Tây Tạng - “Đường mây qua xứ tuyết”

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS

NDO -

NDĐT - Trước khi quyết định ghi tên tham gia hành trình khám phá Tây Tạng, tôi đã đọc khá nhiều bài viết về hội chứng sốc độ cao - “bóng ma” đầy ám ảnh mà mọi du khách đều sợ hãi phải đối mặt khi đặt chân lên “nóc nhà thế giới”. Đọc, để đong đếm sức chịu đựng của cơ thể. Đọc, để tìm cách chế ngự nó trong suốt hành trình. Để rồi càng đọc càng thấy hoang mang, bởi hoá ra chẳng hề có quy luật chung nào, cho tất cả.

Người Tạng phần lớn có vóc dáng khá nhỏ bé, với nước da đỏ sậm đặc trưng.
Người Tạng phần lớn có vóc dáng khá nhỏ bé, với nước da đỏ sậm đặc trưng.

Giải mã AMS

Lhasa, thuộc khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) chỉ nằm ở độ cao 3.700 mét so với mực nước biển và cũng là điểm thấp nhất trong dải tuyết sơn hùng vĩ của cao nguyên Thanh - Tạng, với độ cao trung bình 4.900 mét. Nhưng với những du khách sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng với bầu không khí lúc nào cũng dư thừa oxy, thử thách khiêm tốn 3.700 mét của ngày đầu làm quen cũng đã đủ khiến phần đa muốn mếu.

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 1

Những chiếc bình oxy tại sân bay Gonggar - Lhasa với giá bán 60RMB.

Nếu bạn chọn phương tiện di chuyển là tàu hoả Thanh Tạng - “Hoả tiễn phóng lên nóc nhà thế giới”, hành trình nối Thành Đô với Lhasa kéo dài 44 tiếng sẽ giúp bạn đối mặt với AMS hiệu quả hơn, khi cơ thể có tới hai ngày làm quen để dần thích nghi với điều kiện sống rất khắc nghiệt của Tibet. Bởi đây là con tàu duy nhất trên thế giới được thiết kế cực kỳ hiện đại, với vỏ tàu thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ liên tục, khoang tàu có thiết bị điều tiết nhằm giữ áp suất không khí luôn ở mức bình thường cùng các máy thở oxy trong trường hợp quý khách “doạ xỉu”. Tiếc là vì quỹ thời gian có hạn, máy bay vẫn là phương tiện được khách du lịch yêu thích nhất. Và việc một du khách lướt thẳng từ 0 mét lên 3.700 mét và lập tức sốc độ cao là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 2

Ảnh: BẠCH DƯƠNG.

Soi chiếu dưới góc độ khoa học thì “AMS là hội chứng thiếu oxy mô, nghĩa là lượng oxy vào mô quá ít so với mức bình thường dẫn đến rối loạn cân bằng nội mô tế bào, thiếu hụt năng lượng đi kèm thiếu máu cục bộ của tế bào. Hậu quả là gây nhiễm axit, giảm tổng hợp protein, gây ngưng trệ các quá trình của cơ thể, vì thế con người luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, dễ mắc bệnh”.

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 3

Ảnh: BẠCH DƯƠNG.

Những chia sẻ của nhà leo núi nổi tiếng trong giới phượt thủ Hoàng Lê Giang - sau những cung đường gian nan chinh phục nhiều đỉnh núi hiểm trở thuộc nhiều châu lục - cụ thể hơn, tỉ mỉ hơn và vì thế cũng gây ám ảnh hơn. Theo anh, “hội chứng say độ cao sẽ thật sự nguy hiểm, khi ở trên 3.000m, đặc biệt là khi bạn leo nhanh. Bạn sẽ chịu tác động của độ cao khi lên đến 3.500m và 4.500m, do đó nhất cử nhất động ở hai độ cao này phải được tính kỹ. Những triệu chứng thường bao gồm: đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, mất vị giác và mất phương hướng. Khó ngủ, thở khó nhọc (chứng thở Cheyne - Stokes), tim thỉnh thoảng đập mạnh. Buồn nôn, ngủ lịm. Biến chứng như phù phổi, phù não hoặc dẫn đến tử vong là có, và có thể xảy ra rất nhanh”. Đọc những thông tin này, tuyên bố mình không sợ thì chắc chắn là nói dóc.

Hạnh phúc, chỉ đơn giản là có đủ oxy để thở

Khó thở, đầu óc nặng như đá đeo là cảm giác đầu tiên của tôi, khi bước ra khỏi cửa chiếc máy bay vừa hạ cánh xuống cảng hàng không Gonggar của thủ phủ Lhasa. AMS (Acute Mountain Sickness) hiện diện đầy đe doạ, bằng hình ảnh dăm nữ du khách vạ vật đầy mệt mỏi, miệng thở như cá ngáp cùng dãy bình oxy cỡ nhỏ bày ngay ngắn trên các quầy hàng tại phòng chờ sân bay. Những chiếc bình dưỡng khí kích cỡ bằng chai nước này sẽ trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của chúng tôi, trong suốt những ngày khám phá Tibet, với mức giá 15 RMB (khoảng 50 nghìn đồng), cho độ ba bốn chục lần ấn nút nạp dưỡng khí vào cơ thể. Nhưng ngay tại sân bay, nó được bày bán với giá 60 RMB, gấp bốn lần. Chàng hướng dẫn viên của đoàn bảo, có người ngất xỉu ngay khi vừa đặt chân xuống Gonggar, lúc ấy thì giá nào cũng phải mua, miễn mặc cả. Chỉ vài ngày khám phá nơi đây, lượng dưỡng khí mà đoàn tiêu thụ ở mức kha khá, người nhiều hít tới … hai chục chai! Thế cũng chưa có gì ghê gớm, bởi cũng theo lời guide tour, sức chịu đựng của cả đoàn rất khả quan so với những nhóm anh đã đồng hành trước đây, vì từng ấy người thuộc đủ mọi lứa tuổi mà không có ai phải … nhập viện!

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 4

Để lên tới đỉnh Cung điện Potala, du khách phải chinh phục độ cao khoảng 200 mét. Rất đơn giản, trong điều kiện bình thường nhưng đã trở thành thử thách cam go với nhiều du khách, khi ở độ cao gần 4000 mét.

Trong cả ngày đầu choáng váng với AMS, tôi còn được trải nghiệm thêm một số triệu chứng phụ nằm ngoài danh sách mà Hoàng Lê Giang đã liệt kê ở trên. Ví như triền miên rỉ máu mũi (vì độ ẩm không khí quá thấp khiến mũi khô queo). Ví như thấy bàn ăn thịnh soạn như bày tiệc mà hốt hoảng như nhìn thấy ngáo ộp (vì khẩu vị khá khó nuốt, vì mất hẳn vị giác). Rồi mất ngủ, rồi mệt như thể cơ thể bị rút hết nhựa sống, da và môi khô nứt nẻ, mặt sưng vù… Thêm vào đó là tê bì các đầu ngón tay, là lúc nào cũng cảm giác có dòng điện chạy qua, rất lạ. Tây Tạng cũng là tour duy nhất mà chúng tôi được hướng dẫn viên dặn dò kỹ càng, rằng nếu quá mệt thì phải đập cửa phòng gọi anh mang bình oxy cấp cứu ngay, bất kể giờ nào, không được trì hoãn. Bởi anh giải thích thiếu oxy trong lúc ngủ có thể khiến người lịm đi, thậm chí hôn mê, rất nguy hiểm.

Trừ khuyến cáo “không nên đi” dành cho những người có tiền sử bệnh hô hấp và tim mạch, về lý thuyết, cơ thể con người sẽ dần thích nghi với sốc độ cao, sau một vài ngày. Không có mẫu số chung, nhưng thường thì người có vóc dáng to cao, dân tập thể hình dư thừa cơ bắp sẽ dễ bị AMS đánh gục hơn những cô nàng bé hạt tiêu, trông gầy gò và yếu ớt. Lượng dưỡng khí vốn chỉ đủ 30 - 40% nhu cầu tối thiểu, trong khi cơ thể đòi hỏi nhiều hơn bình thường khiến cho hình ảnh các trang nam nhi to lớn kềnh càng trong đoàn đột nhiên trở nên mong manh, dễ vỡ đến tức cười!

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 5

Trên đỉnh đèo Kampala, ở độ cao 4998 mét, nơi có thể nhìn toàn cảnh hồ thiêng Yamdrok. Khá nhiều du khách chọn cách ôm bình oxy cố thủ trong ô-tô, bởi không khí loãng ở đây gây tức ngực và rất khó thở.

Nhìn đám du khách chung quanh thực hành triệt để nguyên tắc “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để tiết kiệm từng chút oxy mà vẫn mệt nhoài, tôi rất tò mò về bí quyết “sống chung với lũ” của người dân bản địa. Quan sát đám đông nhẫn nại hành hương quanh các địa điểm tâm linh huyền bí, tôi thấy phần đa người dân ở đây có vóc dáng nhỏ bé, nước da thường có màu đỏ sậm. Họ bước đi chậm rãi, lầm rầm cầu nguyện, nói rất khẽ và tiết chế trong từng cử động. Ở một nơi hội đủ những điều kiện sống khắc nghiệt bậc nhất trên hành tinh, họ đã làm thế nào để thích nghi, để tồn tại và tạo dựng một nền văn minh rực rỡ đến thế là một câu hỏi mà rất nhiều nhà khoa học muốn tìm lời giải đáp thấu đáo.

Tò mò đọc tài liệu, tôi mới biết, rằng theo quy luật, để đối mặt với tình trạng không khí loãng, áp suất không khí giảm, nhiều tộc người ở vùng núi cao đã tiến hoá phần khoang ngực theo hình tròn để tăng được khối lượng không khí hít vào, máu của họ bơm đầy hồng cầu và heamoglobin - loại tế bào chuyên chở rất nhiều oxy. Thế nhưng, người Tây Tạng không hề có cả hai yếu tố đó. Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra họ là dân tộc duy nhất trên thế giới có một số gen đã bị biến dạng để thích nghi với môi trường sống. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sự biến đổi gen giúp người Tây Tạng sống sót, tồn tại ở trên cao có thể được di truyền từ một chủng người cổ đại đã tuyệt chủng. Thú vị nhất là khi tôi thắc mắc, rằng dân bản địa ở đây sẽ ra sao khi về vùng đồng bằng? Hướng dẫn viên người Tạng cười phá lên, “họ cũng bị sốc đồng bằng, y như các bạn vậy”.

Bài 2: Nỗi ám ảnh mang tên AMS ảnh 6

Nhìn qua cửa sổ máy bay, Tây Tạng mênh mông một màu tuyết trắng. Điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt khiến phần lớn dải tuyết sơn gần như không có chút dấu hiệu nào của sự sống.

Rời Tây Tạng, chúng tôi phải bay chặng nội địa về với thành phố Nam Ninh, để từ đó đi đường bộ về Việt Nam. Tuy vẫn còn ở cao độ 1.500 mét nhưng vừa xuống sân bay, không ai bảo ai, chúng tôi cuống cuồng hít vào từng hơi dài rồi thở ra đầy khoan khoái, dễ chịu vô cùng.

Người ta thường vật vã đi tìm hạnh phúc, rồi than thở nó là khái niệm không có thực. Nhưng chúng tôi bảo nhau, giờ thì ta đã hiểu, hạnh phúc - đơn giản - chỉ là có đủ oxy để thở. Điều mà chúng ta luôn có, nên không nhận ra giá trị, cũng không biết nâng niu! Cũng bõ để thực hiện một hành trình để đời, để nhận ra một chân lý mà bình thường không bao giờ thấu cảm!

Bài 1: Quyến rũ những sắc màu Tây Tạng