Gương sáng, việc hay

Tô điểm cho không gian văn hóa cộng đồng

Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp bờ sông Hồng do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện, vừa hoàn tất trong tháng 2, đã cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực, đem lại không gian văn hóa mới cho cộng đồng.

Một buổi chiều tháng 3, đi trên con đường dài gần 1 km ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), gió từ sông Hồng ùa vào mát rượi, bình yên như một góc làng quê giữa phố. Trên bức tường dọc theo đoạn đường ven sông, 16 tác phẩm nghệ thuật nhiều mầu sắc thu hút sự chú ý của mọi người. Trong đó, có hai tác phẩm do hai nghệ sĩ đến từ Ô-xtrây-li-a và Tây Ban Nha thực hiện, các tác phẩm còn lại do các nghệ sĩ trong nước: Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Ngọc Lâm, Vũ Xuân Ðông, Cấn Văn Ân… thực hiện.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: "Chúng tôi sử dụng nguyên liệu rác tái chế để tạo những tác phẩm nghệ thuật, vừa muốn mọi người nhớ những ký ức của Hà Nội xưa và nâng cao nhận thức về ý thức bảo vệ môi trường". Tác phẩm "Phản chiếu song hành" của họa sĩ trẻ Cấn Văn Ân được hoàn thiện nhờ 4.000 tấm gương xe máy, ô-tô và gương cầu lồi cũ. Trên các tấm gương vẽ các hình bóng phản chiếu của cầu Long Biên. Ánh sáng lấp lánh tạo thành những lớp sóng của dòng sông. Tác phẩm "Voi" của họa sĩ người Ô-xtrây-li-a G.Bớc-sét gắn liền với hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận khi xưa. Tác phẩm "Gánh hàng rong" của tác giả Nguyễn Thế Sơn kể câu chuyện về những gánh hàng rong, những người bán hàng, người lao động từng buôn bán, lao động tại chính bến sông này. Tác phẩm mang hơi thở thời đại, nhưng cũng gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ Chợ thời xưa. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, nhóm họa sĩ không tốn nhiều thời gian để triển khai dự án. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm là phải vận động, tạo được sự đồng thuận của người dân. Phần lớn người dân sống ở đây là người ngụ cư, thuộc nhiều tầng lớp, có trình độ dân trí khác nhau, khi chúng tôi mới thực hiện dự án, lúc đầu nhiều người không hiểu, có thái độ thiếu thiện cảm. Chúng tôi đã phải làm việc với chính quyền, tổ chức họp, giải thích về ý nghĩa của dự án, lấy ý kiến đồng thuận của người dân.

Bà Nguyễn Thị Minh, 48 tuổi, một người dân sống ven sông Hồng cho biết, khi dự án hoàn tất, bà và những người hàng xóm đều rất hài lòng. "Buổi tối, khi đèn điện từ các tác phẩm nghệ thuật bật lên, con đường đẹp lung linh. Cuộc sống của chúng tôi ở đây trở nên thanh bình hơn", bà Minh nói.

Anh Hoàng Văn Tuấn, 38 tuổi bế con trai mới hơn một tuổi ra đường ven sông Hồng chơi. Cậu bé chỉ tay về phía tác phẩm "Vòng thời gian" của tác giả Trịnh Minh Tiến. Ðược bố xoay những bánh xe đầy mầu sắc quay tròn, đứa trẻ cười thích thú. "Tôi không rõ ý nghĩa của tác phẩm này, nhưng thấy bắt mắt. Bọn trẻ con trong xóm cũng rất thích", anh Tuấn nói.

Không chỉ người dân ở phường Phúc Tân, nhiều bạn trẻ, khách du lịch cũng tìm đến đây để chụp ảnh, ngắm dòng xe lưu thông trên cầu Long Biên, cầu Chương Dương và đón gió từ sông Hồng. Dự án đã trở thành một điểm nhấn văn hóa mới của thành phố, mang lại giá trị văn hóa cho cộng đồng người dân Thủ đô.