Chính trường Ucraina: cần lắm “trái tim nóng, và cái đầu lạnh”

NDO -

NDĐT - Bất chấp việc chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovyck ban bố lệnh ân xá những người biểu tình chống chính phủ, trong ngày hôm qua, ít nhất 25 người chết, trong đó có bảy cảnh sát khi các cuộc biểu tình biến thành bạo lực, nhấn chìm cả thủ đô Kiev trong “ngày thứ ba đẫm máu”.

Thủ đô Kiev tối 18-2 đã biến thành "chảo lửa" (ảnh: Reuters)
Thủ đô Kiev tối 18-2 đã biến thành "chảo lửa" (ảnh: Reuters)

Kéo dài gần bốn tháng qua, cuộc giằng co giữa chính phủ của Tổng thống Yanukovyck và phe đối lập vẫn không thể tìm ra được hồi kết. Nói cách khác, bài toán đối đầu giữa Nga với EU và Mỹ tại khu vực vùng đệm Đông-Tây vẫn không thể tìm ra lời giải.

Làn sóng bạo lực leo thang tại Kiev trong ngày thứ ba đẫm máu đã buộc Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phải lên tiếng kêu gọi chính phủ và phe đối lập phải kiềm chế, cũng như cần có cuộc “đối thoại thẳng thắn”. Song, lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế có giá trị hay không khi mà các bên liên quan vẫn giữ một “cái đầu nóng” để xử lý tình trạng hiện tại?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Yelena Lukask đã cáo buộc các thủ lĩnh đối lập đã gây ra tình trạng bất ổn ngày càng tồi tệ hơn, và tuyên bố sẽ quy trách nhiệm cá nhân trong các vụ bạo lực này.

Ngay trong khi quốc hội Ucraina họp phiên toàn thể thảo luận kế hoạch cải cách Hiến pháp, thì bên ngoài tòa nhà quốc hội, các cuộc mít-tinh, biểu tình của những người ủng hộ và phản đối chính phủ vẫn diễn ra rầm rộ, thậm chí cảnh sát đã phải sử dụng tới các biện pháp mạnh để trấn áp sự quá khích của những người biểu tình. Ngay cả trong phiên họp quốc hội, những nghị sĩ đối lập cũng phong tỏa diễn đàn nhằm phản đối việc các nghị sĩ ủng hộ chính phủ bác bỏ ký kết một dự luật sửa đổi hiến pháp.

Nội bộ là thế, còn bên ngoài, Nga và các nước phương Tây cũng không ngừng “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau.

Hồi đầu tháng, trên mạng Youtube xuất hiện một đoạn hội thoại về khủng hoảng tại Ucraine giữa trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ tại Ucraina Geoffrey Pyatt. Trong đoạn ghi âm dài hơn 4 phút, các quan chức ngoại giao Mỹ đã nói xấu đồng minh EU và trao đổi thẳng thắn về chiến lược của Mỹ trong cách làm việc cùng các lãnh đạo phe đối lập tại Ucraina. Ngay lập tức, Mỹ đã lên án rằng Nga đứng sau việc do thám và tung đoạn băng ghi âm này lên YouTube. Chỉ hai ngày sau, một đoạn băng ghi âm giữa hai quan chức EU nói về những bất đồng với Mỹ trong vấn đề Ucraina lại được tung lên mạng.

Hiện không rõ ai đứng đằng sau vụ việc này, nhưng điều đó cũng đủ cho thấy, các nước bên ngoài đang can thiệp ngày càng sâu vào chính trường Ucraina.

Sau “ngày thứ ba đẫm máu” và “gây sốc” với cộng đồng quốc tế như lời của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vào tối qua, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Những gì đang xảy ra là kết quả trực tiếp của một chính sách đồng lõa của một bộ phận các chính trị gia phương Tây và các cơ quan châu Âu, từ lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng, cố tình làm ngơ trước các hành động hiếu chiến của các lực lượng cực đoan tại Ucraina, và sau đó khuyến khích các hành động leo thang, khiêu khích của các lực lượng này trong mối quan hệ với chính phủ hợp pháp”.

Còn về phía Mỹ, Nhà Trắng nói rằng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Tổng thống Yanukovych nên ra lệnh cho các lực lượng của chính phủ đang “càn quét” nơi cắm trại của những người biểu tình rút lui và kềm chế tối đa, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị vốn đang biến thành bạo động đẫm máu ở Ukraine.

Trả lời trên kênh truyền hình CNN, Đại sứ Mỹ tại Ucraina Geoffrey Pyatt nói rằng “Mỹ muốn thấy các lực lượng chính trị rời khỏi đường phố, trở lại các thể chế dân chủ của Ucraina”. Đồng thời “cuộc khủng hoảng của Ucraina chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng những người thổi bùng ngọn lửa bạo lực sẽ phải đón nhận các biện pháp trừng phạt”.

Còn người phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton thì bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về sự "leo thang nghiêm trọng mới" ở Kiev và lên án "mọi hình thức sử dụng bạo lực nhắm và những tòa nhà của cả chính phủ hay các đảng phái”, cũng như kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của Ucraina "giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng”.

Dẫu biết rằng để giải quyết bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, việc tìm ra được nguyên nhân gốc rễ là chìa khóa quan trọng để tìm ra được cách thức giải quyết, song điều quan trọng hơn là ý chí của mỗi bên liên quan, liệu họ có đủ “một trái tim nóng, và một cái đầu lạnh” để cùng nhau ngồi lại bàn đàm phán và tìm ra cách thức xoa dịu bất đồng, hướng tới lợi ích chung của người dân hay không? Câu chuyện chính trường Ucraina gần bốn tháng qua chứa đựng quá nhiều toan tính lợi ích của trong nước và các lực lượng bên ngoài, và cái kết của câu chuyện này sẽ không thể có hậu nếu những lời kêu gọi đối thoại, đàm phán kia chỉ mang màu trách nhiệm suông.