Xứ sở của dược liệu

NDO -

NDĐT- Mùa giáp Tết, nam thanh nữ tú ùn ùn từ Hà Nội đổ về vùng đất Hưng Yên bởi những vạt hoa cúc chi vàng rực như cái nắng hiếm hoi cuối mùa đông. Vạt cúc chi này nằm ở làng dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, làng làm dược liệu nổi tiếng ở miền bắc.

Người dân Nghĩa Trai thu hoạch hoa cúc chi. Ảnh: TIỂU PHƯƠNG.
Người dân Nghĩa Trai thu hoạch hoa cúc chi. Ảnh: TIỂU PHƯƠNG.

Theo thần tích của làng ghi lại thì vào khoảng năm 1572 có ba vị tướng đời vua Lý Thánh Tông sau khi giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành đã về Nghĩa Trai giúp dân khai hoá đất hoang, trồng cây thuốc và hành nghề y “cứu nhân độ thế”. Dân làng đã lập đền thờ, tôn các ông làm Thành hoàng làng và thờ phụng đến ngày nay.

Từ ngoài con đường dẫn vào làng, đã thấy những vạt vườn trồng cúc chi xanh mướt ven đường. Vào tháng11, 12, hoa cúc chi nở vàng rực rỡ, tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn và đẹp mắt, biến mảnh đất thôn quê này trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều người. Cúc chi ở đây là nguyên liệu để làm món trà hoa cúc, mặt hàng “đặc sản” của hầu hết các gia đìn làm dược liệu ở Nghĩa Trai.

Xứ sở của dược liệu ảnh 1

Vào mùa cúc chi, làng đón rất nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: TIỂU PHƯƠNG.

Hoa cúc để làm trà tốt nhất là khi vừa nở, không còn nụ và cũng chưa kịp tàn. Cúc chi sau khi thu hoạch được hái về, để ráo sương và sấy lạnh, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa giữ được các chất trong hoa, vừa giữ màu của hoa. Cúc chi ở làng Nghĩa Trai bông tròn, nở đẹp, nên còn được gọi là kim cúc, hoàng cúc, cúc hoa vàng… và cũng được dâng lên nhà vua cho nên được gọi là cúc tiến vua. Mùa Tết, cúc chi còn được trồng chậu làm cây cảnh bán cho người chơi hoa.

Xứ sở của dược liệu ảnh 2

Cánh đồng hoa vàng rực rỡ. Ảnh: TIỂU PHƯƠNG.

Lương y Đỗ An Ngợi, người làng Nghĩa Trai cho biết, trà hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát da, má gan, giảm mỡ bụng... Trà hoa cúc thường được uống kèm với mật ong, cỏ ngọt hoặc một loại đặc sản khác của Hưng Yên là long nhãn, tạo nên vị ngọt, mát quyện với mùi thơm hơi hăng hắc của hoa cúc, khiến ai đã thử một lần rồi đều muốn uống nữa.

Cúc chi được trồng ở làng từ hàng trăm năm trước. Cứ vào dịp gần Tết, rất đông bạn trẻ từ Hà Nội hoặc các vùng lân cận lại đổ về làng chụp ảnh. Những bức ảnh hoa cúc chi vàng rực từ làng Nghĩa Trai tỏa đi khắp muôn nơi, thu hút cả những vị khách nước ngoài tìm đến. Đến nỗi giờ đây nhiều người còn gọi Nghĩa Trai là làng hoa cúc chi.

Ngoài trà hoa cúc, Nghĩa Trai còn là nơi cung cấp phần lớn nguyên liệu cho ngành đông y ở Hà Nội. Nhiều loại dược liệu dân dã được người dân trồng ở đây như tía tô, kinh giới, tam thất, địa liền, kim tiền thảo… Nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã ở Nghĩa Trai đã cung cấp dược liệu đi khắp các tỉnh trong cả nước , thí dụ như HTX Hoa Thiên Phú.

Cùng với hoa cúc chi, Nghĩa Trai còn có “đặc sản” là cây kinh giới, trồng lấy hạt làm thuốc, làm đồ uống giải khát (hạt é). Kinh giới một năm trồng hai vụ, để càng lâu càng tốt, trồng xen kẽ cùng các loại dược liệu khác như thổ phục linh, xuyên khung, bạch truật, cốt khí…

Điểm đặc biệt ở Nghĩa Trai là hợp thổ nhưỡng, khí hậu, dược liệu phát triển và kháng sâu bệnh rất tốt, cho nên không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Cây dược liệu được hái về, sơ chế sạch, thái nhỏ và phơi khô hoặc sấy trên lò. Làng sản xuất dược liệu, cho nên cũng có nhiều người theo nghề bốc thuốc chữa bệnh. Nghề bốc thuốc được truyền qua nhiều đời, và các thế hệ đều truyền cho nhau lấy đức làm đầu, chú trọng cứu người chữa bệnh.

Từ chỗ là một làng sản xuất nông nghiệp, Nghĩa Trai nay đã trở thành một điểm du lịch thú vị, thu hút đông đảo khách trong nước và cả khách nước ngoài nữa đến đây, nhất là vào mỗi dịp cuối năm. Nghĩa Trai đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên nghiên cứu, đưa vào làm điểm dừng trong tour du lịch tâm linh, khám phá làng nghề của tỉnh.