Cách mạng Bolivar vững vàng tiến về phía trước

NDO -

NDĐT - Năm 2013, đất nước Venezuela chứng kiến nhiều biến đổi to lớn. Sau khi Tổng thống Chavez qua đời, rất nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về tương lai của cuộc cách mạng Bolivar, về khả năng của người kế nhiệm là Tổng thống Nicolas Maduro trong việc kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng mà Tổng thống Chavez đã gây dựng trong suốt 15 năm. Tuy nhiên, với những gì mà chính phủ của Tổng thống Maduro đã thực hiện trong gần một năm qua, cùng những di sản mà Tổng thống Hugo Chavez để lại, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào sự tiến lên vững chắc của cuộc cách mạng này.

Với đường lối lãnh đạo đất nước của Chính phủ Venezuela dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, cách mạng Bolivar sẽ tiếp tục vững bước và đạt được nhiều thành tựu mới. (Ảnh: Venezuelaanalysis)
Với đường lối lãnh đạo đất nước của Chính phủ Venezuela dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, cách mạng Bolivar sẽ tiếp tục vững bước và đạt được nhiều thành tựu mới. (Ảnh: Venezuelaanalysis)

Ổn định trong nước

Nhiệm kỳ của Tổng thống Tổng thống Maduro bắt đầu giữa lúc sự phản đối, cáo buộc gian lận bầu cử và những cuộc biểu tình do phe đối lập phát động nhằm bác bỏ kết quả bầu cử. Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, lạm phát tăng cao và thị trường tiền tệ bị lũng đoạn. Chính phủ của Tổng thống Maduro cáo buộc phe đối lập đã phát động “cuộc chiến kinh tế” trong đó bao gồm cả các hoạt động phá hoại hệ thống điện và các cơ sở dầu khí, gây ra sự khan hiếm các mặt hàng thiết yếu và đẩy giá cả tăng cao, đây là một chiến lược của phe đối lập nhằm làm suy yếu chính phủ về phương diện kinh tế để gây ra tình trạng bất ổn và làm mất uy tín của chính phủ.

Bất chấp những khó khăn từ trong và ngoài nước, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Maduro đã bắt tay vào thực hiện những cam kết khi tranh cử và thực hiện một loạt biện pháp nhằm ổn định tình hình đất nước. Một sáng kiến quan trọng của ông trong khi vận động tranh cử là thực hiện chương trình “Chính phủ đường phố”.

Bắt đầu tại bang Zulia vào cuối tháng 4, chương trình “Chính phủ đường phố” là một cách làm mới của chính quyền Tổng thống Maduro để kết nối người đứng đầu đất nước với nhân dân. Theo chương trình này, Tổng thống Maduro và nội các sẽ đến tận nơi, tiếp xúc trực tiếp với các cá nhân, tổ chức và các quan chức địa phương để lắng nghe và nắm bắt những khó khăn và nguyện vọng của họ. Thông qua đó, Tổng thống và nội các sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp giải quyết ngay lập tức đối với các chương trình cấp bách hoặc lên phương án giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Giai đoạn đầu tiên của sáng kiến này đã kết thúc vào hôm 24-7 tại bang Monagas với 2.450 dự án được thông qua sau hơn 2.000 cuộc họp với người dân và các hoạt động khác được tổ chức trên toàn quốc.

Ngày 28-7, Tổng thống Maduro tiếp tục phát động giai đoạn hai của chương trình “Chính phủ đường phố” với 11 nhiệm vụ chính. Một trong những mục tiêu hàng đầu của giai đoạn này là xây dựng “chính phủ của nhân dân”, thu hút sự tham gia của người dân vào các công việc chung của đất nước. Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng yêu cầu chính phủ thực hiện ngay lập tức toàn bộ 2.450 dự án đã được thông qua trong suốt giai đoạn đầu tiên của “Chính phủ đường phố”. Những mục tiêu khác chú trọng vào việc tăng cường nguồn cung các sản phẩm thiết yếu và kiểm soát tỷ giá hối đoái để chống lại lạm phát; tái khởi động và tăng cường các sứ mệnh xã hội và đại sứ mệnh; phát hiện và truy tố các vụ tham nhũng; ổn định hệ thống điện của đất nước thông qua việc chống lại các hoạt động phá hoại ngầm và sử dụng nguồn điện hợp lý và hiệu quả hơn với sự hỗ trợ của nhân dân. Tổng thống Maduro cũng kêu gọi tiến hành cuộc cách mạng về văn hóa và truyền thông; củng cố lực lượng quân đội, tăng cường kế hoạch An ninh tổ quốc; đoàn kết sức mạnh chính trị và xã hội của cuộc cách mạng Bolivar trên phạm vi quốc tế thông qua các khối như Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).

Để đối phó lại tình trạng bất ổn của nền kinh tế, Tổng thống Maduro đã thực thi nhiều biện pháp như nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu, đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích và ngăn chặn nguồn ngoại tệ chảy vào thị trường đen gây ra tình trạng khan hiếm ngoại tệ như cho đấu giá ngoại tệ thông qua hệ thống Hệ thống quản lý ngoại tệ bổ sung (SICAD), thiết lập tỷ giá hối đoái mới áp dụng cho khách du lịch,... Ngày 6-11-2013, Chính phủ Venezuela đã phát động một cuộc tấn công kinh tế, triển khai chiến dịch thanh tra các cơ sở kinh doanh trên toàn quốc chống lại nạn đầu cơ, tích trữ,…

Có thể nói, trong năm đầu tiên cầm quyền, ấn tượng mạnh mẽ nhất trong đường lối lãnh đạo đất nước của Tổng thống Maduro chính là chương trình “Chính phủ đường phố” và cuộc chiến kinh tế mà chính phủ của ông phát động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, ổn định kinh tế từ đó ổn định tình hình chính trị trong nước. Đường lối lãnh đạo ấy đã nhận được sự ủng hộ của cả người dân trong nước cũng như chính quyền.

Các cuộc khảo sát của Công ty tư vấn quốc tế (ICS) và công ty Hinterlaces trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Maduro cho thấy, có tới hơn 60% số người được hỏi đánh giá tích cực về chính quyền của Tổng thống Maduro cũng như chương trình “Chính phủ đường phố” mà ông đang thực hiện. Trong khi đó, để hỗ trợ cho Tổng thống Maduro thực hiện ngay lập tức các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn về kinh tế và triệt phá nạn tham nhũng, Quốc hội Venezuela đã thông qua Đạo luật trao quyền vào ngày 19-11, cho phép Tổng thống Maduro có thể điều hành đất nước trực tiếp bằng các sắc lệnh trong vòng 12 tháng mà không cần phải đệ trình trước Quốc hội. Không lâu sau đó, Quốc hội Venezuela tiếp tục thông qua Kế hoạch Tổ quốc 2013-2019 vào ngày 3-12, đây là chương trình phát triển đất nước do Tổng thống Chavez đưa ra vào năm 2012 và được Tổng thống Maduro kế thừa, định hướng sự phát triển của Venezuela trong vòng sáu năm tới.

Tích cực hội nhập

Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử về chính sách đối ngoại của Venezuela dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro hôm 9-12, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Venezuela tại Việt Nam Jorge Rondon Uzcategui cho biết, Tổng thống Maduro cam kết theo đuổi kế hoạch của cố Tổng thống Hugo Chavez, theo kế hoạch này, chú trọng trước tiên trong chính sách đối ngoại của Venezuela là khu vực Mỹ Latinh, những đề xuất chính của chính phủ trong chính sách đối với khu vực Mỹ Latinh là tăng cường mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh để thông qua đó tăng cường hợp tác trong khu vực. Trọng tâm thứ hai của Venezuela là thực hiện đường lối đối ngoại nhằm bảo vệ sự thống nhất, độc lập, chủ quyền của Venezuela, bảo vệ cách mạng Bolivar trước sự chống phá từ bên ngoài. Trọng tâm thứ ba là tăng cường hợp tác với các quốc gia đang phát triển đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, theo đó Venezuela sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác với các quốc gia châu Phi, các quốc gia châu Á, đặc biệt có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Với những ưu tiên chiến lược, tháng 5-2013, Tổng thống Maduro đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tới ba quốc gia Mỹ Latinh gồm Uruguay, Argentina và Brazil nhằm củng cố mối quan hệ với các nước thành viên Khối thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR) và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Một tháng sau đó, Tổng thống Maduro đã thực hiện chuyến thăm đến châu Âu đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tới các quốc gia Bồ Đào Nha, Italy và Pháp. Tổng thống Maduro cũng thực hiện các chuyến thăm đến Trung Quốc, Cuba, chính phủ của ông cũng thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, với các quốc gia như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,…

Trong những tháng đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Maduro đã thực hiện một lịch trình ngoại giao khá tích cực. Hầu hết những thỏa thuận mà Venezuela đã ký kết với các quốc gia đều ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, năng lượng (dầu khí và điện lực), công nghệ, cơ sở hạ tầng, y tế, du lịch, lương thực và xây dựng nhà ở,… những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và tăng cường an sinh xã hội cho người dân Venezuela. Bản thân Tổng thống Maduro cũng đã nhận định, các chuyến công du nước ngoài của ông như là một “sự nối dài” của chương trình “Chính phủ đường phố”, đặc biệt là trong việc cung cấp lương thực và xây dựng nhà ở.

Cách mạng Bolivar vững vàng tiến về phía trước ảnh 1Trả lời câu hỏi của PV NDĐT hôm 9-12 về chính sách của Venezuela trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui cho biết:

Từ thời Tổng thống Hugo Chavez, Venezuela đã xây dựng và tăng cường mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam. Chúng tôi xem Việt Nam là một đối tác “ăn ý” không chỉ trong khu vực châu Á mà còn trên trường quốc tế. Hai nước đã phát triển mối quan hệ hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như dầu khí, nông nghiệp, điện lực và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Dưới thời Tổng thống Maduro, Venezuela mong muốn ngày càng có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam. Tổng thống Maduro có kế hoạch sẽ sang thăm Việt Nam vào năm tới và chúng tôi cũng hy vọng sẽ có đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm Venezuela. Khi đó chúng ta sẽ có cơ hội để thảo luận về những biện pháp tốt hơn để tăng cường quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí.

Năm 2014 là một dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Venezuela, với Venezuela đây là một sự kiện rất quan trọng, chúng tôi có kế hoạch tổ chức một số hoạt động để vinh danh mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Venezuela như: tổ chức tuần Văn hóa Venezuela tại Hà Nội, cử đoàn nghệ thuật trình diễn tại Festival Huế và một số hoạt động giao lưu văn hóa khác.

(Nguồn ảnh: Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam)

Bên cạnh việc tăng cường quan hệ song phương, Venezuela cũng thể hiện vai trò tích cực trong các tổ chức khu vực và đề xuất nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia thành viên. Dưới thời Tổng thống Maduro, Venezuela đã tích cực tham gia vào các hội nghị của Tổ chức Hợp tác Năng lượng vùng Caribbe (PETROCARIBE), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) và tiếp quản chức chủ tịch Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Đáng chú ý, tại Hội nghị cấp cao bất thường lần hai giữa ALBA và PETROCARIBE diễn ra tại Thủ đô Caracas, Venezuela ngày 17-12, các nhà lãnh đạo tham dự đã nhất trí thông qua hai sáng kiến do Tổng thống Maduro đề xuất bao gồm: thành lập khối kinh tế chung mở rộng ALBA-PETROCARIBE và thành lập Trường đại học Y khoa Mỹ Latinh.

Khối kinh tế chung mở rộng ALBA-PETROCARIBE được đề xuất bởi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trước các nhà lãnh đạo thuộc ALBA hồi tháng 7-2013, nhằm tăng trao đổi thương mại giữa các nước thành viên, thúc đẩy đầu tư hiệu quả để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp và phát triển khoa học cũng như các biện pháp trao đổi tiền tệ mới sử dụng các đồng tiền trong nước và các hệ thống tiền tệ khác như đồng tiền khu vực SUCRE. Cũng tại hội nghị, Tổng thống Maduro đã đề xuất thành lập khu kinh tế chung mở rộng với MERCOSUR để tiến tới việc tạo ra khu kinh tế chung MERCOSUR-PETROCARIBE-ALBA.

Vững vàng tiến bước

Cuộc cách mạng Bolivar do Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Venezuela. Sau khi Tổng thống Chavez qua đời, các thế lực thù địch xem đó là “thời cơ vàng” để tiến hành cuộc chiến trên mọi phương diện nhằm gây bất ổn tình hình trong nước dần tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) đối với đất nước Venezuela. Tuy nhiên, cùng với sự ủng hộ của người dân, chính phủ của Tổng thống Maduro đã từng bước vượt qua khó khăn, phá tan những hoài nghi về khả năng của chính phủ Venezuela trong việc kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng Bolivar mà Tổng tư lệnh Hugo Chavez đã gây dựng.

Dưới thời Tổng thống Maduro, đã có lúc tỷ lệ lạm phát hằng tháng của Venezuela đột ngột tăng 6,1% trong tháng 5-2103 và Venezuela đã phải trải qua giai đoạn khan hiếm những mặt hàng thiết yếu tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Việc cần đến các sắc quyền để quản lý và giải quyết những vấn đề kinh tế đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng Venezuela đang phải đối mặt với những vấn đề trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Venezuela không đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ công hay thậm chí là sụp đổ nền kinh tế như giới truyền thông phương Tây và một số chuyên gia kinh tế thân Mỹ ra sức tuyên truyền. Trong một bài viết đăng tải trên tờ Guardian hôm 7-11-2013, chuyên gia kinh tế Mỹ Mark Weisbrot, người đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu và chính sách kinh tế (CEPR) – một nhóm think tank có trụ sở tại Mỹ, đã chứng minh cho nhận định này.

Ông Weisbrot viện dẫn, trong năm 2012, xuất khẩu dầu của Venezuela mang về cho quốc gia này 94 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu (ở mức cao lịch sử) chỉ ở mức 59,3 tỷ USD. Hiện nay, có khoảng 22 tỷ USD dự trữ tại Ngân hàng Trung ương Venezuela, thặng dư ngân sách của Venezuela hiện ở khoảng 2,9% GDP. Trong một bản báo cáo được đưa ra hôm 30-10, Ngân hàng đa quốc gia của Mỹ, Wells Fargo đã tuyên bố Venezuela là một trong những nền kinh tế mới nổi được bảo vệ tốt nhất khỏi khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi đó các nhà phân tích của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch hồi đầu tháng 10-2013 đã khuyến cáo các nhà đầu tư nên mua trái phiếu của Chính phủ Venezuela.

Chuyên gia kinh tế Weisbrot nhận định, Chính phủ Venezuela đang đi đúng hướng trong lĩnh vực kinh tế và trong tương lai “nhiều khả năng Venezuela sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc, giảm nghèo đói và tăng việc làm cũng như giảm lạm phát”. Thực tế, trong năm 2013, bất chấp cuộc chiến kinh tế do phe đối lập phát động, nền kinh tế Venezuela vẫn tăng trưởng ở mức 1,6% - theo công bố mới nhất của Tổng thống Maduro trong cuộc họp báo tại điện Miraflores hôm 30-12. Tỷ lệ lạm phát hằng năm của Venezuela trong năm 2013 ở mức 56,2%, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát hằng tháng đã giảm dần từ mức 5,1% trong tháng 10 xuống còn 4,8% trong tháng 11 và 2,2% trong tháng 12.

Về phương diện xã hội, trong năm 2013, bất chấp những khó khăn về kinh tế, Chính phủ Venezuela vẫn thực hiện các sứ mệnh xã hội và đại sứ mệnh được phát động từ thời Tổng thống Chavez. Kể từ năm 2011, khi Tổng tư lệnh Chavez phát động Đại sứ mệnh nhà ở, cho đến nay, 503.077 hộ gia đình đã nhận được nhà ở trên toàn quốc, ba triệu người đã được sống trong những ngôi nhà mới, trong khi 33 nghìn người tị nạn đã dược ưu tiên nhận nhà.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013, mạng lưới chợ lương thực-thực phẩm (MERCAL) của Chính phủ Venezuela đã phân phối tất cả 352.246 tấn lương thực. Mỗi tháng MERCAL phân phối khoảng 110 nghìn tấn sản phẩm trợ cấp và gần 30 nghìn tấn lương thực không trợ cấp. Theo Chính phủ Venezuela, hiện nước này có thể đáp ứng 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân. Đặc biệt, trong năm 2013, Venezuela đã được FAO công nhận là một trong 18 quốc gia hoàn thành trước thời hạn hai mục tiêu là giảm một nửa số người đói và thiếu ăn trước năm 2015.

Về tình hình an ninh trật tự, Chính phủ Venezuela cho biết, tỷ lệ vụ án giết người đã giảm khoảng một phần tư trong năm 2013, từ 52 người/100 nghìn người trong năm ngoái xuống còn 39 người/100 nghìn người tính đến gần cuối năm 2013. Tỷ lệ số vụ bắt cóc tống tiền cũng giảm 51% trong năm nay.

Trong suốt 15 năm qua của cuộc cách mạng Bolivar, đất nước Venezuela đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố. Đã có những lúc nền kinh tế tăng trưởng âm (giai đoạn 2009-2010, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu). Tuy nhiên, với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Tổng thống Hugo Chavez, cùng sự ủng hộ, đồng lòng của toàn dân và hệ thống chính trị, đất nước Venezuela vẫn vượt qua khó khăn, thử thách để tăng trưởng ổn định, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng từ Tổng thống Hugo Chavez, trong suốt một năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tổng thống Nicolas Maduro và chính phủ của ông đã gặt hái được những thành quả nhất định. Những nỗ lực của Tổng thống Maduro và chính phủ đã được ghi nhận thông qua đánh giá tích cực của công chúng trong các cuộc khảo sát với tỷ lệ ủng hộ khá cao (từ hơn 60%), đặc biệt là chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử cấp địa phương ngày 8-12. Việc thông qua Đạo luật trao quyền và Kế hoạch Tổ quốc giai đoạn 2013-2019 cùng với chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp địa phương sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ổn định tại Venezuela, là bệ phóng vững chãi để Tổng thống Maduro và chính phủ của ông đưa cách mạng Bolivar tiến về phía trước.