất cả những quốc gia trên thế giới thực hiện được những gì đã cam kết. Trước những thách thức ngày càng lớn do biến đổi khí hậu, trái đất tiếp tục nóng lên, các chuyên gia cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong tháng 10 vừa qua, vòng đàm phán cuối cùng chuẩn bị cho COP21 được tổ chức tại Bonn (Đức) đã chuẩn bị xong dự thảo thỏa thuận, dài 55 trang. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại sự khác biệt trong quan điểm và thái độ ứng xử, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với vấn đề biến đổi khí hậu giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển trong đó có vấn đề phân chia đóng góp cho "Quỹ Khí hậu xanh 10 tỷ USD," hiện đã huy động được 9,3 tỷ USD, trong đó cam kết gần 1 tỷ USD từ Pháp.

Sự tham dự của 147 nguyên thủ quốc gia, COP21 được kỳ vọng sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận bền vững để các nước chia sẻ trách nhiệm chung chống biến đổi khí hậu, một vấn đề sống còn đối với thế giới. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế thể hiện trách nhiệm và đoàn kết với nước Pháp chống lại những mối đe dọa chung trong đó có chủ nghĩa khủng bố.