Nghệ sĩ dương cầm Phó An My:

Sau đối thoại sẽ là độc thoại

My - một cá tính âm nhạc không thể trộn lẫn. My - “ngón dương cầm bão tố”, như cách báo giới thường định danh. My - mặt tròn, kính tròn, tóc xù, đầu luôn lắc lư. My nổi tiếng ham chơi nhưng cũng là người luôn cháy hết mình, thậm chí đến mức cực đoan trong cuộc chơi nghệ thuật. Như một giống cây lạ, luôn vươn lên ngang tàng đầy phá cách nhưng lại có bộ rễ ăn rất sâu vào mạch nguồn nghệ thuật truyền thống, lần ra mắt dự án nào của My cũng khiến công luận chẳng thể thờ ơ. Và Gió - cuộc đối thoại giữa piano và nghệ thuật chèo cổ sắp diễn ra cũng không phải là ngoại lệ.

Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và pianist Phó An My trong một buổi tập luyện chuẩn bị ra mắt Gió.
Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và pianist Phó An My trong một buổi tập luyện chuẩn bị ra mắt Gió.

Sau màn biểu diễn thăng hoa như “nhập đồng” với Bóng, cháy rừng rực với Lửa, khán giả sẽ gặp lại Phó An My trong hình ảnh mới mẻ nào, ở lần “xe duyên” với chèo sắp tới?

Gió lấy cảm hứng từ vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Không chạy theo cốt truyện, Gió chỉ lấy hơi hướng âm nhạc và cảm hứng từ nội tâm nhân vật để từ đó khắc họa nên thân phận, cảm xúc của hai người đàn bà. Một Thị Kính biểu tượng của chữ Nhẫn, với nỗi đau ẩn giấu bên trong. Một Thị Màu biểu tượng cho chữ Khát, với khát khao cháy bỏng được yêu thương cùng nỗi đau giằng xé được hiển lộ ra bên ngoài. Gió được kết cấu thành năm phần: Chạng vạng - Oan - Khát - Ru Kệ - Hóa. Ngoài phần chơi solo của My với sáng tác của Đặng Tuệ Nguyên, giọng hát nguyên bản chèo cổ của NSND Thanh Hoài kết hợp với bộ gõ giao hưởng, contre bass, bộ gõ dân tộc cùng sáo - tiêu và nhị hy vọng sẽ mang lại tính tương tác cao giữa hai dòng nhạc.

Tuy chèo hội đủ đa chiều sắc thái - từ trữ tình, lãng mạn tới anh hùng ca, sử thi... nhưng ở Gió, yếu tố lãng mạn được chọn là mầu sắc chủ đạo. Vì thế, Gió sẽ êm dịu, tĩnh tại, với những giai điệu cổ điển lãng mạn, đẹp, bay bổng. Và nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh sẽ giúp My có một bộ trang phục biểu diễn nhẹ nhõm, mềm mại. Nhờ đó, người xem sẽ nhớ tới những cuộc đối thoại Đông - Tây, công bằng và sòng phẳng của My với những sắc thái biểu cảm rất khác nhau, thậm chí trái ngược. My không chỉ “nhập đồng”, “bùng cháy” trên sân khấu mà còn có thể rất dịu dàng (cười).

Thật khó để tưởng tượng ra hình ảnh một Phó An My dịu dàng và mềm mại, khi “độ điên trong nghệ thuật”(theo nghĩa tích cực nhất của cụm từ này) dường như đã trở thành thương hiệu của riêng bạn?

Đúng là My luôn “điên”, theo một cách nào đó, trong từng sản phẩm âm nhạc. Ngày công diễn Bóng, nhận lời hứa sẽ có khoản tài trợ 30 triệu đồng, My phóng tay trải thảm đỏ từ trong rạp ra đến tận ngoài đường, gắn hoa hồng nhung (vốn là biểu tượng của đạo Mẫu) lên từng hàng ghế khán giả. Cho dù sau đó chẳng nhận được đồng nào, vì lý do logo của nhà tài trợ bị in hơi mờ trên banner quảng cáo!

Cũng My, khi Bóng vừa lãi được 10 triệu đồng sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã nổi hứng quyết định đem vở diễn Nam tiến, dù vì thế mà phải chịu khoản lỗ hơn trăm triệu đồng. Ngày diễn Lửa, My cũng kỳ công trải thảm, thắp nến trong bình thủy tinh, trưng cúc họa mi từ trong khán phòng ra tận ngoài sảnh. Ngày ấy, My buôn nến, và đó cũng là cách tận dụng sản phẩm ế mà (cười lớn). “Báo hại”, công chúng say mê chụp ảnh tự sướng với thiết kế quá đẹp đó đến nỗi chuông reo mãi mà không chịu vào rạp, buổi diễn phải lùi lại nửa giờ.

Cây đàn đỏ rực trước mặt bạn sẽ song hành cùng My trong cả hai đêm Gió. My đang cân nhắc có nên mua nó hay không. Cũng thích đấy nhưng mua rồi lại phải tính chuyện kiếm tiền đâu ra để trả nợ, rất phiền. My dự tính sẽ mang nó vào cả TP Hồ Chí Minh, chắc chi phí cũng ngốn cả chục triệu đồng. Có người hỏi sao không thuê đàn trong đó cho tiện, khổ nỗi là không kiếm đâu ra chiếc nào mầu đỏ. Đang trong “cơn điên” mới, My không muốn một cây đàn mầu khác, biết làm sao bây giờ!

Là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng My cũng đồng thời phải lo mọi công đoạn từ A đến Z, cho một đêm diễn thành công. Bạn làm thế nào, để cân bằng giữa những giây phút thăng hoa nghệ thuật của một nghệ sĩ dương cầm và bao phép toán khô khan của một nhà sản xuất chương trình?

Nhớ lúc làm Bóng, My hoang mang vô cùng vì không thể mường tượng phải đầu tư một số tiền cụ thể bao nhiêu, để ý tưởng đối thoại piano - hầu văn thành hình. Đạo diễn Việt Tú đã từng chán nản gọi My là “con điên”, khi nghe My trả lời: “Mình có năm triệu đồng, đủ để tiêu trong vòng ba tháng. Còn chi phí sản xuất ư, bán vé là sẽ có tiền mà”. Những ngày chuẩn bị cho Bóng, My rơi vào tình trạng hoảng loạn, khi vừa co chân lên ghế điên cuồng tập đàn trong khi trước mặt là bản sơ đồ rạp Công Nhân với 500 ghế, tay ôm điện thoại với số hotline nhận đặt vé và hồi hộp đến thót tim chờ những hàng ghế dần được lấp đầy. Lần ấy, My sụt chẵn 20 cân thịt. Hai lần sau, với Lửa và Gió, nhờ đã rút được kha khá kinh nghiệm, trọng lượng cơ thể bị hao hụt chỉ còn lại... 10 kg. Nhiều bạn hỏi My, sao không tăng số lượng đêm diễn cho đỡ phí, sau khi đã đầu tư quá nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho mỗi dự án? Thú thật là cứ kết thúc một đêm diễn, My có cảm giác cơ thể hoàn toàn trống rỗng. Mệt mỏi tới mức, cả năm sau đó, My chỉ ngồi thở, chẳng làm được gì khác. Những đêm quá căng thẳng, não bị kích động không thể ngủ được, My tìm ra một thú vui rất buồn cười. Ngồi cả đêm trên cái ghế ngoài sân để rình đập muỗi, như một trò chơi, cảm giác thư giãn vô cùng. Ngoài ra, My nghĩ, lượng công chúng quan tâm đến âm nhạc của My cũng chỉ gói gọn trong một đêm diễn là đủ. Vì thế, dù được GEM Center tại TP Hồ Chí Minh tài trợ một khán phòng ba nghìn chỗ vào đầu tháng 12 tới, My cũng chỉ ấn định 350 tấm vé cho Gió, không hơn.

My chưa bao giờ xác định kiếm tiền nhờ nghiệp diễn. Một dự án kết thúc cũng là lúc My lại bắt đầu chặng đường “kéo cày trả nợ”. Nhưng My rất hạnh phúc, vì cho đến thời điểm này, chưa có một nghệ sĩ biểu diễn cổ điển trong nước nào có thể tự đứng ra tổ chức một đêm diễn, có bán vé như mọi chương trình giải trí mà khán giả tới kín rạp. Điều mà My đã làm được, cho cả Bóng, Lửa và hy vọng là Gió sắp tới. Những gương mặt rạng rỡ, những cảm xúc đa chiều của người xem và quan trọng nhất, không một ai đứng dậy bỏ về giữa chừng. Đó là niềm hạnh phúc, là thành công lớn nhất với ê kíp và riêng cá nhân My.

Gió cũng là dấu chấm hết đẹp đẽ, tròn trịa cho một dự án dài hơi đã đi trọn mười năm. Tò mò chút xíu, ngã rẽ sắp tới của Phó An My là gì?

Năm 2006, Hiển Lâm Các của Cố đô Huế - một không gian biểu diễn đặc biệt khiến My nảy ra ý tưởng bóc tách phần âm nhạc trong dòng chảy di sản văn hóa mà cha ông để lại, không phá vỡ mà chú trọng giữ lại nguyên bản để hai thể loại Đông - Tây có thể song hành, đối thoại. Sự kết hợp bình đẳng, nâng đỡ nhau đã gắn kết hai ngôn ngữ âm nhạc và diễn xướng trở thành một chỉnh thể nghệ thuật thú vị. My đã hoạch định cụ thể từng bước đi, từng loại hình nghệ thuật dân gian sẽ đối thoại. My đã có ba vở diễn lớn, theo một mạch xuyên suốt.

Mười năm qua, My đã trở thành một cái tên, một thương hiệu. Giờ là lúc quay lại với một concept chỉ có âm nhạc, thay vì kết hợp nhiều yếu tố khác (từ nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, đến ánh sáng, âm thanh, hội họa...). Bạn đã từng nghe Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, bản concerto viết cho piano chưa? Cực kỳ quốc tế hóa, một tác phẩm khí nhạc cổ điển nhưng đậm đặc mầu sắc Trung Hoa, không thể trộn lẫn. Đó cũng là cái đích mà My đặt ra cho nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và bản thân mình hướng tới, trên hành trình kế tiếp.

My rất hạnh phúc, vì cho đến thời điểm này, chưa có một nghệ sĩ biểu diễn cổ điển trong nước nào có thể tự đứng ra tổ chức một đêm diễn, có bán vé như mọi chương trình giải trí mà khán giả tới kín rạp.

Sau đối thoại sẽ là độc thoại ảnh 1

Pianist Phó An My

Sinh năm 1977, trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, My làm quen với cây đàn piano từ rất sớm. Mới 13 tuổi, chị đã thi đỗ vào trường E.M.Philips Bach, một địa chỉ đào tạo âm nhạc uy tín ở Đức. Từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của Berlin vào năm 1996, hai năm sau đó, My tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về nước.

Song hành cùng nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, My đã có tròn một thập kỷ mở ra những cuộc đối thoại giữa đương đại và truyền thống. Năm 2011, My “xe duyên” giữa piano và hầu văn để có Bóng. Cuối 2014, chị cho cây dương cầm trò chuyện cùng tuồng để có Lửa. Và Gió (ra mắt vào ngày 29-10-2016 tại rạp Công Nhân, Hà Nội và tái xuất tại GEM Center, TP Hồ Chí Minh vào ngày 3-12-2016), dấu chấm hết cho chặng hành trình Đối thoại sẽ mở ra một trang mới trên con đường nghệ thuật của nữ nghệ sĩ vô cùng cá tính. Từ đây, chị sẽ quay về “độc thoại” cùng cây đàn piano, với những tác phẩm khí nhạc được xây dựng trên cái nền vững chắc của nghệ thuật dân gian.