19 năm sau sự kiện 11-9: Những dấu mốc quan trọng

NDO -

Cách đây19 năm, ngày 11-9-2001, thế giới rúng động bởi loạt vụ khủng bố nhằm vào hai biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ là Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc. Sự kiện kinh hoàng này đã cướp đi tính mạng của khoảng 3.000 người, làm hơn 6.000 người khác bị thương và khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD. 

Khói lửa bao trùm tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới. (Ảnh: Reuters)
Khói lửa bao trùm tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới. (Ảnh: Reuters)

Những mốc thời gian quan trọng kể từ sự kiện 11-9

Ngày 11-9-2001:
- 8 giờ 46 phút: Chuyến bay 11 của Hãng hàng không American Airlines (có lịch trình bay từ Boston tới Los Angeles) đâm vào tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới tại TP New York. 

- 9 giờ 3 phút: Chuyến bay 175 của Hãng hàng không United Airlines (có lịch trình bay từ Boston tới Los Angeles) đâm vào tòa tháp Nam của Trung tâm Thương mại thế giới tại TP New York.

- 9 giờ 37 phút: Chuyến bay 77 của Hãng hàng không American Airlines (có lịch trình bay từ Dulles, Virginia, tới Los Angeles) đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Washington.

- 9 giờ 59 phút: Tòa tháp Nam của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ trong khoảng 10 giây.

- 10 giờ 3 phút: Chuyến bay 93 của Hãng hàng không United Airlines (có lịch trình bay từ Newark, New Jersey, tới San Francisco) rơi xuống cánh đồng gần TP Shanksville, bang Pennsylvania.

- 10 giờ 28 phút: Tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ. Thời gian tính từ khi xảy ra vụ tấn công đầu tiên đến lúc cả hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ là 102 phút. 

- 21 giờ: Từ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ George Walker Bush tuyên bố: “Các cuộc tấn công khủng bố có thể làm rung chuyển nền móng của các tòa nhà lớn nhất của chúng ta, nhưng chúng không thể chạm vào nền tảng của nước Mỹ. Những hành động này bẻ gãy thép, nhưng chúng không thể làm hao mòn chất thép trong quyết tâm của người Mỹ”.

19 năm sau sự kiện 11-9: Những dấu mốc quan trọng -0
Vụ tấn công tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới, ngày 11-9-2001. (Ảnh: AP)

Ngày 7-10-2001: Tổng thống Bush thông báo bắt đầu chiến dịch quân sự tại Afghanistan.

Ngày 13-12-2001: Chính phủ Mỹ công bố một đoạn băng, trong đó Osama bin Laden nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công nêu trên.

Ngày 18-12-2001: Quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống chọn ngày 11-9 hằng năm là Ngày Yêu nước.

Tháng 12-2001 đến ngày 15-6-2004: Quỹ Bồi thường cho các nạn nhân xử lý yêu cầu từ phía gia đình và người thân của các nạn nhân trong sự kiện 11-9. Quỹ này được nối lại vào năm 2011. 

Ngày 30-5-2002: Chính thức hoàn tất công tác dọn dẹp tại Khu vực số 0 ở New York, nơi từng là vị trí tọa lạc của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Để dọn 1,8 triệu tấn mảnh vỡ cần đến 3,1 triệu giờ lao động, với chi phí lên tới 750 triệu USD.

Ngày 25-11-2002: Bộ An ninh Nội địa Mỹ được thành lập nhằm bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa.

Ngày 19-3-2003: Tổng thống Bush tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh tại Iraq.

Ngày 24-5-2007: Tiến sĩ Charles Hirsch, bác sĩ trưởng về giám định y khoa của TP New York, kết luận cái chết của cô Felicia Dunn-Jones vào năm 2002 do tiếp xúc với bụi có liên quan trực tiếp đến loạt vụ tấn công ngày 11-9, do đó đây là một vụ giết người.

Ngày 19-7-2007: Còn 1.133 nạn nhân, chiếm 41% tổng số nạn nhân của loạt vụ khủng bố, chưa rõ danh tính. 

Tháng 1-2009: Văn phòng Giám định y khoa New York thông báo, ông Leon Heyward, người qua đời một năm trước đó do ung thư hạch và bệnh phổi, là nạn nhân của hành vi giết người. Ông Leon Heyward đã bị cuốn vào lớp khói bụi độc hại sau khi hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ.

Ngày 2-1-2011: Tổng thống Mỹ Barack Obama ký đạo luật cho phép nối lại và mở rộng quy mô của Quỹ Bồi thường cho các nạn nhân. 

Ngày 2-5-2011: Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Ngày 15-12-2011: Tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt chiến tranh Iraq.

Ngày 10-5-2014: Hài cốt của các nạn nhân không rõ danh tính được đưa về khu vực Trung tâm Thương mại thế giới.

Tháng 10-2019: Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Syria.

Ngày 29-2-2020: Tại thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận hòa bình, mở đường cho tiến trình rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. 

19 năm sau sự kiện 11-9: Những dấu mốc quan trọng -0
Người thân của các nạn nhân trong lễ tưởng niệm tại Trung tâm Thương mại thế giới, ngày 11-9-2015. Do tác động của đại dịch Covid-19, lễ tưởng niệm nạn nhân của sự kiện 11-9 năm nay sẽ được điều chỉnh để bảo đảm yêu cầu về giãn cách xã hội. (Ảnh: AP) 

Các nạn nhân

2.753 người thiệt mạng khi hai máy bay lao vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới. Nạn nhân trong độ tuổi từ 2 đến 85. Tính đến tháng 10-2019, 1.645 nạn nhân (60%) được xác định rõ danh tính. 

184 người thiệt mạng khi máy bay lao vào Lầu Năm Góc.

40 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên Chuyến bay 93 của United Airlines thiệt mạng khi máy bay rơi xuống gần TP Shanksville, bang Pennsylvania.

Tác động về kinh tế

500 nghìn USD - chi phí ước tính để lên kế hoạch và thực hiện loạt vụ tấn công ngày 11-9.

40 tỷ USD - gói chống khủng bố khẩn cấp do Quốc hội Mỹ thông qua ngày 14-9-2001.

123 tỷ USD - thiệt hại kinh tế ước tính trong 2-4 tuần đầu sau khi tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới đổ sập cũng như thiệt hại kinh tế do hoạt động hàng không sụt giảm vài năm sau đó.

15 tỷ USD - gói hỗ trợ các hãng hàng không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Theo kết quả nghiên cứu của dự án Chi phí chiến tranh của Trường đại học Brown (Mỹ) công bố cuối năm 2019, sau sự kiện 11-9, Mỹ đã chi hơn 6.000 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố.