Chống "mạo danh" hàng Việt để xuất khẩu

NDO -

NDĐT - Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều ưu đãi và lợi thế cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu so với các quốc gia xuất khẩu khác không có FTA. Song cũng vì thế thời gian qua các lực lượng chức năng đã phát hiện có hiện tượng nhiều hàng hóa bị gian lận xuất xứ hàng hóa, "phù phép" trở thành hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và uy tín cho hàng Việt Nam.

Thủy sản là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thủy sản là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa.

Nở rộ các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa
Hai giờ sáng 9-7-2019, Tổ công tác số 1 - Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt bất ngờ kiểm tra chiếc ô-tô biển kiểm soát 29B-112.61, lưu thông trên quốc lộ 1B, thuộc địa bàn xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc – Lạng Sơn. Kết quả kiểm tra cho thấy, trên xe chất đầy hàng hóa, ước tính theo giá thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng, lái xe chỉ xuất trình được một tờ hóa đơn bán hàng trị giá 23 triệu đồng. Hàng hóa đối tượng vận chuyển bao gồm chín loại mặt hàng, trong đó có giầy dép, quần áo, đồ điện tử… sản xuất ngoài lãnh thổ Việt Nam, hầu hết không có nhãn mác, không có thông tin chỉ dẫn xuất xứ, hoặc đã được in dán nhãn mác mang thương hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sản phẩm thiết bị kỹ thuật số mang thương hiệu VTC…

Đó chỉ là một trong những vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa mới nhất được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ trong thời gian gần đây. Nếu không kịp thời phát hiện, ngoài việc tiêu thụ ở thị trường nội địa, không loại trừ khả năng số hàng này sẽ được “phù phép” thành hàng Việt Nam và thậm chí xuất khẩu ngược ra nước ngoài.

Đối với việc kiểm tra, xác minh cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, chỉ trong tháng bảy qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra cho thấy, vụ việc được phát hiện do cơ quan hải quan nước nhập khẩu báo lại, có ba trường hợp doanh nghiệp làm giả liên 1 của C/O (có 3 liên), thực hiện qua một công ty dịch vụ chuyên làm C/O. Doanh nghiệp cũng lý giải là do cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ hủy đơn hàng.

“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra ngày càng phức tạp, việc gian lận xuất xứ sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng hóa Việt Nam, đặc biệt nếu bị vướng vào các vụ kiện điều tra”, ông Trần Hữu Linh cảnh báo.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, Hoa Kỳ là thị trường cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tức là khi muốn gian lận, doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam. Hàng hóa vẫn được nhập khẩu vào Hoa Kỳ và lưu thông trên thị trường. Gian lận xuất xứ hàng hóa chỉ phát hiện ra ở khâu hậu kiểm. Điều này đã được Bộ Công thương nhiều lần cảnh báo với phía bạn và hải quan Hoa Kỳ cũng hứa hẹn sẽ lưu ý. Tuy không thuộc lỗi phía Việt Nam nhưng tình trạng này ít nhiều khiến hàng hóa Việt Nam ảnh hưởng.

Đặc biệt, nếu thời gian trước, Việt Nam nói nhiều đến gian lận xuất xứ hàng hóa xuất đi thị trường khác, thì hiện nay, lại có tình trạng hàng hóa các nước gian lận xuất xứ, mượn đường Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài. “Thời gian qua có tình trạng tôm Ecuador, ớt Ấn Độ mượn xuất xứ Việt Nam xuất sang Trung Quốc… Nhiều loại nông sản nước ngoài cũng lợi dụng trao đổi cư dân biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường này”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu thực trạng.

Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa
Trong bối cảnh gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng trở nên phức tạp, các bộ, ngành đã liên tục triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Mới đây, Bộ Công thương đã xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, lấy ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo chỉ rõ, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan hàng hóa đó. Đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, Bộ Công thương thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặt biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (pin mặt trời, lốp ô-tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện,...). Cục cũng đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp và khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh: “Cục cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặc biệt lưu tâm trong công tác chống gian lận xuất xứ hàng khi cấp C/O cho doanh nghiệp”.

Tổng cục Hải quan mới đây cũng yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật, bên cạnh đó kiểm tra chặt các khâu thủ tục.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ quan hải quan không đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa nếu người khai hải quan không khai thông tin xuất xứ hàng hóa tại ô mã nước xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu. Trường hợp kiểm tra hồ sơ hải quan, Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị kiểm tra các nội dung khai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu; trường hợp người khai hải quan nộp C/O theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BTC, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra theo các bước: Kiểm tra, đối chiếu dấu và/hoặc chữ ký trên C/O để xác định mẫu dấu, chữ ký là hợp lệ; kiểm tra thời hạn hiệu lực của C/O… Bên cạnh đó, khi kiểm tra C/O, các đơn vị còn cần lưu ý kiểm tra tiêu chí xuất xứ; kiểm tra chứng từ tự chứng nhận C/O; kiểm tra thông tin về hành trình của lô hàng ghi trên C/O, vận đơn và các chứng từ khác (nếu có) để bảo đảm hàng hóa nhập khẩu đáp ứng điều kiện vận tải trực tiếp; kiểm tra, đối chiếu nội dung khai trên tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với dữ liệu hàng hóa nhập khẩu đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng hóa nhập khẩu có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Gian lận xuất xứ không chỉ khiến hàng Việt Nam mất thị phần, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất uy tín, dễ dẫn đến các vụ kiện nếu hàng hóa xuất khẩu vào các quốc gia khác kém chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp được khuyến cáo đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc chống gian lận xuất xứ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.