Không gian Hồ Gươm:

Ðộng tới là lúng túng?

Nâng lên đặt xuống suốt bốn năm, câu chuyện về vị trí đặt ga tàu điện ngầm tại khu vực Hồ Gươm vẫn là sự lặp lại của một thực tế từng diễn ra nhiều năm trước đó: chúng ta luôn bị động và lúng túng trong việc khai thác không gian văn hóa lịch sử này.

Không gian đặc thù của Hồ Gươm luôn “nhạy cảm” với các công trình kiến trúc mới. Ảnh: TL
Không gian đặc thù của Hồ Gươm luôn “nhạy cảm” với các công trình kiến trúc mới. Ảnh: TL

Cụ thể, cuối tháng ba vừa qua, lãnh đạo Hà Nội có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai lấy ý kiến của chuyên gia và cộng đồng về vấn đề bố trí lối lên xuống tại nhà ga này. Trước đó, ngày 10-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có công văn tương tự, yêu cầu bổ sung thêm phương án đối chứng và ghi rõ: “việc bố trí hai lối lên xuống và biện pháp thi công dự kiến tại khu vực ven hồ chưa nhận được ý kiến đồng tình của các nhà khoa học”.

“Tiện” chưa hẳn đã tốt

Theo thiết kế, ga tàu điện tại Hồ Gươm có ký hiệu C9, dài 150 mét, nằm sâu 20 mét dưới mặt đường Đinh Tiên Hoàng. Vị trí đặt ga nằm phía trước cửa Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Từ vị trí này, hai lối lên xuống cho hành khách được mở sang phía Hồ Gươm, nằm khá gần mặt hồ với các kích thước lần lượt là 4,3 x 16,5 mét và 6,5 x17 mét. Nhà ga này là một phần của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với chức năng phục vụ các hành khách có nhu cầu tới Hồ Gươm.

Thực tế, dù nằm ngầm và không làm ảnh hưởng tới cảnh quan về mặt lý thuyết, vị trí đặt ga C9 cũng đã gây ra nhiều tranh luận, kể từ năm 2013 đến nay. Thời điểm ban đầu, trong báo cáo khả thi của dự án đường sắt, ga C9 được đặt tại vườn hoa trước cửa đền Ngọc Sơn (gần đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử quân). Tuy nhiên, sau những phản ứng khá mạnh của giới chuyên gia, ga được kéo lùi xuống gần 100 mét, ở vị trí hiện tại.

Dù vậy, trong một vài cuộc hội thảo từ 2013 đến nay, nhiều ý kiến phản biện vẫn tỏ ra băn khoăn về vị trí mới này. Theo đó, dù nằm ngầm, việc thi công một nhà ga có diện tích lớn vẫn bắt buộc phải tiến hành theo phương pháp đào - lấp và xây dựng từ trên xuống. Do vậy, quá trình thi công chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới địa chất, hệ thống cây xanh và môi trường hiện có tại Hồ Gươm - vốn từng được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Công trình nghiên cứu tiền khả thi của JICA (Quỹ phát triển quốc tế Nhật Bản, đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho tuyến đường sắt này) cũng từng khuyến nghị khá rõ về vấn đề này.

Ở một góc độ khác, dù được cho là tạo điều kiện tối đa để phục vụ khách tham quan, việc đặt nhà ga quá sát Hồ Gươm cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Theo phân tích dự báo của JICA, lượng hành khách lên xuống tại ga C9 mỗi ngày sẽ đạt khoảng 98 nghìn người vào năm 2020 và tiếp tục tăng thêm trong giai đoạn sau. Lượng khách này rất dễ gây nên cảnh ách tắc cục bộ vào giờ cao điểm, cũng như phá vỡ vẻ trầm mặc vốn có tại đây.

Ý kiến của một số KTS cũng cho thấy, việc đặt ga tàu điện tại di tích hoặc điểm du lịch phụ thuộc rất nhiều vào không gian hiện có. Trên thế giới, nếu muốn áp sát như vậy, không gian tại nhà ga phải đủ rộng với những khoảng lùi, hệ thống đường đi bộ và quảng trường để phân tán hành khách xuống tàu ra các hướng khác nhau. Với Hồ Gươm, việc đặt ga C9 ở vị trí ngay gần mặt hồ lại không phù hợp. Thực tế, chưa cần có ga ngầm này, tình trạng quá tải chen lấn đã từng nhiều lần xảy ra ở đây trong những dịp lễ hội.

Hãy thận trọng với không gian Hồ Gươm

Vài năm qua, trong rất nhiều cuộc hội thảo, những đặc điểm chung nhất về kiến trúc và quy hoạch sẵn có của Hồ Gươm đã được giới KTS tổng kết. Đó là sự hài hòa đặc biệt của những công trình cũ quanh hồ với mặt nước và không gian xanh, là cách kết nối để trở thành “điểm dừng” của 17 tuyến phố nhỏ dẫn ra hồ, là sự khoan hòa khiêm nhường nhưng vẫn đầy hấp dẫn của những điểm nhấn như đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay Tháp Bút.

Và, để “bổ sung” vào Hồ Gươm, những công trình xây dựng sau này cần đặc biệt tuân thủ phong cách chung ấy, cả về tỷ lệ, mầu sắc và công năng. Nói cách khác, không gian văn hóa, lịch sử và ký ức này không dễ ăn nhập với sự ồn ào, náo nhiệt mang sắc màu hiện đại.

Ðộng tới là lúng túng? ảnh 1

Phối cảnh ga C9 với lối lên xuống nằm sát mặt Hồ Gươm.

Ðộng tới là lúng túng? ảnh 2

Phương án đưa ga tàu điện tránh Hồ Gươm (nét đứt) của JICA.

Được biết, ý tưởng giải tỏa bớt áp lực giao thông quanh hồ cũng từng được đặt ra. Cụ thể, sau khi đường xe điện bị tháo bỏ vào đầu thập niên 1990, trục đường Đinh Tiên Hoàng trở nên quá rộng và “hút” khá nhiều dòng xe. Từ đó, Hồ Gươm trở thành một “đảo giao thông” khổng lồ, người đi quanh hồ như đi trên một vòng xoay lớn, không còn tĩnh tâm ngắm hồ, suy ngẫm... Đề xuất này được đánh giá cao ở việc thu hẹp mặt cắt đường Đinh Tiên Hoàng từ chiều rộng hiện tại 20m xuống còn 8m để hạn chế xe cộ. Đồng thời, vỉa hè Hồ Gươm sẽ được nới rộng trên phần diện tích lòng đường dôi ra, để tăng khoảng cây xanh ven hồ phục vụ du khách tham quan.

Với trường hợp ga tàu điện C9, để tránh áp sát Hồ Gươm, bản tư vấn của JICA cũng đã từng đưa ra một phương án thứ hai: từ Hàng Đậu, đường sắt sẽ đi thẳng ra Trần Nhật Duật rồi bám theo hướng Nguyễn Hữu Huân - Ngô Quyền - Lê Văn Hưu - Phố Huế. Phương án này đưa tuyến đường sắt nằm cách Hồ Gươm từ 100 đến 400 mét về phía Đông, đồng thời bố trí hai nhà ga khác ở phố Nguyễn Hữu Huân và vườn hoa Con Cóc thay thế cho nhà ga C9 trên đường Đinh Tiên Hoàng. Rất tiếc, vì nhiều lý do, phương án này đã không được chọn.

Do vậy, khi tuyến đường sắt được quy hoạch chạy ngầm từ Hàng Đào qua Đinh Tiên Hoàng về Hàng Bài, các chuyên gia trong thời gian qua cũng chỉ còn cách đưa ra một số giải pháp theo dạng “chữa cháy”. Đó là ý tưởng chuyển hướng lên/xuống của ga sang phía đối diện Hồ Gươm (hè phố trước cửa Tổng công ty Điện lực Việt Nam), kéo lùi ga xuống thêm phía dưới đường Đinh Tiên Hoàng.

Thậm chí, cũng có ý kiến đề xuất khắc phục bằng cách làm lối lên xuống theo cách “lùi xa” khỏi khu vực quanh hồ. Nghĩa là từ nhà ga, thay vì đi lên phía Hồ Gươm, du khách sẽ theo đường ngầm đi ra một không gian khác cách đó vài trăm mét như Cung Thiếu nhi, vườn hoa Lý Thái Tổ hoặc khu vực trước mặt Ngân hàng Nhà nước.

“Cũng dễ hiểu khi hàng chục năm qua, công luận luôn dành sự chú ý và phản biện mạnh cho mọi dự án xây dựng quanh hồ” - ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng Hà Nội, nhận xét. “Bởi với những lớp giá trị kèm theo, Hồ Gươm vẫn được coi như một biểu tượng trong tâm thức cộng đồng về vấn đề giữ gìn di sản. Và cũng là nơi đòi hỏi cao nhất về tài năng của giới kiến trúc sư trong việc xử lý mối quan hệ giữa hai yếu tố phát triển - bảo tồn”.

Và, để “bổ sung” vào Hồ Gươm, những công trình xây dựng sau này cần đặc biệt tuân thủ phong cách chung ấy, cả về tỷ lệ, màu sắc và công năng. Nói cách khác, không gian văn hóa, lịch sử và ký ức này không dễ ăn nhập với sự ồn ào, náo nhiệt mang sắc màu hiện đại.

Đáng nói, những tranh cãi liên quan tới Hồ Gươm trong vài năm qua thường đến ngay từ một số kế hoạch nhằm tô điểm, hoặc phát huy tiềm năng của điểm nhấn văn hóa lịch sử này. Bên cạnh câu chuyện của ga tàu điện ngầm, đó còn là trường hợp của ý tưởng lát đá xanh quanh hồ vào năm 2010, hoặc gần hơn là hình dạng của “đài hoa” đặt tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu năm nay. Có nghĩa, dù với “thiện ý”, việc tiếp cận Hồ Gươm trước hết vẫn phải xuất phát từ việc hiểu rõ đặc thù hiện có của không gian văn hóa lịch sử này.