Trắng đêm "tìm" Covid-19

Những ngày này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liễu (trong ảnh), khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế quận Long Biên, Hà Nội, đang dần trở lại cuộc sống bình thường nhưng những kỷ niệm về "cuộc chiến" chống Covid-19 vẫn thật khó quên.

 Trắng đêm "tìm" Covid-19

Ðịa bàn quận Long Biên là cửa ngõ phía đông bắc thành phố và có trụ sở của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Nhiệm vụ của Trung tâm Y tế quận Long Biên là lấy mẫu, phối hợp chính quyền địa phương cách ly, khoanh vùng bệnh nhân, kiểm soát các ca cách ly… Theo bác sĩ Liễu, việc khoanh vùng, xác định đối tượng F1, F2, lấy mẫu, cách ly luôn được tiến hành nhanh nhất có thể, chỉ chậm ít phút là đối tượng F1 có thể đã tiếp xúc thêm vài người khác, cho nên công việc phải hết sức khẩn trương. Bác sĩ Liễu vẫn nhớ đêm 7-3, khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn (ca bệnh số 17), danh sách những ca tiếp xúc F1, F2 được gửi về. Một giờ sáng, Ðội đáp ứng nhanh ra quân khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm. Chị chia sẻ: "Cán bộ phải làm cho đối tượng hắt hơi để lấy mẫu, cho nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn nếu đối tượng sau đó được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bản thân tôi cũng khá lo lắng. Nhưng ý thức được trách nhiệm của người đảng viên, là lãnh đạo khoa, nếu mình chùn bước thì anh em sẽ hoang mang, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, cho nên những việc hiểm nguy tôi đều tiên phong làm trước, động viên đồng nghiệp phải cố gắng, chú ý công tác bảo hộ". Sau ca bệnh số 17, Hà Nội liên tục có nhiều ca bệnh khác. Nhiều hôm, vừa chợp mắt một lúc, điện thoại lại reo, cả đội vội vã lên đường. Các ca F1, F2 lại phân tán ở nhiều phường, anh em chạy xuyên đêm khắp các ngõ, ngách để lấy mẫu gửi sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố ngay sau hai giờ nhận thông tin.

Thời điểm dịch căng nhất là tháng 4, khi thời tiết bắt đầu chuyển nóng. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân một lúc là mồ hôi chảy ròng ròng trong người. Những hôm cần lấy lượng mẫu lớn, dù khát nước khô cả cổ, nhưng đội ngũ y tế ở đây đều không dám uống và nhịn cả việc đi vệ sinh. Vì khi đã tiếp xúc với các đối tượng F1, nếu bỏ bảo hộ và khẩu trang ra uống nước thì phải hủy trang phục bảo hộ ngay. Trang thiết bị còn thiếu thốn, cho nên ai cũng có ý thức tiết kiệm, khi làm xong nhiệm vụ mới bỏ khẩu trang và quần áo bảo hộ ra, khuôn mặt ai cũng có vệt hằn khẩu trang.

Trong hai tháng cao điểm chống dịch, quận Long Biên có chín ca dương tính, trong đó có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của khoa đều giữ được an toàn tuyệt đối cho bản thân, cho đồng nghiệp và cho gia đình. Bác sĩ Liễu chia sẻ, nhiều năm làm công tác xét nghiệm, nhưng chưa bao giờ chị và đồng nghiệp hồi hộp chờ đợi thông tin phản hồi từ CDC Hà Nội đến thế. Mọi người đều vui mừng mỗi khi danh sách kết quả gửi về thông báo không có ca dương tính trên địa bàn quận. Chị bảo, người Việt mình luôn có tinh thần đoàn kết. Bình thường, tinh thần ấy như mạch ngầm âm thầm chảy, khi đất nước gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái bùng cháy. Ðó là điều bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liễu luôn tự hào.