“Siết” quản lý gian lận trên nền tảng thương mại điện tử

NDO -

Dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp là cơ hội để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, chinh phục người tiêu dùng. Song gian lận trên TMĐT cũng có cơ hội gia tăng.

Lực lượng quản lý thị trường tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.
Lực lượng quản lý thị trường tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

“Nóng” gian lận trên nền tảng TMĐT

Nhìn thấy một mẫu váy rất đẹp được quảng cáo trên facebook, chị Nguyễn Hoàng Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhanh chóng đặt mua. Với mức giá gần 1 triệu đồng, chị hy vọng nhận được một sản phẩm chất lượng và ưng ý, song sản phẩm đến tay lại không như mong đợi.

“Chất vải xù, nhanh giãn và phom dáng không như mong đợi. Chưa kể, sản phẩm được quảng bá có màu khá tối, không sáng như ảnh chụp. Các chi tiết nhỏ như cúc, cổ tay… cũng không như ý, không xứng với số tiền tôi đã bỏ ra. Nhưng khi phản hồi lại, cửa hàng chỉ chấp nhận sửa chứ không hoàn lại tiền. Nhiều lần trao đổi, thấy mất thời gian nên tôi quyết định bỏ qua luôn, nhưng vẫn rất khó chịu”, chị Lan bức xúc cho biết.

Các “sự cố” mua hàng online như chị Lan không phải là hiếm. Không chỉ mua phải hàng kém chất lượng, không ít khách hàng còn phải “ngậm đắng nuốt cay” khi mua phải hàng nhái, hàng giả, dù trước đó đã được quảng bá với nhiều lời có cánh. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, vào khoảng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. 

Điển hình là mới đây, lực lượng công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện kho hàng nhập lậu có hàng chục nghìn sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau, như: mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính…. có tổng trị giá hàng tỷ đồng trong một nhà xưởng nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa phận phường Tân Biên. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bên trong kho xưởng rộng 600m2 có 20 người đang thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook và chốt đơn hàng.

Hoặc trong năm 2020, đã có nhiều vụ việc lớn về gian lận trên nền tảng TMĐT tại Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã bị lực lượng quản lý thị trường phanh phui. Điểm chung của các vụ việc này đều là lượng đơn hàng qua Facebook rất lớn, tối thiểu mỗi ngày đều “chốt” được vài trăm đơn hàng. Sau khi livestream bán hàng, các đơn hàng đã “chốt” trên Facebook sẽ được các nhân viên đóng gói gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát. Như vậy, hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu đã được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt nhiều năm qua.

Trong Báo cáo mới đây của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) về các chợ có tai tiếng về hàng giả, đánh cắp bản quyền, USTR đã “điểm mặt” 3 chợ truyền thống và trực tuyến của Việt Nam. Độ chính xác của báo cáo này còn phải xem xét lại, song đây cũng là hồi chuông cảnh báo tình trạng gian lận trên nền tảng TMĐT tại Việt Nam.

Siết chặt quản lý

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với đó, các dịch vụ đi kèm TMĐT rất phát triển, nên kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu. Thêm vào đó, các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán rất hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển trong nội địa rất nhanh. Điều này khiến công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả trên mạng lại càng khó khăn.

Dự báo, năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường Internet còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cho nên, chúng tôi xác định rằng phải có kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản hơn. Hiện, lực lượng quản lý thị trường đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công thương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới. 

Ông Trần Hữu Linh cho biết, Nghị định có những điều khoản giúp đối xử bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Trên môi trường thương mại truyền thống, chúng ta quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì bây giờ sẽ quy định như vậy trên môi trường internet. Trong bản dự thảo Nghị định sửa đổi này, có sự bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống.

Bên cạnh đó, các mô hình TMĐT sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử. Trước đây chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng.

Ngoài ra, các dịch vụ liên quan như hỗ trợ cho thanh toán điện tử, dịch vụ vận chuyển trong thời gian gần đây là một trong những yếu tố làm cho TMĐT bùng nổ, sẽ được đưa vào trong Nghị định TMĐT này. 

“Thay đổi về chính sách là rất quan trọng, cần phải đi đầu. Kỳ vọng, trong năm 2021, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 sẽ được Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực. Đây là thay đổi rất quan trọng đối với môi trường phát triển TMĐT”, ông Trần Hữu Linh kỳ vọng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2 - 3 năm tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát trên môi trường TMĐT; lập kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Quyết tâm phanh phui nhiều vụ việc, đường dây, ổ nhóm để tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng trên mạng.