Khơi dậy tiềm năng Danh lam thắng cảnh quốc gia Na Hang - Lâm Bình

Ngày 13-2-2019, tỉnh Tuyên Quang công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.

Khơi dậy tiềm năng Danh lam thắng cảnh quốc gia Na Hang - Lâm Bình

Nằm giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhiều hang động kỳ thú; những thác nước tự nhiên thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, khí hậu trong lành và nhiều phong tục văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Mông...

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình phân bố ở các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên (huyện Lâm Bình) và Năng Khả, Thanh Tương, Sơn Phú, Hồng Thái, Thượng Nông, Thượng Giáp, Yên Hoa, Côn Lôn, Sinh Long, Khâu Tinh, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang).

Nơi đây, có các danh thắng nổi tiếng, mà vẻ đẹp của mỗi danh thắng đều gắn với một truyền thuyết về nguồn gốc càng làm tăng thêm tính hấp dẫn, bí ẩn đối với du khách. Trong hành trình từ lòng hồ thủy điện Tuyên Quang lên hang động Song Long, du khách không chỉ được tắm mình trong dòng nước trong xanh của những thác nước nổi tiếng như Nặm Me, Nặm Nhi... mà còn như đang đi về miền cổ tích với truyền thuyết về nàng Tiên - chú Khách, về sự tích hoa Phặc Phiền, truyền thuyết về 99 ngọn núi; nghe huyền thoại về Bà Then có công chữa bệnh cho Thuồng Luồng cùng những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn về mối tình thơ mộng giữa chàng trai đốn củi và công chúa con vua Thủy Tề tại thác Pác Ban; thổn thức cùng câu chuyện cô gái tóc dài bên thác Tát Thốc đã hy sinh thân mình đem nguồn nước về cho làng bản, cho cây cối xanh tươi, mùa màng tươi tốt...

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình còn có nhiều di chỉ khảo cổ thời đại đá mới và kim khí. Trong số những hiện vật khảo cổ đã được phát hiện tại các di chỉ, ngoài các sưu tập đồ đá, điều đặc biệt có giá trị khoa học cao là tại Phia Vài có kiểu khâm táng đặt hai con ốc biển vào hai hốc mắt người quá cố rất độc đáo, lần đầu được phát hiện ở Việt Nam và Đông-Nam Á. Tại hang Ngườm Hầu đã tìm thấy di vật có hình khắc trong khu vực mộ cổ; hang Phia Vài là di chỉ xưởng - mộ táng thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình và trải qua hai giai đoạn tiến triển văn hóa sớm có niên đại khoảng 13.000 năm; ở hang Thẩm Pioóng, nơi cư trú của cư dân thuộc thời đại đá mới đã phát hiện được rìu mài lưỡi, chứng tỏ nền nông nghiệp sơ khai đã ra đời; hang Mè Vằng là di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân sớm nhất thuộc về giai đoạn thời đại đá. Với những phát hiện, nghiên cứu bước đầu cho thấy chủ nhân văn hóa thời đại đá mới, thời đại kim khí, bằng lao động sáng tạo của mình, đã biến nơi đây thành miền đất đầy năng động, sáng tạo và có mối giao lưu mở rộng với khu vục chung quanh.

Vùng đất này còn ghi dấu tích kiến trúc nghệ thuật thời Trần với chùa Phúc Lâm, chùa Ông, đền Pác Tạ; thời Lê có chùa Đon Thài, đền Pú Bảo, đền Nẻ; thời Nguyễn có chùa Bà, đền Nà Thếm. Nền văn hóa truyền thống của các cư dân ở Na Hang, Lâm Bình khá phong phú, nhất là vốn truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian. Hầu như ngọn núi, dòng sông, con suối nào cũng có sự tích gắn với địa danh nơi đó. Nhiều hiện tượng thiên nhiên được lý giải sinh động. Công cuộc chinh phục thiên nhiên và cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm đã được phản ánh trong những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian… cùng rất nhiều câu chuyện truyền miệng nửa thực, nửa hư càng làm cho vùng đất này có sức hút đặc biệt.

Vùng đất Na Hang - Lâm Bình là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó điển hình là dân tộc Tày và dân tộc Dao cho nên hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân ở đây khá phong phú, đặc sắc, gắn liền với không gian nhà sàn và làn điệu dân ca truyền thống. Người Tày có các nghề tiêu biểu: dệt thổ cẩm, đan lát; kỹ thuật vẽ sáp ong, thêu của người Dao Tiền. Khi du khách đến với đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ được dự những lễ hội truyền thống đặc sắc và thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị dân tộc như: Rượu ngô men lá, thịt lợn chua, thịt trâu khô, thịt treo gác bếp, các loại rau rừng, mật ong rừng, nón lá cọ, vải dệt thổ cẩm, đồ thủ công mây tre đan, tranh tre, tranh trúc... cũng như được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào với những nét văn hóa riêng, được tìm hiểu những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc biểu hiện trong đời sống sinh hoạt thường ngày hay các nghi thức, hội hè, Tết lễ... thể hiện qua các làn điệu dân ca như hát then, hát lượn, hát cọi, hát đồng dao, hát quan làng trong đám cưới của người Tày, hát Páo dung của người Dao và qua các trò chơi dân gian; ấn tượng với những nếp nhà sàn truyền thống vương làn khói chiều, thấp thoáng ven triền núi; những thửa ruộng bậc thang được hình thành từ hàng trăm năm tạo thành bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ; những thác nước như những “dải lụa” mềm mại buông mình giữa mầu xanh của núi rừng đại ngàn cùng hàng loạt các hang động kỳ thú với hệ thống măng, nhũ, cột, rèm đá nguyên sơ tạo sự hào hứng cho du khách khám phá.

Hiện nay, ở khu bảo tồn có khoảng 294 loài chim, có loài quý hiếm như phượng hoàng đất, gà lôi trắng, gà tiền, gà gô, vẹt, gõ kiến đầu đỏ và còn xuất hiện chim di cư khi thời tiết ấm áp như nhạn, cốc, diệc... khoảng 88 loài thú, trong đó có những loài thú quý hiếm như: Hổ, báo hoa mai, báo gấm, báo lửa, gấu chó, gấu ngựa, các loại cầy, sóc... đặc biệt còn là nơi sinh sống của tám loài linh trưởng gồm: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, khỉ cộc, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ vàng cu ly nhỏ, cu ly lớn. Trong đó, loài voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam được ghi tên trong sách đỏ với khoảng 150 đến 200 con. Đồng thời, lưu giữ được rừng nguyên sinh thuộc hàng lớn nhất ở miền bắc Việt Nam với 1.162 loài thực vật bậc cao, có nguồn gen thực vật phong phú và tính đa dạng sinh học, nhiều loài quý hiếm như pơ-mu, kim giao, thông tre, mun đen, hoàng đàn, nghiến, trai, đinh, lim sến, lát.

Ngày 13-2-2019, tỉnh Tuyên Quang tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đón nhận Bằng xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch của Na Hang - Lâm Bình nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Tuyên Quang phối hợp tỉnh Bắc Cạn xây dựng hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, trong đó tập trung hoàn thiện các phân khu chức năng trong Khu du lịch sinh thái Na Hang; phát triển khu bến thủy hồ thủy điện và bến thủy tại các điểm du lịch; xây dựng khu lâm viên Phiêng Bung, khu ngắm cảnh rừng trên nước; phát triển các điểm du lịch tâm linh. Quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch huyện có lợi thế, như: Du lịch lòng hồ sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá tại các thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, động Song Long, hang Khuổi Pín..., du lịch cộng đồng (Homestay) tại các làng văn hóa Nặm Đíp, Nà Tông, Nà Đông, du lịch lễ hội Lồng Tông, lễ hội Nhảy lửa...

Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch để phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch lòng hồ, du lịch văn hóa, sinh thái mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng; từng bước hình thành và phát triển thương hiệu du lịch đặc trưng của huyện; khuyến khích, thu hút nhà đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch; góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo thêm các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách như: Phát triển các sản phẩm thủ công, nghề truyền thống, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản là đặc sản của địa phương, có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế và du lịch: Sản phẩm rượu ngô men lá chất lượng cao huyện Lâm Bình, rau bò khai (bồ khai), rau giảo cổ lam; nghề dệt của dân tộc Pà Thẻn, đan lát tại xã Hồng Quang; dệt thổ cẩm của dân tộc Tày tại xã Thượng Lâm Khuôn Hà, Lăng Can; nghề thêu tại xã Phúc Yên, Xuân Lập.

Huyện ủy Na Hang cũng xây dựng chương trình hành động về phát triển du lịch trên địa bàn. Theo Bí thư Huyện ủy Na Hang Hoàng Anh Cương, triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Na Hang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện các phân khu chức năng trong Khu du lịch sinh thái Na Hang như: Khu đón tiếp, cổng chào tại đèo Cổ Yểng, khu bến thủy hồ Thủy điện Tuyên Quang, khu Lâm viên Phiêng Bung, khu ngắm cảnh rừng trên nước, khu thủy trại xã Đà Vị, Làng văn hóa du lịch (dân tộc Dao Tiền) thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; quy hoạch xây dựng Làng văn hóa du lịch (dân tộc Tày) thôn Nà Khá, xã Năng Khả, làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đông Đa 1, xã Thượng Nông; bến thủy xã Đà Vị, bến thủy xã Yên Hoa. Điểm du lịch tâm linh hang Phia Muồn (di tích cấp quốc gia) xã Sơn Phú, huyện Na Hang và hai địa điểm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, cơ sở sản xuất Diêm tiêu xã Năng Khả (huyện Ha Hang) và một số di tích cấp tỉnh.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện; phối hợp lập hồ sơ xây dựng Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Phấn đấu đến năm 2020 đón hơn 130 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2.000 lượt; doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm trong hoạt động du lịch, dịch vụ cho hơn 1.000 lao động ngành du lịch. Đến năm 2030, đón hơn 800.000 lượt khách du lịch đạt tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 500 tỷ đồng, thúc đẩy phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các huyện trong và ngoài tỉnh, như: Huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); các huyện Ngọc Minh, Bắc Mê, Bắc Quang (tỉnh Hà Giang); hai huyện Ba Bể, chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn) để hình thành các tua, tuyến du lịch.