Afghanistan: Quyết tâm tìm kiếm hòa bình

NDO -

NDĐT- Sau hơn một tháng chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống cho cuộc bầu cử vào ngày 5-4 tới, chính trường Afghanistan đang “nóng” lên, nhưng tình trạng bất ổn và bạo lực vẫn còn là một thách thức lớn đối với quốc gia Nam Á này. Toàn bộ mười ứng cử viên tổng thống đều cam kết tìm kiếm hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nếu họ thắng cử.

Nữ cử tri Afghanistan đăng ký đi bỏ phiếu. (Ảnh: AP)
Nữ cử tri Afghanistan đăng ký đi bỏ phiếu. (Ảnh: AP)

Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan (IEC) cho biết, chiến dịch tranh cử được khởi động từ ngày 2-2 vừa qua và sẽ kết thúc vào ngày 2-4. Trong số 11 nhân vật đăng ký tranh cử, nổi bật là ba gương mặt, gồm cựu Bộ trưởng Tài chính A.Ghani; Bộ trưởng Ngoại giao Z.Rassoul và cựu Bộ trưởng Ngoại giao A.Abdullah. Em trai của đương kim Tổng thống Hamid Karzai là Qayum Karzai đã rút khỏi danh sách tranh cử. Theo quy định của Afghanistan, Tổng thống Karzai không được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Dư luận cho rằng, việc ông Qayum Karzai rút khỏi “cuộc đua” giành ghế tổng thống nhiệm kỳ tới nhằm tạo điều kiện cho ứng cử viên Z.Rassoul, đồng minh thân cận của Tổng thống Karzai, “tích thêm điểm”.

Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan diễn ra trong bối cảnh các lực lượng của Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị rút khỏi quốc gia này vào cuối năm nay. Đây được xem là phép thử quan trọng về năng lực của lực lượng an ninh gồm 350 nghìn binh sĩ của Afghanistan, đồng thời cũng là phép thử đối với Tổng thống sẽ kế nhiệm ông Karzai.

Nói như vậy, bởi trên thực tế, quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ, quốc gia phát động và bảo trợ cho cuộc chiến chống Taliban từ năm 2001 đến nay, thời gian qua xấu đi nghiêm trọng do Tổng thống Karzai tuyên bố không ký Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ. BSA là một văn bản quan trọng, cho phép Mỹ duy trì khoảng 10 nghìn binh sĩ sau khi Mỹ và NATO rút hết quân chiến đấu khỏi Afghanistan sau năm 2014. Bất chấp nhiều sức ép từ Washington, trong bài phát biểu cuối cùng trước QH ngày 15-3 vừa qua, Tổng thống Karzai vẫn nêu rõ, các binh sĩ Mỹ có thể rời nước này vào cuối năm nay vì quân đội của Afghanistan hiện đã bảo vệ được 93% lãnh thổ và sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm bảo đảm an ninh đầy đủ. Ông nhấn mạnh, BSA chỉ được ký khi hòa bình được thiết lập ngay tại Afghanistan.

Kết quả một số cuộc điều tra dư luận mới đây cho thấy, đa số người dân Afghanistan bày tỏ tín nhiệm cao đối với chính phủ do Tổng thống Karzai đứng đầu, đồng thời phản đối việc lực lượng Taliban quay trở lại nắm quyền điều hành đất nước. Họ cũng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào Lực lượng quân đội quốc gia và Lực lượng cảnh sát quốc gia, được cơ cấu lại sau khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001.

Tuy nhiên, tình trạng an ninh tại Afghanistan vẫn là một mối quan ngại lớn đối với Mỹ và phương Tây khi bàn về tương lai của Afghanistan. Tính từ năm 2001 đến tháng 5-2012, đã có tới gần 12 nghìn binh sĩ của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy ở Afghanistan chết và bị thương. Trong năm 2012, các cuộc tiến công của Taliban đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.800 cảnh sát, 400 binh sĩ nước ngoài và 2.750 dân thường. Năm 2013, vẫn có hàng nghìn người chết và bị thương vì bạo lực. Từ đầu năm đến nay, các vụ xung đột sắc tộc và tấn công khủng bố vẫn diễn ra thường xuyên, với những biểu hiện cực kỳ nguy hiểm, cho thấy bảo đảm an ninh và ổn định đất nước vẫn sẽ là bài toán “hóc búa” đối với bất kỳ nhà lãnh đạo và chính phủ nào của Afghanistan. Ngay trong quá trình bầu cử tổng thống, các tay súng Taliban đã bắn chết hai trợ lý của ứng cử viên tổng thống sáng giá Abdullah. Taliban còn cảnh báo “sẽ sử dụng mọi lực lượng” để gây cản trở kế hoạch bầu cử tổng thống vào ngày 5-4. Đó là chưa kể tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính quyền Kabul với lực lượng Taliban vẫn gặp nhiều trở ngại, khó đi đến hồi kết.

Theo các nhà quan sát, các diễn biến trên cho thấy, tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan sẽ là một trọng tâm chính của cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan, ngoài các nội dung vực dậy nền kinh tế đang suy thoái và hòa giải dân tộc ở quốc gia này.