Hàng xách tay, lợi thì có lợi...

Hàng xách tay, thường được hiểu là thứ tiêu dùng cá nhân, không mang mục đích kinh doanh thương mại, nhưng trên thực tế, nghĩa từ này đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Ý tưởng kinh doanh hàng xách tay hiện nay là đích nhắm của nhiều người và đồng nghĩa với việc các cửa hàng mọc lên mật độ ngày một dày hơn.

Một shop kinh doanh hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn, Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Minh Trí
Một shop kinh doanh hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn, Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Minh Trí

Giá tùy... duyên, chất lượng tùy... may rủi

Chị H. nhiều năm nay là chủ một quán cà-phê có vị trí khá đẹp trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội). Mấy năm lại đây, chị bày thêm một tủ kính chuyên bán đồ xách tay. Chủng loại không đa dạng lắm, dăm đôi giày nữ, dăm cái ví, túi xách, nước hoa, nhiều nhất là mỹ phẩm, kem dưỡng da, sữa tắm, kem đánh răng, vậy mà chị bán khá chạy.

Chị H. cho biết, thoạt đầu là vài thứ lặt vặt người ta ký gửi ở quán, khách đến uống cà-phê tiện thì mua. Ba năm trước, con trai chị đi du học Đức, chị có nguồn hàng ổn định từ Đức mà con chị gửi về theo khách đặt hàng. “Mua bán kinh doanh giờ rất thuận lợi. Bạn chỉ cần cho biết bạn muốn mua món gì, có trên trang web không, tôi lấy đường link sản phẩm chuyển cho con trai, chỉ trong vòng một tuần, mười ngày là bạn có trong tay sản phẩm mình cần rồi. Các kênh giao tiếp như Viber, WhatsApp, Messenger cho phép thoải mái nhắn tin gửi ảnh, gọi điện miễn phí, thông tin qua lại dễ dàng thuận lợi, việc buôn bán ngày một hanh thông, lượng khách hàng quen biết của chị đang mở rộng hơn, chị H. phấn khởi chia sẻ tới đây sẽ tính đến hướng kinh doanh lâu dài.

Trên địa bàn thành phố, các cửa hàng bán hàng xách tay quy mô lớn nhỏ âm thầm hoạt động, đa dạng từ các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, thuốc chữa bệnh đến hàng điện tử, quần áo, giày dép, túi xách... Hàng hóa được lưu thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức, từ mua bán trực tiếp tại cửa hàng đến chụp ảnh, giao dịch online trên internet, thông qua các diễn đàn và mạng xã hội. Trên thị trường hiện nay hầu hết chọn kinh doanh các mặt hàng đã được người tiêu dùng ưa chuộng của các quốc gia, từ châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Nga đến châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Thái-lan... Chỉ một số ít kinh doanh đồ chuyên biệt của Thái-lan, Nhật do lượng khách hàng có thói quen sử dụng hóa mỹ phẩm, đồ dùng của hai quốc gia này quen thuộc từ nhiều năm nay.

Cùng một sản phẩm là bột ca-cao pha sữa, nhãn Choco Drink, 800g của Đức, một shop khá lớn trên phố Vạn Bảo bán giá 160 nghìn đồng, cửa hàng đồ gia dụng xách tay Đức ở phố Đặng Văn Ngữ đang đề bán 140 nghìn đồng trong khi đó, ở “thủ phủ” đồ xách tay ở Nguyễn Sơn, giá bán chỉ 110 nghìn đồng. Nhiều sản phẩm khá phổ biến trong các cửa hàng xách tay Đức trong thời gian này là vitaminC, calcium, magnesium dạng viên sủi, được bán đồng giá ở các nơi khác nhau trong khoảng 40 đến 60 nghìn đồng. Hoa quả sấy khô, thực phẩm cũng được nhiều người quan tâm. Cô bán hàng trên phố Nguyễn Sơn đon đả đưa cho khách một hộp nho khô nguyên cành, giới thiệu có nguồn gốc từ Australia, tuy nhiên, ngoài hộp bằng nilon mỏng gập hai mép bằng... dập ghim, không có thêm bất kỳ dấu hiệu nào chứng minh lời cô bán hàng nói là đúng. Dạo quanh, các cửa hàng kinh doanh đồ xách tay khác cho thấy ngoài số hoa quả sấy khô được đóng gói cẩn thận có in xuất xứ, hạn sử dụng của hãng Kirkland, Oceanspray, thì phần lớn mặt hàng được đóng gói sơ sài, không nhãn mác.

Điều đáng ngại là tất cả sản phẩm bày bán ở hầu hết cửa hàng xách tay được khảo sát, dù được in mã số mã vạch trên bao bì sản phẩm, nhưng khi khách hàng kiểm tra nhanh bằng các phầm mềm đọc mã vạch (barcode scanner, RedLase, bakodo) ứng dụng trên smartphone thì đều không hiển thị thông tin nào về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Làm người tiêu dùng thông thái dễ hay khó?

Chị L. T., một giảng viên đại học đang sống ở Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) sau một buổi la cà các shop xách tay ở phố Nguyễn Sơn (Long Biên) đã quyết định không mua gì, và đưa ra kết luận khá khôn ngoan: Không nên đặt niềm tin vào một thứ mơ hồ như người bán hàng quảng cáo. Tôi vẫn quyết định tiêu dùng sản phẩm trong nước. Đồ hóa mỹ phẩm của mình lành tính, phù hợp túi tiền. Dầu gội Thái Dương rất tốt, sữa rửa mặt Hazeline chiết xuất từ dưa leo dùng rất thích, giá chưa đến 30 nghìn đồng một tuýp, sữa Mộc Châu, TH Truemilk, Ba Vì... đều là những sản phẩm nội địa tốt, sao phải mua hàng ngoại mới được. Vấn đề là trong điều kiện hiện nay, có chắc chắn ta mua được đồ chuẩn chưa, hay cùng một sản phẩm tiêu dùng đó, ta phải bỏ ra nhiều tiền hơn mà nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chị T. đang hào hứng đột nhiên xuống giọng: “Tuy nhiên, nước hoa, một số đồ mỹ phẩm, một số phụ kiện như kính, khăn - niềm đam mê của tôi, vẫn phải “cầu viện” từ bên ngoài chứ! Tất nhiên, hầu hết những món đó tôi đều tự mua từ các chuyến công tác nước ngoài, hoặc nhờ bạn bè đồng nghiệp mua hộ, hoặc đặt hàng từ các trang web mua sắm uy tín”. Lựa chọn mua hàng xách tay đồng nghĩa với những rủi ro, những bất lợi mà người mua không kiểm soát được về chất lượng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc, không được hưởng chính sách bảo hành từ chính hãng.

Thả nổi quản lý

Chỉ cần tìm một mặt bằng tầm vài chục m2, đầu tư vài dãy giá để đồ, một máy tính tiền, một máy nhập mã sản phẩm để quản lý hàng hóa xuất nhập, và ít vốn đầu tư ban đầu cho nhập hàng hóa, là cuộc kinh doanh đã có thể bắt đầu.

“Khi làm các thủ tục hành chính để mở rộng loại hình kinh doanh hàng xách tay, chị có gặp khó khăn không?” Tôi hỏi chị H., khi chị vừa đưa ly cà-phê nâu thơm lừng cho khách, vừa tranh thủ quảng cáo mặt hàng kem đánh răng mới của Đức mà con trai chị vừa gửi về. Chị cười nhẹ: “Mình đóng thuế hằng tháng đầy đủ từ kinh doanh quán cà-phê, đây gọi là giúp cháu kiếm thêm tiền đóng học phụ mẹ, các bác ấy cũng đến hỏi han, mình có lời tử tế thì người ta thông cảm thôi...”.

Luật sư Lưu Thùy Linh, Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt từng tư vấn cho nhiều khách hàng về các thủ tục mở cửa hàng kinh doanh hàng xách tay hoạt động đúng pháp luật cho biết, thủ tục pháp lý đơn giản, có thể áp dụng hình thức kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể, tiến hành đăng ký Giấy phép đăng ký kinh doanh đối với mặt hàng mình cần kinh doanh. Tuy nhiên, chính sự xuê xoa, dễ dãi trong cách làm việc của cơ quan chức năng, các đơn vị kinh doanh đã lợi dụng điều đó để hoạt động trái pháp luật.

Việc kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn chứng từ nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là chức năng của cơ quan quản lý thị trường. Quản lý lỏng lẻo thì hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn nhiều, thị trường bị nhiễu loạn. Quản lý chặt thì thị trường lành mạnh, an toàn.

Mới đây, Hãng sữa Meiji của Nhật Bản đã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam không thông quan đối với sản phẩm sữa bán trong nội địa Nhật Bản vào thị trường Việt Nam và không cấp phép nhập khẩu. Lý do đưa ra kiến nghị từ hãng này là họ bắt gặp sữa Meiji xách tay xuất hiện tràn lan tại thị trường Việt Nam, và hãng không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không loại trừ khả năng bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng gây mất uy tín cho hãng.

Trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các vụ thu hồi liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến cộng đồng những người chuộng hàng xách tay lo ngại. Hãng Pharmavite LLC của Mỹ kêu gọi thu hồi một số sản phẩm vitamin, cụ thể là kẹo gôm vitamin tổng hợp Nature Made khi nghi ngờ chúng có thể bị nhiễm salmonella hoặc tụ cầu khuẩn, có thể gây nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch, đe dọa sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Trước đó không lâu, Bộ Y tế Australia đã ra quyết định thu hồi nhiều lô sản phẩm thuốc hạ sốt Paracetamol Panadol dành cho trẻ em dưới 12 tuổi do hãng dược phẩm Glaxo Smith Kline sản xuất có hạn sử dụng đến năm 2018, do nghi bị nhiễm độc có thể gây ra tình trạng dị ứng...

Thị hiếu tiêu dùng hàng xách tay cùng tâm lý sính ngoại đã được nhà kinh doanh khai thác triệt để để người tiêu dùng phải móc hầu bao. Trước thực trạng thị trường hàng xách tay gần như bị thả nổi như hiện nay, không chỉ thất thu ngân sách mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Rõ ràng, thực tế đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự lành mạnh của thị trường.

Lựa chọn mua hàng xách tay đồng nghĩa với những rủi ro, những bất lợi mà người mua không kiểm soát được về chất lượng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc, không được hưởng chính sách bảo hành từ chính hãng.