Cứu người bị nạn

Là người làm nghề lái xe máy chở khách, anh Phạm Quốc Việt (TRONG ẢNH) đã thành lập đội hỗ trợ sơ cứu, cứu nạn miễn phí với hơn 20 thành viên để giúp đỡ những nạn nhân chẳng may bị tai nạn giao thông trên đường.

Cứu người bị nạn

Nửa đêm, điện thoại của anh Phạm Quốc Việt, 33 tuổi đổ chuông. Một tình nguyện viên thông báo vừa xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Nhìn nhanh bức ảnh chụp nạn nhân trên nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, anh Việt nhận định: Vẫn cần sơ cứu cho người bị nạn. Vơ vội túi đựng đồ dùng y tế có biểu tượng chữ thập đỏ, từ nhà trọ tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), anh phóng xe máy đi.

Sau 15 phút, Việt có mặt tại hiện trường. Đám đông vây quanh nạn nhân, nhưng không ai dám chạm tay vào. “Đây rồi, có nhân viên y tế đến rồi”, vài người reo lên khi thấy anh đội mũ bảo hiểm có chữ "cứu nạn" và đeo băng chữ thập đỏ ở cánh tay. "Đề nghị mọi người tản ra để nạn nhân dễ thở. Đã ai gọi cấp cứu chưa? Xem điện thoại anh ấy có số người nhà thì báo giúp", miệng nói, mắt anh Việt quan sát tình trạng nạn nhân. Thấy nhịp thở của nạn nhân chậm, máu ra nhiều ở vùng đầu, anh dùng bông băng để băng bó. Việt hoàn tất công việc trước khi xe cấp cứu xuất hiện. Nhờ sự có mặt kịp thời của anh, nạn nhân đã được sơ cứu đúng cách. Ngày hôm sau, anh Minh Hùng, ở huyện Thanh Trì, em trai nạn nhân cho biết: “Anh trai tôi đang điều trị tại bệnh viện. Sức khỏe của anh không tốt lắm do gặp chấn thương nặng. Tuy nhiên, nếu không được nhóm anh Việt sơ cứu trước, có lẽ còn bị thương nghiêm trọng hơn”.

Năm 2016, khi còn làm việc ở Tuyên Quang, Việt bị tai nạn xe máy. Nằm bất động trên đường, Việt chờ đợi người cứu giúp. Tuy nhiên, những người đi đường lướt qua anh. “Có lẽ họ sợ đụng vào tôi sẽ liên lụy. Nhìn xe tải trên cầu đang lao vun vút xuống chỗ mình nằm, tôi thót tim vì hoảng sợ”, anh Việt nhớ lại. Anh dồn hết sức còn lại, cố giơ tay cầu cứu. Rất may sau đó, một người dừng lại, đưa anh đi viện. “Cảm giác bị bỏ rơi ám ảnh, thúc giục tôi phải có trách nhiệm với những người chẳng may bị bỏ lại khi bị tai nạn giao thông như mình”, Việt nói. Năm 2017, Việt xuống Hà Nội làm xe ôm công nghệ, ý nghĩ làm một việc gì đó để cứu các nạn nhân bị tai nạn luôn thôi thúc trong lòng. Sinh ra trong gia đình có ông bà ngoại, mẹ và em trai là bác sĩ, được đào tạo về kỹ năng sơ cứu trong quân ngũ, Việt tích lũy được nhiều kiến thức y khoa cần thiết.

Có vài lần khi đang sơ cứu người bị nạn, Việt bị người nhà nạn nhân lao vào đánh vì nghĩ anh là người gây tai nạn. Rút kinh nghiệm, anh mua túi đựng dụng cụ sơ cứu, dán lô-gô chữ thập đỏ mang theo lúc đi làm. Cũng trong thời gian đó, Việt được công ty dịch vụ công nghệ vận tải - nơi anh làm việc cử tham gia khóa đào tạo kỹ năng sơ cứu người bị nạn. Tháng 9-2019, Việt thành lập đội hỗ trợ sơ cứu, cứu nạn Angle gồm năm thành viên với phương châm “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn. Vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”. Đến nay, đội đã có 20 thành viên (trong đó có hai thành viên nữ) và hàng chục tình nguyện viên.

Hằng ngày, ngoài công việc chính là chạy xe máy chở khách, các thành viên, tình nguyện viên quan sát trên đường, nếu thấy có tai nạn sẽ dừng lại hỗ trợ. Ảnh chụp vết thương của nạn nhân được gửi vào nhóm trò chuyện trên mạng xã hội để Việt nhận định tình hình. Anh tư vấn cho các thành viên cách sơ cứu, hướng dẫn xử lý tình huống phức tạp. Trong trường hợp tai nạn cần nhiều người hỗ trợ, Việt nhìn vào định vị trên điện thoại để gọi thành viên gần nhất đến. Hằng tuần, nhóm gặp nhau một lần để tổng kết và trang bị thêm kiến thức về sơ cứu. Trung bình một ngày, họ hỗ trợ từ ba đến bốn trường hợp. “Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông được đội hỗ trợ đã giảm hẳn so với trước”, anh Việt cho biết.

Các thành viên trong nhóm đã được tham gia các buổi đào tạo sơ cứu, cấp cứu ngắn hạn do tổ chức phi lợi nhuận Survival Skills Vietnam (SSVN - Kỹ năng sinh tồn Việt Nam) đào tạo. Chị Trang Jena Nguyễn, đồng sáng lập tổ chức này đánh giá: “Việc sơ cứu người đúng cách, đúng thời điểm vàng sẽ cứu sống hoặc giảm thương tích đáng kể cho người bị nạn. Vì vậy hoạt động của đội hỗ trợ sơ cứu - cứu nạn có ý nghĩa rất thiết thực".