Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán trái phép động thực vật hoang dã

NDO -

NDĐT – Thời gian qua, tình trạng buôn bán trái phép động thực vật hoang dã diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Việt Nam đã gia nhập Công ước Cites từ năm 1994, sau khi gia nhập, Việt Nam đã chủ động trong công tác thực thi kiểm soát bảo vệ động vật hoang dã. Công ước Cites luôn được ngành Hải quan quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ông Nguyễn Khánh Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên NDĐT.

Ông Nguyễn Khánh Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan.
Ông Nguyễn Khánh Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan.

PV: Việt Nam tham gia Công ước Cites năm 1994, kể từ đó ngành Hải quan đã tiếp cận, thực hiện Công ước như thế nào trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán động thực vật hoang dã?

Ông Nguyễn Khánh Quang: Kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước Cites năm 1994, công tác thực thi kiểm soát bảo vệ động vật hoang dã theo Công ước Cites luôn được ngành Hải quan quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong các năm vừa qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, tăng cường quản lý, tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt các giải pháp thiết thực để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới.

Điển hình về sáng kiến thực tiễn mà Hải quan Việt Nam đóng góp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán động thực vật hoang dã là Dự án Savannah - sáng kiến hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc về đấu tranh chống vận chuyển trái phép các loài hoang dã thuộc danh mục Công ước CITES trong đó có ngà voi và sừng tê giác trên các tuyến vận chuyển và tập trung trọng điểm là tuyến hàng không. Sáng kiến đã được đồng trình bày tại phiên họp Ủy ban Kiểm soát tháng 3-2017 tại trụ sở Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và bắt đầu triển khai giai đoạn thí điểm từ ngày 26-6 đến 20-8-2017 với sự tham gia của 14 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả, với vai trò điều phối của Hải quan Việt Nam, Hải quan Hàn Quốc và Văn phòng tình báo khu vực, qua tổng kết trong khuôn khổ dự án, đã có 48 vụ việc bắt giữ được các nước thành viên tiến hành báo cáo trên hệ thống CENComm với khối lượng bắt giữ 23 tấn, 158 cá thể, 57 nghìn mét khối các loài động thực vật hoang dã.

PV: Trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu động thực vật hoang dã, yếu tố nào là quan trọng nhất? Những bài học kinh nghiệm từ thực tế?

Ông Nguyễn Khánh Quang: Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu động thực vật hoang dã luôn được xác định là trọng tâm, trọng điểm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các đơn vị hải quan các cấp. Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh tới kiểm tra, kiểm soát... đều nhấn mạnh đến vấn đề này.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu động thực vật hoang dã của lực lượng Hải quan là việc chủ động khai thác, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực; chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ trước với các hành vi vi phạm.

Thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong và ngoài nước là một trong những biện pháp nghiệp vụ kiểm soát căn bản để chủ động thực hiện phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa nói chung và động thực vật hoang dã nói riêng. Nhiều năm qua, Hải quan Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập, phân tích, sàng lọc thông tin, dữ liệu từ các địa bàn, từ hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành, từ hệ thống trinh sát, từ các cơ quan, lực lượng chức năng, tổ chức trong, ngoài nước, từ hệ thống tin báo, tố giác tội phạm và từ các nguồn công khai, bí mật khác nhằm nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo tình hình, phát hiện sớm các nghi vấn, xác định trọng điểm, kịp thời tổ chức các phương án đấu tranh. Qua đó đã chủ động kiểm soát được tình hình, phát hiện và đấu tranh triệt để với các phương thức, thủ đoạn mới, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp.

Những bài học kinh nghiệm từ thực tế:

Thực hiện đúng quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới để bảo đảm tốt các yêu cầu nghiệp vụ và pháp luật.

Chủ động thu thập, phân tích các nguồn thông tin trong khu vực và trên thế giới về những biến động, xu hướng mới nổi; các chuyến bay, tuyến đường nổi cộm để sàng lọc, xác định trọng điểm.

Đẩy mạnh phổ biến chính sách, pháp luật về công tác quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp; giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mối nguy hại và các hệ lụy từ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ với hoạt động này.

Triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như trao đổi thông tin, xác minh, hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, trao đổi kinh nghiệm... nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Hải quan các nước, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trên phương diện chính trị, ngoại giao cũng như tìm kiếm sự đồng thuận, đồng lòng trong cuộc chiến triệt tiêu các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài hoang dã xuyên quốc gia.

PV: Các đối tượng buôn bán động thực vật hoang dã thường dùng rất nhiều thủ đoạn, mánh khóe nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Ngành Hải quan đã chủ động triển khai các biện pháp cũng như phối hợp với các lực lượng liên quan như thể nào để đấu tranh với loại tội phạm này?

Ông Nguyễn Khánh Quang: Tích cực, chủ động trong xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm bổ sung một cách toàn diện các quy định về thẩm quyền, địa bàn hoạt động, phạm vi trách nhiệm và các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu. Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới qua đó được nâng lên rõ rệt.

Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin bảo đảm cải cách, hiện đại hóa quá trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan với quan điểm chủ động phòng ngừa nhằm hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm thông qua:

Thành lập và vận hành chính thức Phòng Giám sát hải quan trực tuyến trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu. Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến hoạt động theo mô hình kiểm soát trực tuyến mọi hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các hệ thống công nghệ thông tin và trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại của ngành Hải quan, cảnh báo đối với các lô hàng, đối tượng trọng điểm, cung cấp thông tin, tích hợp vào Hệ thống cơ sở dữ liệu Ngành nhằm phát hiện sớm các nghi vấn, bảo đảm chủ động xây dựng các hồ sơ kiểm soát trọng điểm, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát, phát hiện và đấu tranh kịp thời với vi phạm.

Tăng cường hệ thống máy soi, hệ thống camera giám sát, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chip giám sát điện tử,... để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa.

Phối hợp với các bộ ngành triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan từ xa, từ trước và trên các lĩnh vực.

Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật với việc thành lập Đội Điều tra hình sự thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu. Từ đó, góp phần đưa công tác điều tra các vụ việc của lực lượng hải quan chuyên nghiệp, chuyên sâu, đạt hiệu quả hơn; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả xử lý các vụ việc vi phạm hình sự trong lĩnh vực Hải quan; nâng cao năng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.

Tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… Trong đó, chú trọng ngay từ công tác trao đổi thông tin; tổ chức lực lượng, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc đến phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn.

Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thu thập thông tin trong nước và quốc tế về động vật hoang dã và các vụ việc bắt giữ, thủ đoạn buôn lậu để chủ động phân tích, dự báo, bảo đảm việc phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra xác minh đạt được hiệu quả cao.

Đồng sáng kiến với Hải quan Hàn Quốc xây dựng và triển khai Dự án Savannah về đấu tranh chống vận chuyển trái phép các loài hoang dã thuộc danh mục Công ước CITES với sự tham gia của 14 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dự án đã góp phần đẩy mạnh hoạt động chia sẻ thông tin và hợp tác giữa cơ quan Hải quan các nước nhằm ngăn chặn và kiểm soát việc vận chuyển trái phép các loài hoang dã; nâng cao nhận thức về tình hình buôn lậu động thực vật hoang dã trong khu vực cũng như các thủ đoạn, xu hướng mới.

Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt được chú trọng tập trung vào các lĩnh vực như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn bán các loài hoang dã qua biên giới; xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn nhận dạng loài; tổ chức các hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các lực lượng thực thi; tập huấn nâng cao năng lực nhận dạng động vật hoang dã trong và ngoài nước…

Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát hải quan; xây dựng lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu chính quy, tinh nhuệ, hiệu quả.

Tổ chức lực lượng, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, xác định trọng điểm, xây dựng kế hoạch, phương án, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

PV: Công tác phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước trong khu vực nói riêng và hải quan thế giới nói chung như thế nào trong việc thực hiện Công ước Cites?

Ông Nguyễn Khánh Quang: Tổng cục Hải quan luôn chú trọng và chủ động đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, bảo đảm xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, phục vụ hỗ trợ đắc lực, kịp thời, hiệu quả công tác nghiệp vụ.

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tham mưu xây dựng và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với Hải quan các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng các chương trình, khung hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan với mục tiêu phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; tham gia tích cực, sâu rộng vào các hoạt động kiểm soát quốc tế trong lĩnh vực hải quan; thực hiện tốt vai trò đầu mối liên lạc trao đổi thông tin ở các các hoạt động hợp tác đa phương như hợp tác trong khuôn khổ của WCO, RILO AP, ASEAN cũng như hợp tác song phương với các cơ quan Hải quan các nước.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, nhằm chung tay với cộng đồng các cơ quan thực thi thế giới trong việc kiểm soát, ngăn chặn buôn bán trái phép các loài hoang dã, Hải quan Việt Nam đã tham gia và triển khai hiệu quả nhiều dự án, chiến dịch quốc tế như Dự án Savannah, chiến dịch THUNDERSTORM, LEAD II, Praesidio… Cử cán bộ tham gia các Hội nghị, Hội thảo quốc tế trong và ngoài nước nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, bày tỏ quan điểm cũng như phối hợp xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm về động thực vật hoang dã.

PV: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu động thực vật hoang dã, ngành Hải quan đã gặp những khó khăn gì? Những đề xuất, kiến nghị để công tác phòng, chống buôn lậu động thực vật hoang dã ngày càng hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Khánh Quang: Những thành tích đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu động vật hoang dã của ngành Hải quan là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới, ngành Hải quan vẫn còn gặp không ít những khó khăn như:

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn để buôn lậu và vận chuyển trái phép động vật hoang dã ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, hoạt động không theo quy luật và không cố định.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay còn khá thông thoáng, một số đối tượng lợi dụng để thành lập các công ty “ma” hoặc mua lại các công ty đã thành lập trước đây để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Do vậy, việc điều tra, xác minh rất mất thời gian và gặp nhiều khó khăn.

Công tác giám định tốn kém, đôi khi gặp khó khăn do trong một số trường hợp tang vật có số lượng ít, không đủ làm mẫu vật.

Thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý của ngành Hải quan. Cụ thể:

Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh: “Điều 188. Tội buôn lậu", “Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và “Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Tuy nhiên, trong thực tế thực thi nhiệm vụ, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc phạm vi quản lý của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… Trên thực tế khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Theo quy định của Nghị định 157/2013/NĐ- CP quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản: Có quy định về thẩm quyền xử phạt của các lực lượng Công an, Biên phòng, chưa quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng Hải quan. Trong khi đó, trong những năm qua, lực lượng hải quan với nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã trên địa bàn hoạt động Hải quan.

Một số đề xuất, kiến nghị:

Sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh đối với hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã như Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Về thủ tục thành lập doanh nghiệp: đề nghị khi cấp phép thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, các cơ quan có thẩm quyền phải xác minh rõ nhân thân, người đại diện pháp luật và địa chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, việc điều tra, xác minh đối tượng liên quan thuận lợi hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục, hạn chế trường hợp doanh nghiệp “ma”.

Đề nghị các Cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền về việc cấp giấy phép đối với hoạt động gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thường xuyên quản lý, kiểm tra chặt chẽ để tránh tạo sơ hở cho các đối tượng lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài động, thực vật hoang dã đã được mua gom trái phép để kinh doanh, buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tra cứu tập trung về giấy phép CITES để các lực lượng chức năng thuận tiện trong tra cứu, đối chiếu thông tin góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh bắt giữ, phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã.

Tăng cường công tác tuyên truyền để các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế có cái nhìn đúng đắn cũng như ghi nhận những nỗ lực, những kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.

- PV: Xin cảm ơn Ông!