Sao Mai của trẻ tự kỷ

Hơn mười lăm năm trước tôi đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), một nơi mà nhiều trí thức, doanh nhân đã trở thành bệnh nhân vì áp lực, vì stress quá lớn từ công việc và cuộc sống. Người thường xuyên điều trị cho các bệnh nhân này là bác sĩ Đỗ Thúy Lan - Giám đốc bệnh viện. Dù bận công tác quản lý, nhưng bác sĩ Lan vẫn dành nhiều thời gian để trị liệu trực tiếp, một phần vì đó là nghiệp, phần khác vì ở bệnh viện còn ít người có chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Tôi cứ nghĩ bác sĩ Lan sẽ theo nghiệp của mình cho đến hết đời. Nào ngờ khi gặp lại, bà đã là Giám đốc Trung tâm Sao Mai - ngôi trường dành cho trẻ tự kỷ, theo đ

Một giờ học ở trung tâm Sao Mai. Ảnh: Thanh Vân
Một giờ học ở trung tâm Sao Mai. Ảnh: Thanh Vân

“Sự tích” Sao Mai

Bà già hơn, nhưng giọng trầm ấm - vốn cũng là một thứ trị liệu cho bệnh nhân tâm thần trước đây: “Hồi làm Giám đốc Bệnh viện tâm thần Mai Hương tôi thỉnh thoảng đi quận, huyện để giảng bài, kiểm tra chất lượng quản lý nội trú tâm thần, nhiều người hỏi là làm thế nào để giúp các cháu nhỏ bị tâm thần. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết cho trẻ dùng thuốc để hạn chế hành vi. Năm 1992, tôi nhận được học bổng học nhi tâm thần ở Hà Lan nên nhận ra rằng lâu nay mình sai lầm khi dùng thuốc cho bệnh nhân, thực chất để điều trị bệnh này phải là giáo dục. Tôi được các thầy dẫn đi thăm hệ thống can thiệp sớm và hệ thống giáo dục chuyên biệt của Hà Lan. Họ còn dẫn tôi đi gặp Ủy ban 2 của Hà Lan để nói về điều kiện, hoàn cảnh trẻ bị khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam như thế nào, ở Hà Nội như thế nào. Họ đồng ý giúp tôi để đào tạo giáo viên”.

Bác sĩ Lan đã nhận ra rằng những đứa trẻ mà thời đó ở Việt Nam người ta gọi là tâm thần thực ra là bị bệnh tự kỷ. Trở về từ Hà Lan, bà mở thí điểm một trạm để chăm sóc, điều trị cho 15 cháu tự kỷ. Lúc đó, cháu ít tuổi nhất 5 - 6 tuổi, nhiều nhất 16 tuổi, tất cả đều phát hiện muộn. Làm được hai năm thì Ủy ban 2 của Hà Lan gửi chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt, y tá sang đào tạo cho giáo viên kỹ năng và hiểu biết, các phương pháp can thiệp cho chuẩn. Nhờ đó mà trạm của bác sĩ Lan đạt được một số thành công. Lúc đó, trạm trực thuộc Bệnh viện tâm thần Hà Nội, nhưng rồi ông giám đốc yêu cầu giải tán. Nhiều phụ huynh đến khóc, bảo giải tán thì các con bơ vơ không biết đi đâu. Bà Lan tìm đến trình bày với Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội. Ông giám đốc giao cho một cán bộ phối hợp để mở lớp giáo dục đặc biệt, nhưng ông này không hiểu về chuyên môn nên lại bỏ ngỏ. Các cháu tự kỷ trở nên bơ vơ. Bức bách quá, bà Lan tìm đến Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật xin mở trung tâm. Bà phải thuê nhà ở phố Đội Cấn để mở lớp. Sau đó, Ủy ban 2 Hà Lan tài trợ mua sắm trang thiết bị và một tổ chức của Mỹ hỗ trợ tiền thuê nhà. Lúc đó thu học phí thấp 50-100 nghìn đồng, không đủ chi trả cho ba giáo viên, bà Lan phải bỏ tiền túi ra và mở phòng mạch để có kinh phí duy trì lớp. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà đã giúp cho trạm dần phát triển. Phụ huynh nhận thấy phương pháp giáo dục đặc biệt giúp con tiến bộ nên số lượng học sinh tăng nhanh. Bác sĩ Lan mở thêm một trung tâm nhỏ ở phố Nghĩa Tân. Cơ sở vật chất tiện nghi hơn, giáo viên được qua đào tạo bài bản nên phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ đạt hiệu quả nhất định. Đó là điều bà vui nhất bởi chấp nhận khai phá một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, phải chạy vạy nhiều nơi, bỏ tiền túi ra thuê nhà, trả lương cũng chỉ với mong muốn mang đến cho những đứa trẻ tự kỷ một cơ hội được thay đổi chính mình, thay đổi số phận.

Năm 2000, bà bắt đầu đôn đáo đi xin đất xây trường. Vượt qua nhiều cửa ải, bà được cấp miếng đất 1.000 m2 ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội), một tổ chức của Mỹ tài trợ tiền xây dựng. Mới nghe qua điều đó tưởng đơn giản, nhưng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, để trung tâm 5 tầng mọc lên giữa đất vàng trong thời buổi bất động sản thủ đô đang lên cơn sốt quả thật gian nan. Ở trung tâm này, còn có một quán café mang tên Nhân Đạo, nơi mà học sinh tự kỷ tự kinh doanh để có thêm thu nhập và cũng là cách học để hòa nhập tốt hơn.

Nơi thay đổi “định mệnh”

Trung tâm Sao Mai trở thành điểm đến của nhiều trẻ tự kỷ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, có những thời điểm tới gần 200 học sinh. Con số ấy đối với một ngôi trường bình thường quá nhỏ bé, nhưng với trung tâm dành cho trẻ tự kỷ thì lại là một điều hiếm hoi. Một đứa trẻ tự kỷ đến trường là cả một “hành lộ nan” và một cuộc đời tưởng như an bài trong định mệnh có thể thay đổi. Trước đây, người ta cứ nghĩ rằng chúng lớn lên, không ngôn ngữ, không giao tiếp đều bị tâm thần, do ma quỷ ám nên họ giấu con trong nhà. Nhưng giờ khi truyền thông nói nhiều về căn bệnh tự kỷ có thể điều trị nếu được trị liệu sớm thì số trẻ tự kỷ đến với Trung tâm Sao Mai nhiều hơn.

Sao Mai của trẻ tự kỷ ảnh 1

Bà Đỗ Thúy Lan (ngoài cùng, bên phải) với các em ở trung tâm Sao Mai.

Thằng bé đang chơi bỗng dưng trèo lên nóc tủ ngồi, nhanh gọn như một con khỉ. Một đứa khác bỗng dưng đập đầu vào tường và tự cắn tay mình... Đó là những chuyện thường ngày diễn ra ở lớp học của Sao Mai mà tôi đã chứng kiến. Tôi nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ đẹp như thiên thần nhưng hoàn toàn câm lặng. Những đứa trẻ tự kỷ cứ như người ngoài hành tinh, đắm chìm trong thế giới của chúng, chẳng hề bận tâm đến những gì xảy ra chung quanh và có thể cả cuộc đời sẽ luôn như vậy. Cô giáo sẽ phải làm sao đưa những đứa trẻ này trở về với thực tại, nhớ rằng mình có cha, có mẹ và cả một thế giới chung quanh đáng chan hòa. Một giáo viên làm việc với năm trẻ tự kỷ, vất vả không sao kể xiết. Mỗi hành vi đều phải có cách xử lý riêng sao cho bảo đảm tính giáo dục.

Trung tâm Sao Mai giờ có 90 giáo viên và cán bộ công nhân viên. Lương giáo viên trung bình khoảng gần 7 triệu/tháng, đóng bảo hiểm và lễ, Tết đều có thưởng. Ngày càng có nhiều trường dạy trẻ tự kỷ mở ra, có nơi còn nhái Sao Mai để thu hút học sinh. Đó quả là áp lực lớn với bác sĩ Đỗ Thúy Lan khi mà bà không muốn tăng học phí với cha mẹ trẻ tự kỷ. Bởi theo đuổi con đường này không phải vì mục đích kinh doanh mà Sao Mai hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, tạo môi trường học cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ tự lập được. Có những đứa trẻ hoàn cảnh quá khó khăn, bà giảm hoặc miễn hẳn học phí. Bà không muốn vì trẻ phải nghỉ học ở nhà vì nghèo và khi đó cuộc đời chúng sẽ mãi chìm trong bóng tối.

Bà kể: “Cháu Tuấn Anh (Quảng Ninh) vào trung tâm từ lúc ba tuổi, không có giao tiếp và có vấn đề về hành vi nhưng sau một thời gian đào tạo, đã trở về cuộc sống bình thường, học rất giỏi toán, chủ động nói chuyện giao lưu với người thân. Bé Mai vào trung tâm lúc 5 tuổi, gia đình gửi gắm vào đây chỉ mong sau này bé biết đếm tiền, phụ giúp mẹ bán xôi. Mới đầu, dạy trẻ rất khó khăn nhưng sau một năm, bé đã ra chợ mua thức ăn biết mặc cả với người bán hàng. Mỗi năm có 50-60 cháu ra trường, mỗi một cháu hòa nhập tốt với cộng đồng là một phần thưởng của trung tâm và một niềm vui không gì sánh nổi với tôi”.

Mắt bà ánh lên niềm vui khó tả và tôi chợt hiểu vì sao người phụ nữ gần 70 tuổi này vẫn không chịu nghỉ ngơi mà cứ gắng sức phát triển Sao Mai. Với trẻ tự kỷ, thì bà cũng toát ra một thứ ánh sáng của Sao Mai, thứ ánh sáng cho người ta niềm tin và hy vọng, hướng về phía trước, không bỏ cuộc. Nhưng bà tâm sự với tôi rằng, nhiều khi cảm thấy cô đơn trong hệ thống giáo dục này, thí dụ như ngày khai giảng của Trung tâm Sao Mai, bà mời một số quan chức chính quyền tới dự, nhưng hầu như rất ít người đến vì hình như họ đang bận đến những ngôi trường điểm nào đó dành cho học sinh bình thường. Trẻ tự kỷ thì không biết vỗ tay sau những bài diễn văn và trường của trẻ tự kỷ cũng còn nghèo.