Cần một cam kết rõ ràng hơn

Thủ tướng I-rắc H.A-ba-đi vừa có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ kể từ khi nhậm chức tháng 9 năm ngoái. Diễn ra trong lúc I-rắc đang huy động lực lượng để giành lại các vùng lãnh thổ từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chuyến thăm của Thủ tướng H.A-ba-đi nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn từ Mỹ. Dù khẳng định là "một đối tác mạnh", song sự ủng hộ của Oa-sinh-tơn dành cho Bát-đa vẫn đầy toan tính.

Sau những sóng gió trong mối quan hệ giữa chính quyền B.Ô-ba-ma với người tiền nhiệm N.Ma-li-ki, Thủ tướng H.A-ba-đi được cho là người đã ít nhiều làm hài lòng Oa-sinh-tơn trong cách điều hành đất nước. Ông H.A-ba-đi đã phần nào làm giảm hố sâu hận thù giữa người Hồi giáo dòng Si-ít với người Xun-nít ở I-rắc. Chính phủ mới ở I-rắc đã tập trung được lực lượng đến từ các sắc tộc, tôn giáo để tạo thành một mặt trận chống khủng bố nhằm cứu đất nước khỏi bờ vực tan vỡ. Ðược sự ủng hộ của phương Tây trong các chiến dịch không kích, các lực lượng I-rắc đã giành thắng lợi nhất định trên mặt trận chống IS. Bởi thế, chuyến thăm này được cho là phép thử lòng tin của Mỹ đối với chính phủ của Thủ tướng H.A-ba-đi.

Chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-rắc xoay quanh cuộc chiến chống IS. Mặc dù ông H.A-ba-đi không đưa ra đề nghị chi tiết, song Mỹ thừa hiểu mục đích chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ I-rắc là tìm cách thuyết phục chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma cung cấp thêm cho Bát-đa cả về không lực và vũ khí mới trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, là người đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến của Mỹ kéo dài gần 10 năm ở I-rắc, Tổng thống B.Ô-ba-ma không bao giờ muốn nước Mỹ sa lầy một cuộc chiến khác. Dù cam kết tiếp tục ủng hộ I-rắc huấn luyện và trang bị khí tài trong cuộc chiến chống IS, song ông B.Ô-ba-ma đã né tránh đề cập các loại vũ khí mà I-rắc đang rất cần như máy bay lên thẳng, máy bay không người lái, mà chỉ đề cập khoản viện trợ nhân đạo trị giá 200 triệu USD giúp I-rắc tái thiết những khu vực dân sự bị tàn phá. Trong khi đó, điều mà chính quyền Mỹ thật sự muốn hiện nay là người I-rắc phải tự giải quyết các vấn đề của chính mình. Chính quyền B.Ô-ba-ma tiếp tục hối thúc nhà lãnh đạo I-rắc giữ vững những cam kết hòa giải dân tộc bởi lo ngại sự chia rẽ sắc tộc sẽ chỉ chuốc thêm hận thù và làm gia tăng nguy cơ khủng bố.

Trước những cam kết vừa phải từ Oa-sinh-tơn, Thủ tướng I-rắc H.A-ba-đi thừa nhận dù Mỹ đã gia tăng hỗ trợ, song Bát-đa vẫn muốn "nhiều hơn nữa", nhất là trong bối cảnh các lực lượng I-rắc đang nỗ lực giành lại nhiều phần lãnh thổ từ tay IS. Thực tế, trong tám tháng qua, liên quân do Mỹ đứng đầu đã thực hiện hơn 1.900 vụ không kích và giúp quân đội I-rắc giành lại quyền kiểm soát khoảng từ 25 đến 30% khu dân cư bị IS chiếm đóng, trong đó có các thành phố quan trọng như Mô-xun, Ti-crít... Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, từ mùa thu năm ngoái, chính quyền Ô-ba-ma đã cung cấp cho Chính phủ I-rắc 100 triệu băng đạn, 62 nghìn hệ thống vũ khí hạng nhẹ, 1.700 tên lửa Hellfire và sáu xe tăng M1A1. Oa-sinh-tơn đang lên kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Bát-đa cùng với 30 phi công I-rắc được đào tạo tại Mỹ. Khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ đã trở lại I-rắc để hỗ trợ đào tạo và cố vấn.

Chuyến công du của Thủ tướng I-rắc H.A-ba-đi được cho là nhằm xúc tiến các thương vụ mua máy bay không người lái và trang, thiết bị vũ khí trị giá hàng tỷ USD để chống IS. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, đây cũng là cơ hội để Mỹ củng cố vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống IS cũng như kiềm chế sự ảnh hưởng của I-ran trong khu vực, khi những diễn biến gần đây cho thấy sự giúp đỡ quan trọng của Tê-hê-ran đã giúp I-rắc đánh bại IS ở Ti-crít. Tại cuộc gặp Thủ tướng I-rắc H.A-ba-đi, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã "nhắc nhở" ông H.A-ba-đi phải tăng cường sự kiểm soát của chính phủ I-rắc đối với các chiến binh nước ngoài, với ý ám chỉ lực lượng I-ran, đồng thời nhấn mạnh các nhóm chiến binh này phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ I-rắc. Chính phủ Mỹ hiện đối mặt những chỉ trích trong nước và quốc tế về sự lúng túng của Oa-sinh-tơn trong cuộc chiến chống IS. Các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc Tổng thống B.Ô-ba-ma quá thận trọng nên đã tạo điều kiện cho I-ran hỗ trợ I-rắc.

Sau khi rút 4.500 binh sĩ khỏi I-rắc trong cuộc chiến kéo dài gần chục năm, Mỹ chưa có ý định tái triển khai sức mạnh quân sự ở quốc gia vùng Vịnh trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực này đang diễn ra dữ dội và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể làm ngơ trước những diễn biến phức tạp của cuộc chiến chống IS ở khu vực Trung Ðông. Ðồng thời, cường quốc số một thế giới không thể để tuột vai trò hàng đầu ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược này. Bởi thế, trước sự ủng hộ chưa thật sự quyết liệt của Mỹ đối với I-rắc, chuyến công du Mỹ của Thủ tướng I-rắc một lần nữa nhắc nhở Oa-sinh-tơn cần có một chiến lược rõ ràng hơn khi cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn khó khăn và khốc liệt.