GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Làm giàu từ cây bưởi

Hưởng ứng phong trào thanh niên lập nghiệp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh Phùng Văn Hà đã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật để phát triển giống bưởi Diễn trên đồng đất quê hương. Nhờ đó, dù còn trẻ, anh đã là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ).

Anh Phùng Văn Hà chăm sóc cây bưởi.
Anh Phùng Văn Hà chăm sóc cây bưởi.

Hợp tác xã Bưởi Núi Bé có quy mô khá lớn, lên tới 26 ha. Hằng năm, doanh thu từ cây bưởi đạt khoảng bảy tỷ đồng. Các thành viên HTX đều có kinh tế từ khá đến giàu. Ít ai ngờ rằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Bưởi Núi Bé lại là anh Phùng Văn Hà, một thanh niên còn trẻ.

Năm 2006, UBND huyện Chương Mỹ xây dựng chính sách chuyển đổi diện tích đất canh tác thiếu nước sang trồng cây ăn quả tại xã Nam Phương Tiến. Chỉ sau một thời gian, cây bưởi đã an cư tại mảnh đất này với diện tích hàng trăm héc-ta. Gia đình anh Phùng Văn Hà cũng tham gia làm trang trại bưởi Diễn. Thế nhưng, anh nhận thấy phần lớn người dân trồng bưởi dựa vào kinh nghiệm, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, cho nên năng suất, chất lượng chưa cao. Hà đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi. Đến năm 2014, anh thuê lại 4 ha đất của các hộ dân để trồng bưởi theo hướng thâm canh. Các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây như: Tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung... đều được anh trực tiếp giám sát. Năm 2016, trang trại của anh Hà nhận được sự hỗ trợ của UBND huyện Chương Mỹ và Viện Nghiên cứu rau quả khi triển khai chương trình khuyến nông tại địa phương. Cách trồng bưởi của gia đình anh có những khác biệt nhất định so với các hộ gia đình trong khu vực. Trong vườn, anh cho trồng một số giống bưởi khác như: bưởi chua, bưởi đỏ Tân Lạc... để tăng khả năng thụ phấn chéo. Việc thụ phấn chéo, thụ phấn bổ sung cho cây bưởi đòi hỏi người lao động phải làm việc tỉ mỉ và tốn nhiều công sức, người lao động phải chuyển hạt phấn của cây bưởi này sang thụ phấn ở cây bưởi khác. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại rất cao, năng suất, chất lượng của cây trồng đều tăng lên.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, trang trại bưởi của Phùng Văn Hà được tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu huyện Chương Mỹ năm 2017 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp UBND huyện Chương Mỹ tổ chức và đoạt giải ba. Năm 2017, anh khởi xướng ý tưởng liên kết thành lập mô hình HTX. Ban đầu, mọi người chưa tin tưởng nên phải mất mấy tháng vận động mới thành công. Đến tháng 9-2019, HTX Bưởi Núi Bé mới chính thức ra đời, thu hút 13 hộ gia đình tham gia. Hà sinh năm 1983, khi ấy còn trẻ tuổi, nhưng anh được tín nhiệm, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất của HTX, cho nên đã được bầu làm chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc. HTX thực hiện trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi giun và vi sinh vật có lợi để chúng làm tơi xốp đất, không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, mà dùng các phụ phẩm nông nghiệp tự ngâm, ủ để bón. Nhờ đó, chất lượng múi bưởi thơm ngon, thời gian bảo quản cũng được lâu hơn so với sản phẩm thường. Môi trường nông nghiệp cũng được bảo đảm, đáp ứng những tiêu chí trong sản xuất vùng nguyên liệu sạch, bền vững. Đến nay, HTX có 20 hộ gia đình tham gia. Riêng hộ gia đình Phùng Văn Hà sở hữu 13 ha, với 2.300 gốc bưởi. Ngoài ra, anh còn mở rộng diện tích trồng cành bưởi Diễn con làm phôi để ghép cành, đem lại nguồn thu không nhỏ. Năm 2019, mặc dù giá của các loại cây có múi giảm, nhưng doanh thu gia đình Hà vẫn đạt hơn hai tỷ đồng. Bởi vậy, anh được mệnh danh là “tỷ phú bưởi”. Sản phẩm bưởi của HTX được tiêu thụ ổn định tại các siêu thị Hapro, Citimart...

Thời gian tới, ngoài việc duy trì diện tích trồng bưởi, anh Hà mở rộng sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Anh cho biết: “Thị trường hiện có nhu cầu lớn về các sản phẩm rau hữu cơ, rau rừng... Chúng tôi đã thuê thêm diện tích ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để trồng các loại rau hữu cơ. Đồng thời, HTX tổ chức để làm thêm những sản phẩm mới như: tinh dầu bưởi, tinh dầu hoa bưởi, tinh dầu các loại cây khác để tăng thêm nguồn thu”.