Có thể gỡ được "búi tơ vò" chính trường Ucraina?

NDO -

NDĐT- Những tưởng bản thoả thuận vừa đạt được giữa Tổng thống Viktor Yanukovych với các lực lượng đối lập sẽ giúp tình trạng rối ren của đất nước này được lắng dịu, thì chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ qua, khi mà bản thoả thuận được coi là mang tính bước ngoặt này chưa kịp ráo mực đã lập tức bị các bên tham gia đặt bút ký phá vỡ. Một loạt sự kiện khá bất ngờ (dù đã được nhiều nhà phân tích dự liệu ngay sau khi bản thoả thuận được ký) liên tiếp diễn ra khiến chính trường Ucraina như một “mớ tơ rối” không tìm ra nút thắt.

Người biểu tình đã phong toả thủ đô Kiev (ảnh: BBC)
Người biểu tình đã phong toả thủ đô Kiev (ảnh: BBC)

Diễn biến khó lường

Đầu tiên là việc những người biểu tình vẫn tiếp tục biểu tình bên ngoài toà nhà quốc hội khi bản thoả thuận vừa được công bố. Họ bác bỏ điều khoản tổ chức bầu cử tổng thống trước tháng 12-2014, yêu cầu bầu cử sớm. Có khác chăng chỉ là trước đó người biểu tình dùng vũ khí và bạo lực, còn lúc này họ bao vây, phong toả các toà nhà chính phủ và đe doạ sẽ tiếp tục hành động bạo lực nếu Tổng thống Yanykovych không từ chức.

Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Rybak vốn là người ủng hộ Tổng thống Yanukovych xin từ chức với lý do sức khoẻ, lập tức QH nước này chỉ định ngay ông Oleksander Turchynov, đồng minh thân cận của thủ lĩnh đối lập bị giam giữ Yulia Tymoshenko làm Chủ tịch Quốc hội. Và chẳng phải chờ lâu, QH nước này đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua kiến nghị yêu cầu trả tự do ngay cho thủ lĩnh đối lập, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, đồng thời phê chuẩn việc tổ chức bầu cử tổng thống sớm vào ngày 25-5 tới, thông qua một nghị quyết chỉ trích và phế truất ghế Tổng thống của ông Viktor Yanukovych.

Trước các quyết định chóng vánh của QH, Tổng thống Yanukovych tuyên bố ông sẽ không ký bất kỳ đạo luật mới nào được QH Ukraine thông qua, và lên án các quyết định mà QH vừa thông qua là “hành vi lật đổ chính phủ phi pháp”, và “chẳng khác nào các sự kiện chiếm chính phủ của bọn Phát xít tại Đức trong những năm 30 của thế kỷ trước”.

Tổng thống Yanukovich cũng cho biết xe của ông đã bị bắn, may mắn là ông không bị thương. Ông gọi phe đối lập là bọn khủng bố và tuyên bố sẽ không từ chức, đồng thời sẽ tới các khu vực miền nam và miền đông để gặp gỡ người dân, nơi người dân ủng hộ một chính phủ hướng theo không gian Nga. Ông cũng cam kết sẽ tìm mọi cách để chấm dứt tình trạng đổ máu.

Trong khi đó, ngay khi vừa được trả tự do, cựu Thủ tướng “ba chìm bảy nổi” từ cuộc “cách mạng cam” năm 2004 Yulia Tymoshenko đã có bài phát biểu tại quảng trường Độc lập trước hàng vạn người đối lập và kêu gọi họ tiếp tục biểu tình bất chấp QH đã thông qua nghị quyết phế truất Tổng thống Yanukovych. Cựu Thủ tướng Tymoshenko tuyên bố bà sẽ tham gia tranh cử Tổng thống vào ngày 25-5 tới, đồng thời tuyên bố rằng Ukraine sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) “trong tương lai gần và điều này sẽ thay đổi tất cả”.

Có thể gỡ được "búi tơ vò" chính trường Ucraina? ảnh 1

Bà Tymoshenko kêu gọi người biểu tình tiếp tục phản đối. (ảnh: BBC)

Tiếp theo, QH nước này cũng vừa thông báo danh sách ứng viên Thủ tướng mới bao gồm bà Yulia Tymoshenko, và hai thành viên của đảng đối lập Batkyvshchina là Arseniy Yatsenyuk và Pyotr Poroshenko.

Tại thủ đô là vậy, còn tại khu vực phía Đông nước này, một hội nghị các tỉnh trưởng, quan chức cấp tỉnh và nghị sỹ ở Kharkov trong ngày đã thông qua một tuyên bố kêu gọi các nhà chức trách khu vực chịu trách nhiệm hoàn toàn về trật tự hiến pháp trên địa bàn của họ. Đồng thời kêu gọi thành lập các đơn vị tình nguyện để bảo vệ trước lực lượng của người biểu tình ở khu vực miền Tây, cũng như hối thúc các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn của họ duy trì tính trung lập và bảo vệ các kho vũ khí.

Rõ ràng, bản thoả thuận vừa ký được đã hết sức mong manh và ngày càng trở nên vô nghĩa khi mà nhờ bản thoả thuận này, chính phủ Ucraina rơi ngay vào tay các lực lượng đối lập, Tổng thống Yanukovyck phải rời khỏi thủ đô Kiev, tình trạng đất nước vẫn “căng như dây đàn” và có nguy cơ bị chia cắt làm đôi giữa miền Đông thân Nga và miền Tây thân châu Âu.

Tiếp tục trái chiều

Trước các diễn biến “khó lường” tại Ucraina, bên ngoài, các nước phương Tây và Nga cũng tiếp tục lên tiếng trái chiều.

Ngay sau khi cựu Thủ tướng Tymoshenko được trả tự do, Anh, Mỹ, Pháp và EU đã hoan nghênh việc phóng thích này và kêu gọi thiết lập một hệ thống pháp lý độc lập tại Ucraina.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ đánh giá cao việc thả tự do cho bà Tymoshenko và hối thúc Ukraine khẩn trương tiến tới một chính phủ đoàn kết dân tộc có tính sâu rộng và kỹ trị.

Ông Carney nói: “Chúng tôi kiên trì ủng hộ xuống thang bạo lực, thay đổi hiến pháp, thành lập nhanh một chính phủ liên minh, tiến hành cuộc bầu cử sớm, và các tiến triển trong ngày hôm nay có thể đưa chúng ta tới gần mục tiêu này hơn”.

Còn Đức, nước đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc ký kết bản thoả thuận ngày 22-2 lên tiếng hối thúc các đảng phái ở Ukraine hành động dựa trên lợi ích đoàn kết dân tộc, đồng thời đánh giá cao vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán ngoại giao ở Ucraina, nhấn mạnh rằng phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia đàm phán một cách rất xây dựng ở Kiev.

Từ Berlin, Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, các bên liên quan phải ý thức trách nhiệm vì tương lai và sự thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina. Đường hướng của mọi quyết định chính trị phải là duy trì toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước Ucraina. "Trật tự hiến pháp hiện hành là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các quyết sách chính trị", ngoại trưởng Đức nhấn mạnh. Ucraina cần nhanh chóng thành lập một chính phủ lâm thời có khả năng vận hành để đảm bảo trật tự trên cả nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã có cuộc điện đàm về tình hình Ucraina. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng thỏa thuận hòa bình được ký ở Ucraina “đã bị sự bất lực hoặc thiếu tôn trọng của các lực lượng đối lập làm giảm giá trị nghiêm trọng”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Các nhóm cực đoan bất hợp pháp đang từ chối hạ vũ khí và thực tế các nhóm này đang giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev cùng với sự đồng lõa của các thủ lĩnh phe đối lập”.

Thực tế, tình trạng hỗn loạn và nội chiến ở quốc gia láng giềng trực tiếp như Ucraina không phải là điều Moscow mong muốn. Nếu đất nước Ucraine đổ vỡ và hỗn loạn, Nga sẽ là nước đầu tiên phải chịu hậu nặng nề bởi đất nước này vốn nằm trong chiến lược lợi ích kinh tế của Nga từ nhiều năm nay.

Tuy vậy, Nga cũng hết sức tỉnh táo khi công bố rằng sẽ quyết định gói cứu trợ tài chính 2 tỷ USD trong khoản 15 tỷ USD cho Ucraina một khi chính phủ mới được thành lập và hoạt động.

Phát biểu bên lề Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20 đang diễn ra tại Sydney, Australia, Bộ trưởng Tài chính Nga Anto Siluanov nói với báo giới rằng: “Thực tế là chúng tôi đã đàm phán mua lại trái phiếu trị giá 2 tỷ USD từ Ucraina vào tuần trước, nhưng tình hình chính trị Ucraina hiện nay đang thay đổi bất ngờ, và chúng tôi phải biết rõ được chúng tôi sẽ làm việc cùng với chính phủ nào. Do đó, cho tới khi một nội các mới được thành lập và phải hiểu rõ được các chính sách của chính phủ mới rồi chúng tôi mới có thể đưa ra quyết định”.

Phần Lan có thể là mô hình?

Có thể thấy, việc tìm ra một giải pháp tức thời cho tình hình ở Ucraina hiện nay đang rất khó khăn bởi tính phức tạp của các phe phái trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải là không thể có một giải pháp hợp lý nào cho cuộc khủng hoảng này. Trả lời trên nhật báo DW của Đức và tờ Thời báo Tài chính của Anh, GS quan hệ quốc tế đại học John Hopkin, Mỹ và là cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Jimmy Carter Zbigniew Brzezinski cho rằng, mô hình Phần Lan hiện nay là một ví dụ lý tưởng đối với việc giải quyết khủng hoảng và ổn định lâu dài ở Ucraina.

Có thể gỡ được "búi tơ vò" chính trường Ucraina? ảnh 2

GS. Brzenziski (ảnh: DW)

Theo ông Brzezinski, Phần Lan đã triển khai chính sách đối ngoại quốc gia láng giềng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác kinh tế nhiều mặt với cả Nga và EU, đồng thời không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào mà dưới quan điểm của Moscow là nhắm trực tiếp vào họ. Trong khi đó cũng luôn mở rộng sự kết nối nhiều mặt với châu Âu.

Nhưng rõ ràng, để có được mô hình phát triển này, thì ngay lúc này cuộc khủng hoảng sắp rơi vào tình trạng “nồi da nấu thịt” kia phải được giải quyết triệt để, các bên liên quan phải tìm được tiếng nói chung dựa trên lợi ích dân tộc và tôn trọng chủ quyền của một quốc gia có chủ quyền. Bởi có điều trị được “chân rễ của ung nhọt” thì mới có thể tính chuyện nuôi dưỡng và phát triển ổn định lâu dài.