Thị trường gấc Việt có nguy cơ mất thương hiệu vì hàng giả, hàng nhái

NDO -

NDĐT - Dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa tới 75% các chất gây ung thư, nhất là ung thư vú, chống ô-xy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch... Thị trường gấc Việt có khả năng “cất cánh” tới các thị trường lớn trên thế giới nhưng đang phải đối mặt với nguy cơ bị mất thương hiệu vì sự tấn công của hàng giả, hàng nhái, làm người tiêu dùng hoang mang và ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính.

Thị trường gấc Việt có nguy cơ mất thương hiệu vì hàng giả, hàng nhái

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa” diễn ra sáng 23-11.

Thị trường gấc Việt còn nhiều tiềm năng

Bác sĩ Nguyễn Công Suất cho biết, gấc là trái cây phổ biến và bình dân ở Việt Nam, nhưng được thế giới gọi là loại “quả đến từ thiên đường” (fruit from heaven) với việc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và cao gấp 68 lần cà chua. Hợp chất của Beta Caroten, Lycopen, Vitamin E... trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa tới 75% các chất gây ung thư, nhất là ung thư vú, chống ô-xy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch...

Các sản phẩm dầu gấc được sản xuất tại Việt Nam dưới dạng viên nang có tác dụng phòng chống lão hóa, bảo vệ da, phòng chữa viêm gan, xơ gan và những tổn thương tiền ung thư, phòng chữa thiếu vitamin, suy dinh dưỡng trẻ em, khô mắt, mờ mắt, thiếu máu dinh dưỡng, hạ cholesterol trong máu, phòng chữa các bệnh về tim mạch và tiểu đường... Dầu gấc Việt Nam có tác dụng phòng ngừa, chữa bệnh khô giác mạc mắt, quáng gà, suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ, giúp tăng trưởng hồng cầu. Dầu gấc còn giúp trẻ ăn tốt hơn và phát triển cân đối... Dầu gấc làm da, tóc mịn màng, mau lành vết thương, vết loét và đặc biệt, dầu gấc còn cho vào các món ăn để tạo mầu...

Thị trường gấc Việt có nguy cơ mất thương hiệu vì hàng giả, hàng nhái ảnh 1

Các sản phẩm từ dầu gấc rất tốt cho sức khỏe.

Khai thác tiềm năng này, một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất vào việc chiết xuất tinh chất và xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa. Là loại cây rất dễ trồng, dễ sống, không sâu bệnh, hiện nay đã có nhiều hộ nông dân khấm khá lên nhờ trồng gấc.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhờ phát triển những vùng nguyên liệu trồng gấc tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tây Nguyên..., lượng gấc xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và hiện chưa có đối thủ. “Theo ghi nhận sơ bộ của chúng tôi, sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt bình quân 500 - 1.000 tấn/năm, vào Ấn Độ khoảng 11 nghìn tấn/năm, vào Nhật 4,2 triệu tấn/năm, vào Thái-lan khoảng một triệu tấn/năm, vào châu Âu khoảng hơn hai triệu tấn/năm...”, bà Hằng cho hay.

Tuy mới phát triển trên diện rộng và thu hoạch những vụ đầu, nhưng năng suất gấc bình quân ở một số vùng nguyên liệu đã đạt khoảng 10 - 12 tấn/ha. Với mức giá thu mua trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ đi chi phí sẽ có thu nhập vào khoảng 80 triệu đồng/ha. Nếu chăm sóc tốt, cây gấc có thể cho thu hoạch liên tục trong 5 - 10 năm với sản lượng 18 - 20 tấn/ha, khi đó thu nhập có thể lên tới 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Do đó, với tiềm năng này, các công ty cũng sẽ dễ tạo được vùng nguyên liệu qua việc liên kết với các hộ dân. Tiềm năng về thị trường xuất khẩu gấc còn rất lớn và Việt Nam vẫn đang chiếm nhiều ưu thế về chất lượng trái gấc và cả diện tích trồng nhờ lợi thế về thổ nhưỡng.

Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu nguyên liệu gấc vẫn còn bỏ ngỏ do nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thu mua gấc với số lượng lớn hoặc các vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ của các nước Mỹ, Nhật. Thực tế, diện tích trồng gấc hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu.

Ông Nguyễn Công Suất, Tổng Giám đốc Công ty VNPOFood khẳng định “Công ty chúng tôi sẵn sàng thu mua gấc với số lượng 5.000 tấn/năm. Song nguồn nguyên liệu hiện vẫn chưa đáp ứng được, vì thế ngoài các tỉnh miền bắc chúng tôi cũng đang nghiên cứu và mở rộng diện tích gấc vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Tôi cũng cho rằng, tiềm năng của cây gấc là rất lớn và còn nhiều cơ hội để phát triển”.

Nhằm khai thác tiềm năng dồi dào của địa phương, tháng 10 vừa qua, Trung tâm Thông tin ứng dụng Khoa học Công nghệ Đác Nông đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý cho triển khai Dự án “ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại tỉnh Đác Nông”. Dự án hứa hẹn sẽ mang đến cho bà con tỉnh Đác Nông loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.

Gấc Việt trước nguy cơ bị mất thương hiệu

Thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu trong các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp sản xuất thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đang tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc nhãn mác của nhiều sản phẩm “tương tự” nhau gây nên sự nguy hại lớn trước hết cho người tiêu dùng, làm thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Việt Nam có không nhiều các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gấc như Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFood), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Đông Phương, Gấc Việt, Nafoods… phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Những doanh nghiệp này đều đang phải đối mặt với thực trạng bị làm giả, làm nhái một cách tinh vi về cả thương hiệu lẫn các sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Ban Pháp chế, Cục Sở hữu trí tuệ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sở hữu Trí tuệ lấy thí dụ, tại Việt Nam, thương hiệu VINAGA đã có mặt trên thị trường 18 năm, đã có mặt tại các nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức và mới nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc “nhái”.

Chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất, GĐ Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFood) cho biết, các doanh nghiệp khác làm hàng giả, nhái bằng cách thêm bớt chính tả vào tên gọi, nhưng vẫn giữ nguyên phông chữ, màu sắc của bao bì giống với VINAGA gây nhầm lẫn với sản phẩm gốc và đánh lừa người tiêu dùng như sản phẩm nhái đến 90% bề ngoài VITAGA.

"Nếu bạn mua nhầm những sản phẩm cũng chiết xuất từ gấc nhưng không phân tách được hàm lượng Beta Caroten, Lycopen… theo đúng quy trình khoa học, thì những sản phẩm bạn mua có thể chẳng giúp ích gì cho sức khỏe. Tệ hơn nữa, nếu đó chỉ là những sản phẩm “giả” gấc mà thực tế là pha trộn thêm chất tạo màu, thì còn có hại cho cơ thể. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn làm mất uy tín của sản phẩm Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới", BS Suất nói.

Thị trường gấc Việt có nguy cơ mất thương hiệu vì hàng giả, hàng nhái ảnh 2

Sản xuất dầu gấc phải bảo đảm đúng quy trình để có thành phẩm tốt cho sức khỏe.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, câu chuyện của VINAGA là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Hà Nội hiện có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hơn 50% doanh nghiệp chưa lưu ý xây dựng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Vì thế, để bảo vệ doanh nghiệp mình trước việc bị lợi dụng thương hiệu, ông Nguyễn Đắc Lộc, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhấn mạnh, các doanh nghiệp nên chọn cho mình tên thương hiệu có ý nghĩa, tránh những từ liên quan đến doanh nhân, tính từ (thí dụ như “Đẹp”)… để các doanh nghiệp khác khó bắt chước. “Các doanh nghiệp cần có giải pháp bảo hộ vì chưa chắc chúng ta bị xâm phạm thương hiệu trong nước, có thể bị xâm phạm từ biên giới nên việc truy tìm người làm hàng giả khó”, ông Lộc tiếp lời “Nếu doanh nghiệp nào đã có xác nhận về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan chức năng, gửi đến cơ quan quản lý thị trường, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý vi phạm ngay lập tức”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng đề cập đến các cơ hội phát triển các sản phẩm tinh chế từ trái gấc đối với thị trường trong nước và nước ngoài, và đặc biệt bàn thảo về các giải pháp khả thi và thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, vấn đề nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình trước sóng gió của thị trường, trong đó có vấn nạn hàng giả, hàng nhái.