Cơ chế giải quyết chung có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề về tài chính - ngân hàng của EU

NDO -

NDĐT - Tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) ở Bruxelles (Bỉ) từ ngày 20 đến ngày 21-3, các nước thành viên khối này đã ký thỏa thuận về trụ cột thứ hai, đó là Cơ chế giải quyết chung (SRM), để tiến tới thành lập một liên minh ngân hàng. Đây là quyết định quan trọng, song liệu có thể giúp các nước EU quản lý triệt để, hiệu quả những vấn đề nảy sinh hay tác động của các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng?

Cơ chế giải quyết chung có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề về tài chính - ngân hàng của EU

Thỏa thuận SRM - bước đột phá tiếp theo của EU

Việc các nước EU nhất trí về SRM được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ủng hộ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng khẳng định, đây là quyết định và bước tiến quan trọng nữa để tiến tới thành lập liên minh ngân hàng của EU.

Ông Michel Barnier - Ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa - nhấn mạnh, việc thành lập liên minh ngân hàng là “cuộc cách mạng thực sự” đối với lĩnh vực ngân hàng EU - bước cải tổ quan trọng đối với khối này kể từ khi cho ra đời đồng tiền chung châu Âu. Ông cũng cho rằng, SRM sẽ cho phép các nước EU quản lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng về ngân hàng - tài chính nếu xảy ra, đồng thời giảm nguy cơ phải huy động các nguồn lực của người dân trong khối, trong đó có thuế. SRM sẽ giúp thực thi tốt hơn việc quản lý, đưa ra giải pháp tối ưu để có thể đề phòng rủi ro và tránh được các cuộc khủng hoảng ngân hàng - tài chính.

SRM với nguồn huy động không nhỏ

Các nước EU thoả thuận, SRM có nguồn ngân sách huy động khoảng 55 tỷ euro, do các ngân hàng trong EU đóng góp. SRM sẽ chính thức hoạt động vào năm 2016, với lộ trình tám năm để vận hành toàn diện. Khoảng 40% ngân sách sẽ được triển khai ngay trong năm đầu tiên. Tiếp đó, trong trường hợp không đủ năng lực tài chính, SRM sẽ áp dụng các khoản vay trên thị trường chung, nhưng không được tiếp cận Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM - Quỹ cứu trợ dành cho các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

SRM với nhiều hy vọng…

Theo một số chuyên gia kinh tế - tài chính EU, thỏa thuận về SRM là quyết định quan trọng, song liệu có thể giúp các nước trong khối này quản lý hiệu quả những vấn đề nảy sinh hay tác động của các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính và giảm đáng kể nguy cơ phải huy động nguồn lực từ những người nộp thuế khi xảy ra khủng hoảng về ngân hàng? SRM là trụ cột thứ hai mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra với hy vọng có thể quản lý hiệu quả các ngân hàng trong EU bị phá sản.

Trước đó, Cơ chế giám sát chung (SSM) cũng đã được lập ra tháng 10 năm ngoái, do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đảm trách, giúp giám sát các ngân hàng trong EU, nhất là những ngân hàng có nguy cơ bị vỡ nợ, và các tổ chức tín dụng khác, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở các nước Eurozone. SSM có hiệu lực từ tháng 11-2014.

Hơn năm năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, nhiều ngân hàng trong EU vẫn đang gặp khó khăn, tác động lớn tới sự phục hồi không chắc chắn của các nước trong khối này. EU đã và đang nỗ lực để nhanh chóng hoàn thành những bước đi nhằm tiến tới thành lập một liên minh ngân hàng, giúp kiểm soát các ngân hàng trong khu vực cũng như tìm ra giải pháp chung cho các vấn đề tồn tại và nảy sinh trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Cho tới thời điểm này, EU đã hoàn thành được hai bước đi quan trọng, đó là thỏa thuận về SSM và SRM. Tuy nhiên, trụ cột thứ ba trong kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng là thiết lập Cơ quan có quyền tái cơ cấu hay đóng cửa các ngân hàng (BRRD) vẫn đang gặp khó khăn do sự bất đồng giữa các nước thành viên EU. Việc thành lập BRRD đang được tiến hành đàm phán với Nghị viện châu Âu.

… Và còn đó những hoài nghi

Nước Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU - vẫn hoài nghi về tính tương thích của các cơ chế mới đối với các hiệp định hiện hành của EU. Bởi lẽ, là trụ cột về kinh tế của EU, nước Đức có những đóng góp chủ yếu trong các chương trình cứu trợ và phát triển. Nếu thực hiện theo cơ chế mới, các ngân hàng của Đức sẽ lại phải đóng góp cho các quỹ dành cho việc giải thể hoặc cứu trợ ngân hàng ở các nước có nền kinh tế kém hơn trong Eurozone. Đây là điều mà nước Đức hoàn toàn không ủng hộ.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo EU và Đức đang nỗ lực tìm ra điểm thống nhất để có thể tiến tới hoàn thành trụ cột cuối cùng trong việc thành lập một liên minh ngân hàng thực chất, hiệu quả nhằm giải quyết tận gốc những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng, khủng hoảng nợ trong EU.