Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng:

Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua được “hội chứng” về nhau

Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông Lê Văn Bàng (ảnh bên) là người chứng kiến và tham gia các mức độ khác nhau nhưng gần như từ đầu tới cuối. Ông từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị đến vị trí phụ trách Vụ Âu Mỹ. Từ một cán bộ chạy ra sân bay tiếp đón khách, rồi trưởng phòng liên lạc, thành đại diện lâm thời và đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ và sau này là Thứ trưởng Ngoại giao. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama ngày 23-5-2016, ông Lê Văn Bàng chia sẻ:

Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua được “hội chứng” về nhau

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, một biểu tượng đẹp

Sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tôi đã nhận định Việt Nam nên chuẩn bị đón Tổng thống Obama tới thăm. Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ giúp thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ lên một tầm cao nữa như lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry từng mô tả về mối quan hệ hiện nay giữa hai nước rằng: “Trên thế giới không có hai nước nào làm tốt hơn Việt Nam và Mỹ trong việc đưa mối quan hệ hai nước gần nhau hơn, hướng tới tương lai”.

Cách đây chưa lâu, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, nhà báo người Mỹ hỏi tôi: “Ông có biết chúng tôi đón Tổng Bí thư Việt Nam sang đây với mục đích gì không?” Tôi trả lời: “ Vì quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ”. Ông ấy nói lại với tôi: “Chúng tôi đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là muốn gỡ bỏ sự nghi ngờ của Việt Nam với chúng tôi. Các ông nghi ngờ chúng tôi chưa chấp nhận hệ thống chính trị của Việt Nam nên chúng tôi rất muốn gỡ bỏ nghi ngờ đó”.

Việt Nam - Hoa Kỳ từng là kẻ thù của nhau nhưng chỉ 20 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc đến nỗi thế giới gọi đó là mối quan hệ “kỳ lạ”.

Lúc tôi còn là Thứ trưởng Ngoại giao, tôi đã từng nói với quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ rằng: “Các ông phải coi quan hệ với Việt Nam là một biểu tượng tốt đẹp, là tấm gương cho các nước noi theo. Việt Nam và Mỹ đã từng là kẻ thù của nhau, nhưng bây giờ trở thành bạn, thành đối tác tốt đẹp. Không có lý do gì mà Cu-ba, Myanmar không bắt tay được với Mỹ”. Họ thừa nhận điều tôi nói. Nhưng có những bước phát triển của quan hệ Việt - Mỹ mà tôi cũng không thể hình dung nổi.

Một kỷ niệm khác khiến tôi nhớ mãi khi tôi “cá cược” với một giáo sư Mỹ ở New York. Trước đó một tháng, tôi nhận định, thời điểm Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam sắp đến, nhưng vị giáo sư này cho rằng chưa đến thời điểm chín muồi. Tới lúc cấm vận được dỡ bỏ, vị giáo sư rất bất ngờ và viết lên một tờ giấy dòng chữ: “Cấm vận được dỡ bỏ ngày 3-2-1994. Đại sứ Lê Văn Bàng, ông đã chiến thắng” kẹp cùng tờ 5 USD rồi gửi tặng tôi. Tờ tiền này vẫn được tôi giữ đến bây giờ.

Chắc ông vẫn còn nhớ những khó khăn, lực cản trong buổi đầu bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ?

Tôi đi thanh niên xung phong năm 1967, vẫn nhớ cảm giác Mỹ ném bom miền bắc thế nào. Tôi có một kỷ niệm không thể quên vào mùa xuân năm 1973 khi dẫn đoàn cố vấn Mỹ Henry Kissinger vào thăm Bảo tàng Hà Nội, trong chuyến ông sang làm việc với ông Lê Đức Thọ. Sau khi nghe thông dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” được cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt, Kissinger đã lặng người một lát, rồi nói nội dung bài thơ này cũng là điều khoản 1 khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của Hiệp định Paris”.

Năm 1995, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang dự họp tại trụ sở Liên hợp quốc, trong một buổi gặp gỡ bên lề, Chủ tịch nước có nói rằng nếu người Mỹ không vượt qua được quá khứ của mình thì không phải là một nước lớn. Đó là thông điệp Chủ tịch nước muốn gửi tới Mỹ: “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, hành trình đó không hề đơn giản. Cái khó cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là làm thế nào để hai kẻ thù này bắt tay với nhau mà gác lại quá khứ, đè nén quá khứ xuống để đẩy vấn đề chiến lược lên. Những người như ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh nhìn xa trông rộng, thấy được các vấn đề chiến lược. Còn những cựu binh mất tay, mất chân, mất nhà, mất cửa, mất con thì nghĩ nhiều đến sự mất mát của họ. Ngay cả chính tôi, một người đã từng đi qua cuộc chiến, cũng không dễ dàng xóa bỏ những rào cản đó. Phía Mỹ vẫn còn cái gọi là hội chứng Việt Nam, vẫn còn mối hận thua Việt Nam. Có thể nói hai bên lúc ấy vẫn là “hội chứng” của nhau.

Để hóa giải những chống đối trong bình thường hóa quan hệ hai nước phải mất 20 năm (1975 -1995) và để thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp “tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”, cũng cần 20 năm (1995 -2015). Trong dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, một bài báo trên báo Washington Post đã viết rằng Việt Nam và Mỹ đã thực sự bỏ qua những “hội chứng” về nhau.

Là Đại sứ đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam ở Hoa Kỳ, ông có những trải nghiệm đáng nhớ nào trong hai nhiệm kỳ của mình?

Những ngày đầu làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ tôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều người Việt ở Mỹ và cả người Mỹ phản đối sự hiện diện của Đại sứ quán của nước CHXHCN Việt Nam. Để giải quyết những khó khăn đó thì phải tiếp cận được với người ta, nói chuyện và chứng minh với họ những việc cụ thể. Trong những năm đầu 1995-2001, tôi đã đi 40 bang, có hàng trăm cuộc diễn thuyết, đi báo cáo về tình hình đổi mới của Việt Nam diễn ra như thế nào, rồi quan hệ Việt - Mỹ phát triển ra sao cho người Mỹ nghe, cho báo chí Mỹ và kể cả cộng đồng người Việt.

Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua được “hội chứng” về nhau ảnh 1

Ông Lê Văn Bàng gặp Tổng thống Bill Clinton.

Tháng 10-1995, tôi đến quận Cam - một quận tập trung rất đông người Việt. Họ tập trung biểu tình, nhưng tôi phải đến và nói chuyện với họ. Tôi đến đứng trước đoàn biểu tình để nói về những đổi mới của đất nước và thông điệp về sự hòa giải. Tôi biết việc này có thể nguy hiểm đến tính mạng, có Việt kiều từng bị bắn chết ở Mỹ vì ủng hộ Việt Nam. Nhưng khi tôi nói, họ lắng nghe…

Tôi nhớ trước giờ lễ thượng cờ Việt Nam ở Đại sứ quán ta, tôi nhận được tin sẽ có một đoàn biểu tình người Việt đến bao vây ném đá sứ quán. Tôi họp anh em lại và quyết định sẽ làm lễ thượng cờ trước nửa giờ và không thông báo. Lễ thượng cờ diễn ra trang trọng, đầy đủ quan khách và an toàn, đoàn biểu tình không kịp trở tay. Tôi nhớ mãi, đó là ngày 5-8-1995.

Muốn thu hút vốn từ nước Mỹ cần môi trường kinh doanh minh bạch

Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ đã làm trang web đầu tiên quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Xin ông cho biết thêm về câu chuyện này?

Năm 1996, khi Việt Nam chưa có internet, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã mạnh dạn quyết định tự làm website vì các cơ quan của Mỹ đều đã có hết và họ cứ hỏi sao sứ quán không có để họ vào tra cứu thông tin về nước ta. Khi đó, chưa có cơ quan, ban ngành nào trong nước có trang web. Đến năm 1997, Việt Nam mới hòa vào mạng internet toàn cầu. Tuy nhiên, sứ quán đã chủ động vận động một số nhà tài trợ và người Việt tại Mỹ giúp công để lập trang web. Sau đó, các thông tin về đổi mới của đất nước được cập nhật, đã trở thành kênh thông tin duy nhất quảng bá Việt Nam ra thế giới vào thời điểm đó. Nhiều doanh nghiệp châu Phi, châu Mỹ la-tinh tìm kiếm thông tin về Việt Nam tại đây. Họ còn viết thư đến sứ quán để xin phép sử dụng tài liệu. Một trường đào tạo công nghệ thông tin ở Singapore cũng tải thông tin về Việt Nam từ trang web để phục vụ cho việc giảng dạy các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường. Sau khi trang này đi vào hoạt động, Nhà nước mình có điện sang sứ quán hỏi ai làm trang web này, ai chịu trách nhiệm. Tôi trả lời, tôi làm tôi chịu trách nhiệm vì điều đó hoàn toàn cần thiết để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, nhất là khi họ rất muốn biết về chúng ta.

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì hơn nữa để có thể thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn FDI từ Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao trong giai đoạn tới?

Doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, mà lớn nhất là câu chuyện phí lót tay, bôi trơn, tham nhũng. Chúng ta sẽ phải cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh làm sao cho thật sự minh bạch mà ở đó, mọi quan hệ kinh tế phải dựa trên pháp luật, chứ không phải dựa vào mối quan hệ xin - cho, quan hệ cá nhân. Doanh nghiệp Mỹ sẽ khó làm ăn ở Việt Nam nếu như chúng ta vẫn duy trì một môi trường kinh doanh nặng xin - cho như vậy.

Người Mỹ cũng đã khuyến khích chúng ta phải chủ động phát triển kinh tế sáng tạo. Nếu như chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn lực bên ngoài, hy vọng vào sự chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI thì không ổn. Bởi, phần lớn, chẳng có công ty lớn nào muốn chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ nguồn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!